Hà Nội tiếp tục chủ động, quyết liệt phòng, chống bệnh do Covid-19
Cập nhật lúc: 13/02/2020, 13:57
Cập nhật lúc: 13/02/2020, 13:57
Chiều 12-2, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) của thành phố Hà Nội đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến. Dự họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Phó ban Chỉ đạo và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các quận huyện của thành phố.
Theo Sở Y tế thành phố, tính đến 15h ngày 12-2, thế giới ghi nhận 45.170 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19, trong đó có 1.115 trường hợp tử vong (Trung Quốc có 1.113 trường hợp tử vong).
Tại Việt Nam ghi nhận 15 trường hợp dương tính với Covid-19. Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện số bệnh nhân lây nhiễm đã xuất hiện ở mọi lứa tuổi và đã có trường hợp lây nhiễm thứ phát, đó là trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi lây nhiễm từ bà ngoại.
Tại Hà Nội, hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. Số giám sát tại bệnh viện là 56 trường hợp nghi nhiễm Covid-19; 54 trường hợp đã xét nghiệm âm tính với Covid-19; 2 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, tiếp tục cách ly; 739 trường hợp phải tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ca nhiễm từ những trường hợp trở về từ vùng dịch. Do vậy, thành phố cần tiếp tục nâng cao sự chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.
Ngành Y tế đã phối hợp với Công an thành phố bố trí khu vực cách ly cho những công dân Việt Nam đi từ vùng dịch về; có hướng dẫn chi tiết về mặt chuyên môn trong việc vệ sinh môi trường, khử khuẩn. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục in và phát tờ rơi về phòng, chống dịch cho các hộ gia đình trên địa bàn, đến nay đã phát hơn 2 triệu tờ rơi và hơn 15.000 poster…
Tại buổi họp, các địa phương báo cáo, đã bám sát sự chỉ đạo của thành phố, quyết liệt thực hiện nghiêm túc 5 biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như: Giám sát, cách ly đối với những trường hợp nghi nhiễm, đi từ vùng dịch; thực hiện phun khử khuẩn tại trường học, chung cư; phát khẩu trang miễn phí, để nước sát khuẩn tay tại những nơi tiếp dân; cho học sinh trên địa bàn nghỉ học đúng thời gian quy định; tuyên truyền đến người dân các biện pháp tự phòng, chống bệnh. Nhiều địa phương đã yêu cầu ban quản lý các khu chung cư phải có nước sát khuẩn tay ở khu vực thang máy…
Một số quận, huyện như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Hoài Đức có đông người nước ngoài, sinh viên, học sinh đến từ những địa phương có dịch... đã quyết liệt thực hiện các biện pháp kiểm soát, giám sát tại cơ sở.
Bên cạnh những việc đã triển khai tốt, các địa phương cũng nêu một số khó khăn trong việc kiểm soát, giám sát…
Tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý thị trường thông tin, đã thu giữ hơn 600.000 khẩu trang do các hộ kinh doanh dược phẩm không xuất được hóa đơn, chứng từ hàng hóa.
Sau khi nghe các ý kiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu, các địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế về việc giám sát, cách ly trong vòng 14 ngày. Đồng chí Ngô Văn Quý cũng cho biết, tới đây, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thống nhất các nội dung hướng dẫn cho các trường về phương pháp phòng, chống dịch khi học sinh đi học trở lại.
Chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất cho học sinh trở lại trường
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá cao và biểu dương các đơn vị, sở, ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc yêu cầu phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và thành phố. Trong đó, các địa phương đã tập trung rà soát, phát hiện, thực hiện cách ly đối với những trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch. Sở Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng 1.600 giường bệnh tại các trạm y tế của xã; 3.000 giường bệnh tại các trạm y tế tuyến quận, huyện, thị xã; chuẩn bị phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho các giải pháp cách ly nếu cần…
Từ những việc đã làm, đồng chí Nguyễn Đức Chung đặt ra một số công việc mà các đơn vị, sở, ngành, địa phương cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, Sở Y tế khẩn trương chuẩn bị đủ trang thiết bị y tế bảo đảm chất lượng để trang bị cho cơ sở y tế tại các địa phương. Công an thành phố và Sở Y tế phải chăm sóc tốt đối với những trường hợp đang được cách ly tại Bệnh viện Công an (Hà Đông).
Liên quan đến 600.000 khẩu trang mà Cục Quản lý thị trường đã thu giữ, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, Sở Y tế mời đơn vị chuyên môn đánh giá, thẩm định chất lượng số khẩu trang này. Nếu khẩu trang bảo đảm chất lượng thì trong thời gian tới có thể phát cho các trường học. Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, các địa phương đồng loạt thực hiện tiêu trùng khử khuẩn lần 3 vào cuối tuần này, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để học sinh yên tâm đi học trở lại.
“Cần phải chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất, như dung dịch sát khuẩn, xà phòng để ở trước cửa phòng học để học sinh có thể thường xuyên vệ sinh tay. Còn việc học sinh có nên đeo khẩu trang hay không sẽ chờ sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế”, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý.
Về việc giám sát, cách ly học sinh, sinh viên đến từ vùng dịch hoặc từ các tỉnh tiếp giáp với biên giới, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các địa phương tuyên truyền, vận động người dân không kỳ thị.
“Hiện nay, những địa phương có dịch đã lập danh sách khoanh vùng những người bị nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc với những ca bị bệnh. Các địa phương cần phối hợp với Sở Y tế lấy danh sách này để có biện pháp giám sát, cách ly phù hợp và hiệu quả; không nhất thiết phải giám sát tất cả. Chỉ những trường hợp nghi ngờ như có biểu hiện ho, sốt… mới tổ chức cách ly”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, giải pháp hữu hiệu hiện nay là các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, thuyết phục để người dân có ý thức bảo vệ chính mình và người thân. Sở Y tế cần tiếp tục mời các chuyên gia phổ biến về các cách phòng, chống dịch hiệu quả trên các kênh thông tin đại chúng.
Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý các địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thêm những biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm. Các trại gia cầm phải được phun khử trùng, chuẩn bị vôi bột và tiêm phòng cho đàn gia cầm.
“Thành phố quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; không để xảy ra trường hợp người mắc bệnh, nhưng vẫn chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định.