19/01/2025 | 12:13 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội thu hút 47,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực

Cập nhật lúc: 15/12/2020, 07:30

UBND thành phố Hà Nội đã có Báo cáo số 378/BC-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng kết thực hiện Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14-1-2014 và Quyết định số 26/2012/QĐ-TTg, ngày 8-6-2012, của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan trực thuộc tham mưu, đề xuất nhiệm vụ liên quan đến xúc tiến đầu tư và ban hành các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội từ năm 2016 đến năm 2020, đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện và xác định nhiệm vụ công tác xúc tiến đầu tư của thành phố qua từng thời kỳ. Trong đó, kết quả thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, từ năm 1989, thành phố Hà Nội đã luôn là một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, vốn đầu tư còn hiệu lực là 47,7 tỷ USD, vốn giải ngân khoảng 28,5 tỷ USD.

Phân theo đối tác đầu tư, hiện có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào thành phố Hà Nội. Phân theo ngành nghề, hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng chiếm tỷ lệ lớn nhất, 36,5%; tiếp theo là công nghiệp chế biến, chế tạo 33,43%; thương mại và dịch vụ 24,56%; thông tin và truyền thông 5,32%, nông, lâm nghiệp 0,19%. Trong số các dự án còn hiệu lực, có 5.879 dự án ngoài khu công nghiệp, vốn đăng ký 31,26 tỷ USD; 385 dự án trong các khu công nghiệp, vốn đăng ký 6,76 tỷ USD và 14 dự án trong khu công nghệ cao Hòa Lạc, vốn đăng ký 880 triệu USD.

Cũng theo báo cáo, Hà Nội hiện đứng thứ hai trên toàn quốc với 19,42% số dự án; 10,2% vốn đầu tư đăng ký và 8,4% vốn giải ngân so với cả nước, vốn thực hiện lũy kế đạt 28,520 tỷ USD (đạt 60,03% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Trong 2 năm (2018 và 2019), thành phố Hà Nội liên tiếp dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 7,5 tỷ USD (năm 2018) và 8,669 tỷ USD (năm 2019).

Đáng chú ý, UBND thành phố đã xây dựng danh mục dự án xúc tiến đầu tư và giới thiệu tại các hội nghị xúc tiến đầu tư hằng năm của thành phố, đồng thời, thông qua các cổng thông tin điện tử và báo chí. Từ năm 2016 đến nay, danh mục dự án dự kiến xúc tiến đầu tư, cụ thể: Năm 2017 có 136 dự án, năm 2018 có 167 dự án, năm 2020 có 282 dự án. Về việc này, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cũng đã triển khai công tác sản xuất, cập nhật, tái bản hằng năm đối với các ấn phẩm, clip quảng bá môi trường đầu tư của thành phố Hà Nội đạt mỹ thuật, nội dung phong phú, có chiều sâu, được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, đón nhận.

Thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị với chất lượng thu hút đầu tư đầu tư nước ngoài được nâng cao về chiều sâu, tập trung thực hiện các biện pháp thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia vào đầu tư, kinh doanh tại Hà Nội; đồng thời, tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách của thành phố về đầu tư, nhu cầu thị trường với các đối tác, tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài và cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài; tăng cường triển khai công tác liên kết vùng với các tỉnh, thành phố trên các lĩnh vực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của thành phố và doanh nghiệp. Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư thường niên nhằm mục đích tăng cường thu hút đầu tư trong nước và quốc tế thông qua việc quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư của Thủ đô và của các địa phương trong vùng với các đại biểu là doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực khác nhau tham dự.

Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư, thành phố Hà Nội không ngừng thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo sự gắn kết hợp lý, có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài vào Hà Nội thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế trong một chương trình tổng thể, thống nhất; kết nối hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, du lịch và các hoạt động liên quan khác. Cùng với đó, ban hành chính sách ưu đãi theo các nhóm ngành ưu tiên phát triển trên mỗi địa bàn dựa vào lợi thế, tiềm năng của từng địa phương; đổi mới phương thức triển khai nhằm thực hiện tốt công tác thu hút, kêu gọi và định hướng đầu tư; đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thu hút tối đa các nguồn lực tài chính từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thành phố cũng tổ chức các đoàn khảo sát nghiên cứu xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trong chuyến tham gia đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các nước ký bản ghi nhớ với các nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn NIDEC, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản AEON…