19/01/2025 | 06:56 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Trẻ "ùn ùn" nhập viện vì cúm mùa

Cập nhật lúc: 19/01/2018, 23:00

Chỉ trong vòng 2 tuần qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã có hơn 300 bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm.

Thời gian vừa qua, thời tiết miền Bắc liên tục thay đổi thất thường khiến nhiều trẻ phải nhập viện vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa. Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi Trung ương số bệnh nhi đến khám và được chẩn đoán mắc bệnh cúm mùa có chiều hướng gia tăng.

ThS.BS. Đỗ Thiện Hải - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ 2 tuần trở lại đây, đã có hơn 300 bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm khi đến khám tại bệnh viện, trong số đó, hơn 100 cháu phải nhập viện điều trị.

Chị H.T.T. (Hà Đông, Hà Nội) đang chăm con nằm tại Khoa Truyền nhiễm do mắc cúm cho biết, ban đầu bé chỉ sốt, gia đình vẫn cho rằng bé bị sốt viêm họng thông thường, nhưng tình trạng bé nặng hơn khi ho nhiều, mũi chảy máu, có lúc còn xảy ra tình trạng lơ mơ, co giật. Ngay lập tức, gia đình chị T. đưa con đến viện, các bác sĩ tiến hành lấy máu xét nghiệm và phát hiện bé bị cúm A. “Ở lớp con có tới mấy bạn bị cúm, chắc con bị lây từ đó”, chị T. chia sẻ.

Hà Nội: Trẻ

Đa số trẻ nhập viện là trẻ nhỏ, sức đề kháng kém. Ảnh: L.Phương

Một trường hợp khác là bệnh nhi Nguyễn Minh H. (14 tháng tuổi, ở Điện Biên) cũng với tình trạng sốt liên tục, đã được điều trị 1 tuần tại y tế cơ sở nhưng tình trạng vẫn chưa thuyên giảm. Gia đình chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc cúm, viêm phế quản phổi.

Theo bác sĩ Hải, hiện đang là mùa đông xuân với độ ẩm, nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển.

Biểu hiện chung khi mắc bệnh cúm là sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39-40 độ và không đáp ứng thuốc hạ sốt, viêm long đường hô hấp trên như: chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng. Đặc biệt khi khám thấy họng viêm đỏ rất rõ, một số trẻ có viêm phế quản.

Thông thường, trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị. Chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà (chỉ dùng thuốc paracetamol). Nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế. Gia đình cần chăm sóc tốt, vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác.

"Với trường hợp mắc một số chủng cúm nặng, nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp hoặc bị cúm trên nền bệnh khác ví dụ hen phế quản, thì gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và quyết định cho trẻ nhập viện hay không. Lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định dùng thuốc phù hợp”, bác sĩ Hải lưu ý.