19/01/2025 | 02:44 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội tái diễn “chặt chém” tại điểm trông giữ xe dịp cuối năm

Cập nhật lúc: 21/12/2018, 12:33

Dịp cuối năm, tình trạng “chặt chém” giá gửi xe tại Hà Nội lại bùng phát. Đến hẹn lại lên, khi nhu cầu mua bán của người dân tăng cao, số người có nhu cầu gửi phương tiện lớn thì cũng là lúc các điểm trông giữ có hoặc không phép tha hồ “thả câu” để “chặt chém”.

  Bảng giá vé trông xe được niêm yết công khai nhưng tình trạng “chặt chém” giá vé vẫn tiếp diễn. Ảnh: PV

Bảng giá vé trông xe được niêm yết công khai nhưng tình trạng “chặt chém” giá vé vẫn tiếp diễn. Ảnh: PV

Mệt mỏi vì gửi xe

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, trước cổng chính của Bệnh viện Mắt Trung ương (85 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là bãi gửi xe chạy dọc trên vỉa hè. Qua tìm hiểu, bãi gửi xe này đã hoạt động từ nhiều năm nay nhằm mục đích giảm tải số lượng xe cho bãi gửi xe nằm trong bệnh viện. Mỗi ngày, địa điểm này trông giữ hàng trăm lượt các loại xe máy, xe đạp ra vào bệnh viện.

Được biết, bãi trông xe này do Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý. Mặc dù tấm biển niêm yết giá vé được đặt công khai với mức giá 5.000 đồng/xe máy/ban ngày và 8.000 đồng/xe máy/ban đêm, nhưng những nhân viên tại điểm trông xe này vẫn thu vượt mức quy định. Cụ thể, giá vé cho một chiếc xe máy được trông giữ tại đây là 10.000 đồng, thậm chí lên tới 20.000 đồng vào giờ cao điểm. Khi người gửi thắc mắc lý do tại sao giá vé trông xe lại vượt mức niêm yết, nhân viên trông xe tại đây trả lời: “Chúng tôi phải thuê vỉa hè thì thu cao là chuyện bình thường”.

Để đối phó với những thắc mắc về giá vé xe quá cao, những người trông xe tại đây thường nói rằng: Do lượng xe quá lớn phải mất công “quan sát”, do trông ngoài giờ (dù đang giờ hành chính)… Không chỉ thu tiền cao hơn mức giá niêm yết, những người trông xe này còn chặn xe ở cổng bệnh viện để chèo kéo, dẫn dụ khách vào gửi xe bởi giá vé gửi xe trong bệnh viện là 5.000 đồng/xe máy.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (32 tuổi, ở Hải Dương) cho biết: “Lần nào tôi đến đây khám mắt cũng bị những người trông giữ xe vỉa hè chặn ở cổng bệnh viện và nói rằng bên trong đã hết chỗ gửi xe. Thế nhưng khi tôi vào trong thì phát hiện bãi gửi xe của bệnh viện còn rất nhiều chỗ trống”.

Trong ngày PV Báo Gia đình & Xã hội thực địa đã ghi nhận trường hợp của anh Nguyễn Tuấn Dũng (27 tuổi, ở Yên Bái) bị nhân viên trông xe ở ngoài bệnh viện thu với mức 20.000 đồng/lượt/xe máy. Khi anh Dũng vặn hỏi, nhân viên trông giữ xe trả lời: “Không gửi thì đi nơi khác, chứ ở đây không ép”. Cũng theo anh Dũng, hoạt động này đã diễn ra trong thời gian dài và diễn ra công khai.

Khảo sát tại một số điểm trông giữ xe ở khu vực quanh Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Trung ương… chúng tôi thấy, lợi dụng việc thiếu chỗ để xe, có nhiều điểm trông giữ xe tự phát chèo kéo người dân gửi và thu với mức giá 10.000 - 20.000 đồng/lượt/xe máy.

“Ăn theo” cao điểm mua sắm

 Nhân viên trông xe trên vỉa hè khu vực cổng Bệnh viện Mắt Trung ương thu giá gấp đôi so với quy định.

Nhân viên trông xe trên vỉa hè khu vực cổng Bệnh viện Mắt Trung ương thu giá gấp đôi so với quy định.

Càng cận Tết, lưu lượng người tham gia giao thông trên địa bàn nội thành Hà Nội tăng đột biến, các điểm trông giữ xe trở nên quá tải. Tại các trung tâm thương mại, khu vực phố cổ, các điểm vui chơi giải trí thu hút đông đảo người dân Thủ đô và các nơi đến vui chơi, mua sắm. Để đảm bảo nhu cầu gửi xe của người dân, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị chức năng bố trí bổ sung các điểm trông giữ xe ở những khu vực thuận lợi gần các địa điểm vui chơi văn hóa xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhưng nạn “chặt chém”, lập trái phép điểm trông giữ phương tiện vẫn diễn ra.

Các điểm trông giữ xe trên địa bàn đều trong tình chật cứng phương tiện, giá trông giữ cũng được nâng lên gấp nhiều lần quy định. Ví dụ khu vực chợ Đồng Xuân, điểm trông giữ xe của Công ty cổ phần Đồng Xuân thu giá 10.000-15.000 đồng/xe máy. Các điểm trông giữ xung quanh chợ Đồng Xuân của Công ty đều trong tình trạng quá tải.

Theo phản ánh của người dân, xung quanh các tuyến phố đi bộ, tình trạng “chặt chém” giá vé trông giữ xe đã diễn ra từ lâu. Do các điểm trông giữ xe của thành phố và quận bố trí không đủ chỗ, nên nhiều điểm trông giữ xe tự phát đã tận dụng sân của các công ty, cơ quan trông giữ xe buổi tối. Các điểm trông giữ này thu giá vé rất tùy tiện, ban đầu là 10.000 - 20.000 đồng/xe máy. Khi số người gửi xe đông, người trông giữ thu giá vé đến 50.000 đồng/xe máy. Tình trạng “chặt chém” khiến người dân rất bức xúc nhưng vẫn phải chấp nhận vì khu vực các tuyến phố trung tâm quá thiếu điểm trông giữ xe vào những ngày cao điểm.

Hiện TP Hà Nội có trên 500.000 ô tô, hơn 2 triệu xe máy nhưng mới chỉ đáp ứng được 10 - 12% nhu cầu trông giữ xe, còn lại là các bãi đỗ xe của các tòa nhà hay các điểm trông giữ trái phép, không bị ảnh hưởng bởi Pháp lệnh về phí và lệ phí. Để quản lý hiệu quả nguồn thu và chấn chỉnh tình trạng “bát nháo” giá dịch vụ trông giữ xe, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với các điểm trông xe trái phép, tự ý nâng giá vé trông giữ xe trên địa bàn.

Trước tình trạng nhân viên trông xe “chặt chém” người gửi tại khu vực quanh Bệnh viện mắt Trung ương, PV Báo Gia đình & Xã hội đã liên lạc đến đường dây nóng của Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội để phản ánh. Tiếp nhận thông tin, đại diện đơn vị này cho biết: “Chúng tôi sẽ kỷ luật nhân viên trông xe thu phí quá quy định và chấm dứt tình trạng này”.

Nhóm Phóng Viên