22/11/2024 | 12:45 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Tạo đột phá trong cải thiện chỉ số PAPI

Cập nhật lúc: 15/06/2021, 15:23

Với mục tiêu đưa Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng trung bình hàng năm tối thiểu 5 bậc, TP. Hà Nội tập trung nỗ lực triển khai các giải pháp để nâng chỉ số nội dung còn hạn chế.

Nâng trách nhiệm giải trình với người dân
Những năm qua, Hà Nội rất quan tâm, liên tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị nâng cao Chỉ số PAPI, từ đó, góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Đặc biệt là tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, bảo đảm quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng của người dân.
Theo công bố kết quả Chỉ số PAPI năm 2020, Hà Nội xếp thứ 48/63 tỉnh, TP và tăng 11 bậc so với năm 2019. Theo phân tích, trong 8 chỉ số nội dung mà PAPI đo lường của Hà Nội có tới 6/8 chỉ số vừa tăng về điểm số, vừa tăng về thứ hạng (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; quản trị môi trường).

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, cùng với những hiệu quả tốt trong cải cách hành chính, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các giải pháp để công khai, minh bạch trong việc ra quyết định, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân. Trong đó, tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động tại cộng đồng, hội nghị đại biểu Nhân dân các tổ dân phố đã lồng ghép nội dung tuyên truyền về quy chế dân chủ cơ sở, các văn bản pháp luật, trợ giúp pháp lý... Đồng thời, tăng thêm các hình thức truyền tải, công khai những nội dung liên quan đến dân sinh như chương trình mục tiêu giảm nghèo; các nội dung thu - chi ngân sách cấp xã; quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của quận, huyện, thị xã…
Tại nhiều quận, huyện, nhằm tăng sự tương tác giữa chính quyền với người dân, đã xây dựng trang "Chính quyền điện tử" trên ứng dụng Zalo, kết nối với Cổng dịch vụ công thực hiện các phần việc: Nộp hồ sơ trực tuyến; trao đổi, hỏi đáp, phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính (TTHC); đánh giá mức độ hài lòng...
Ngoài ra, bổ sung các tính năng như: Hỗ trợ trực tuyến đường dây nóng, thăm dò ý kiến khảo sát đối với người dân, tổ chức trên địa bàn… trên các trang thông tin của địa phương.
Tăng hiệu quả dịch vụ công
Dù Chỉ số PAPI năm 2020 của TP tăng mạnh về thứ hạng (11 bậc), song đây là kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng, Hà Nội vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, TP có điểm tổng hợp thấp. Trong 8 chỉ số nội dung mà PAPI đo lường có 2 chỉ số nội dung vừa giảm về điểm số, vừa giảm về thứ hạng (cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử).
Như các chuyên gia đã phân tích, nếu như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hướng tới đối tượng là DN, Chỉ số PAPI lại hướng tới đối tượng người dân tại cơ sở. Qua kết quả đạt được, có thể nhận thấy công tác quản trị của các cấp chính quyền TP Hà Nội đã được cộng đồng DN đánh giá cao trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách TTHC... Song, với những kết quả của chỉ số PAPI, TP cần tập trung, nỗ lực hơn nữa để hướng tới người dân.
Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm 2021, TP đã tập trung làm rõ những hạn chế, đề ra các biện pháp khắc phục. Trong đó, tăng tuyên truyền đến người dân về các quyền lợi và nghĩa vụ trong xây dựng chính quyền, nhất là chính quyền cấp cơ sở; giúp người dân hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống; phản hồi kịp thời, đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của người dân. Nâng cao tính minh bạch trong quản lý của chính quyền, đặc biệt khi thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
Cùng với đó, để khắc phục những hạn chế giảm điểm trong cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử, TP đang nỗ lực để số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực, bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu trên môi trường điện tử.
Với sự nhìn nhận rõ hạn chế để quyết tâm khắc phục, cùng nhiều giải pháp thiết thực mà TP Hà Nội đang triển khai thực hiện, chính là cơ sở để kỳ vọng Chỉ số PAPI của TP sẽ có bước cải thiện đột phá, tạo những sự thay đổi thiết thực, đáp ứng sự mong đợi của người dân.
Hà Nội phấn đấu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện, đạt 100%; tích hợp 60% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% với tổng số hồ sơ tiếp nhận; 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng…

Nguồn: http://kinhtedothi.vn/tao-dot-pha-trong-cai-thien-chi-so-papi-423630.html?fbclid=IwAR3PlInszyo8e1wnco5eXXyvtD14ol_PR8QY0XHmsOfbk5B7CJnX3bH-8Co