19/01/2025 | 10:24 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển giao thông, vận tải năm 2021

Cập nhật lúc: 19/02/2021, 15:06

VP UBND TPHà Nội đã ban hành Thông báo số 49/TB-VP, truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển giao thông, vận tải năm 2021.

Theo đó, về nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Sở Giao thông Vận tải cần tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Thông báo số 106-TB/TU ngày 11-01-2021 của Thành ủy Hà Nội về kết luận của Thường trực Thành ủy tại buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải và ngành Giao thông Vận tải; triển khai thực hiện chương trình công tác của UBND thành phố. Nâng cao trách nhiệm và kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động gắn với việc thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công mức độ 4.

Bên cạnh đó, Sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu UBND thành phố trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tham mưu xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 trên nguyên tắc phát triển đồng đều, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển các huyện ở khu vực phía Nam và phía Tây Nam của thành phố, các tỉnh giáp ranh có tính liên kết vùng Thủ đô, các tuyến đường vành đai, xuyên tâm để tăng cường tính kết nối và giảm thiểu ùn tắc, nâng cao năng lực giao thông của thành phố, phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng (xe buýt; buýt nhanh khối lượng lớn, tốc độ cao như BRT; đường sắt đô thị...).

Trên cơ sở đó, đề xuất, sắp xếp thứ tự ưu tiên danh mục đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông có tính cấp thiết, quan trọng báo cáo UBND thành phố bảo đảm tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20%, 10km đường/1km2; phối hợp tham mưu, đề xuất đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường giao thông quan trọng (đường Vành đai 1, đường Vành đai 2,5; các cầu lớn qua sông Hồng, sông Đáy)...

Sở Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức tốt việc tiếp nhận, đưa vào quản lý, vận hành, khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Kết nối vận chuyển hành khách công cộng giữa đường sắt đô thị với hệ thống xe buýt, đảm bảo vận hành tốt nhất khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển… Đồng thời, tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải, phát triển giao thông công cộng kết hợp đa dạng hóa loại hình vận tải, đảm bảo linh động, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, không gây ô nhiễm môi trường (xe buýt điện, xe đạp công cộng,...), có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, đảm bảo tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 17-18% vào năm 2021 và đạt tỷ lệ 30-35% vào năm 2025, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; đẩy nhanh tiến độ triển khai 30 tuyến buýt trong kế hoạch 2020 chuyển sang năm 2021 và mở mới từ 15-25 tuyến buýt trong năm 2021, đưa số lượng xe buýt đến cuối năm 2021 phải đạt trên 2.700 xe, trong đó xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt 5- 20%...

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường; xử lý dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc, sử dụng xe khách hợp đồng hoạt động như tuyến cố định, đón khách, bốc dỡ hàng hóa; xe quá khổ, quá tải; xe chở vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường... gây ùn tắc giao thông, mất trật tự an toàn giao thông...

UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì cùng Công an thành phố, Sở Tư pháp và các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông.

UBND thành phố cũng giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì nghiên cứu, tham mưu, báo cáo UBND thành phố giải pháp giao thông thông minh trong đô thị thông minh, linh hoạt, phù hợp thực tế; kết nối tốt hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy (nhanh, bền vững, xanh, thông minh, hiện đại) để góp phần giảm ùn tắc giao thông, tổ chức giao thông (đặc biệt là trong nội đô lịch sử, nội đô mở rộng, huyện hình thành quận), văn hóa tham gia giao thông (xử lý nghiêm vi phạm, như: đi xe đạp, mô tô, ô tô trên hè đường). Nghiên cứu và triển khai hoàn chỉnh phương án tổ chức giao thông thích hợp nhất (đặc biệt là trong nội đô lịch sử: đèn tín hiệu, phân hướng tuyến, quảng trường, vỉa hè...).

Nguồn: http://phapluatxahoi.vn/ha-noi-tap-trung-thuc-hien-cac-nhiem-vu-trong-tam-phat-trien-giao-thong-van-tai-nam-2021-228282.html