Hà Nội siết chặt quy định về Giấy đi đường: Nhắc nhở để người dân hiểu, nghiêm túc chấp hành
Cập nhật lúc: 09/08/2021, 20:00
Cập nhật lúc: 09/08/2021, 20:00
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chốt kiểm soát trên các tuyến đường nội đô, tất cả người dân tham gia giao thông đều được yêu cầu dừng xe để kiểm tra; đồng thời lực lượng chức năng tích cực tuyên truyền, nhắc nhở để người dân nắm được quy định mới và nghiêm túc chấp hành.
Kiểm soát chặt các phương tiện lưu thông
Ghi nhận của phóng viên trên một số tuyến đường thời điểm 8-11h ngày 9/8, lượng phương tiện tham gia giao thông khá đông đúc, nhộn nhịp trên nhiều tuyến phố Thủ đô. Tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến đường lớn, nhỏ, đều được bố trí lực lượng Công an. Tất cả người tham gia giao thông bằng ô tô, xe máy, xe đạp... đều được yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Trên đường Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, địa phận phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình lực lượng Công an phường, được sự hỗ trợ của dân quân, tổ dân phố, vừa tiến hành phân làn giao thông, vừa kiểm tra kỹ giấy tờ của người tham gia giao thông.
Một cán bộ tại chốt kiểm soát cho biết, lưu lượng người dân tham gia giao thông sáng nay vẫn rất đông dù Thành phố đã siết chặt giấy đi đường. Trong khi đó, lực lượng tại các chốt kiểm soát của phường mỏng nên việc kiểm tra mất nhiều thời gian hơn, trong sáng nay, lực lượng chức năng chỉ kiểm soát giấy đi đường và giấy tờ tuỳ thân. Tuy nhiên, với những người ra đường với lý do không thiết yếu, vẫn phải xử lý nghiêm.
Theo vị cán bộ này, bắt đầu từ trưa nay, đơn vị sẽ kiểm soát chặt chẽ cả lịch trực, văn bản phân công nhiệm vụ của mỗi người đi đường. Đối với những trường hợp không xuất trình đầy đủ lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ... sẽ phải quay về.
Cách đó không xa, trên đường Nguyễn Trãi thuộc địa bàn quận Hà Đông, Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hà Đông và Thanh tra giao thông quận Hà Đông phối hợp với chính quyền địa phương cũng kiểm tra hàng loạt các phương tiện ô tô, xe máy lưu thông từ quận Thanh Xuân vào Hà Đông.
Tại đây, sau khi kiểm tra các loại giấy tờ gồm giấy đi đường và giấy tờ tuỳ thân, Tổ công tác cũng yêu cầu người điều khiển ô tô, xe máy bổ sung lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị theo quy định.
Tương tự tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường Nguyễn Trãi, thuộc địa bàn phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Công an quận phối hợp với Công an phường, y tế chính quyền địa phương cắm chốt kiểm tra các phương tiện lưu thông. Các xe đều được yêu cầu dừng, tài xế và người ngồi trên xe đều phải xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ như: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Theo ghi nhận, rất nhiều người dân tỏ ra khá bất ngờ với quy định mới. Chị L.H.T (quận Hà Đông) đang công tác tại một ngân hàng cho biết, dù đã xuất trình giấy tờ đi đường của cơ quan, cùng căn cước công dân nhưng nếu so với quy định mới thì không đủ điều kiện ra đường. "Tôi quá bất ngờ về điều này, lẽ ra phải có thời gian để mọi người chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, quy định mới ban hành từ đêm qua, đầu giờ sáng nay đã yêu cầu thì không cơ quan nào kịp cung cấp cho người lao động!", chị T. cho biết.
Sau khi được Tổ công tác tại chốt kiểm soát tuyên truyền về quy định mới cần phải bổ sung lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, chị T cam kết sẽ báo cáo cơ quan để bổ sung giấy tờ sớm nhất.
Đại úy Nguyễn Hồng Phong, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Thanh Xuân cho biết, hiện 100% quân số đơn vị đã tăng cường kiểm soát tại các chốt kiểm dịch. Ngày đầu Thành phố thực hiện kiểm soát chặt lý do ra đường, nhiều người chưa rõ quy định hoặc chưa kịp chuẩn bị, nên lực lượng chức năng mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, nhưng sau ngày hôm nay sẽ xử phạt nghiêm. Vì vậy, người ra đường phải có lý do chính đáng, thật sự cần thiết, được các cơ quan, đơn vị bố trí lịch trực rõ ràng mới được ra đường để đảm bảo phòng, chống Covid-19.
Trái với khu vực nội thành, sáng nay, theo ghi nhận tại các huyện như Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức... đường phố khá vắng vẻ, hầu như rất ít người ra đường. Theo ông Dương Anh Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, sáng nay, tại các chốt kiểm soát "vùng xanh" trên địa bàn thị trấn, tất cả những trường hợp đủ điều kiện theo quy định mới được ra khỏi địa bàn khu dân cư. "Hiện, các lực lượng đang tăng cường thực hiện nghiêm quy định mới, cho đến khi có thông báo mới của Thành phố", ông Dũng cho biết.
Linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ
Văn bản số 2562/UBND-KT của TP. Hà Nội về siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội mới được ban hành vào tối 8/8 nên có nhiều người dân chưa nắm được nội dung phải xuất trình giấy đi đường đúng mẫu ban hành cùng các giấy tờ như căn cước công dân, lịch trực, văn bản phân công nhiệm vụ... của cơ quan, đơn vị.
Theo văn bản này, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn. Do đó, những lực lượng như nhà báo, quân đội, y tế, người làm trong các cơ quan thật sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp bách cần thiết khác... vẫn phải xin dấu xác nhận của chính quyền sở tại.
Ghi nhận trong sáng nay, rất nhiều người dân đã đến trụ sở UBND các phường trên địa bàn Thành phố để bổ sung giấy tờ còn thiếu. Anh Hải (quận Nam Từ Liêm), Giám đốc một công ty cung ứng thực phẩm, sáng nay đã đến phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm để bổ sung giấy tờ cho biết, công ty trở tay không kịp, sáng nay tôi phải mang giấy tờ kèm danh sách nhân viên đến phường để hoàn thiện theo quy định.
Ông Nguyễn Đắc Long, Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết, bắt đầu từ hôm nay trên địa bàn phường sẽ xác nhận cho những đơn vị, cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng giấy đi đường. Các cơ quan, tổ chức phải gửi danh sách người cần cấp giấy đi đường đến phường, sau đó phường có nhiệm vụ phải xác nhận vào danh sách này. Đồng thời các cơ quan gửi danh sách phải chịu trách nhiệm số lượng người làm việc. Xác nhận của phường sẽ được thông báo cho người dân và trả hồ sơ trong ngày.
"Chúng tôi sẽ kiểm tra về tính hợp lý của danh sách trong giấy đi đường, không phải là cứ kê khai là được đóng dấu. Điều này để ngăn chặn các cá nhân, tổ chức kê khai không đúng. Tuy nhiên, đối với những đơn vị đặc thù, cũng nên có những giải pháp linh động, tạo điều kiện cho cho thực hiện nhiệm vụ", ông Long cho biết.
Ông Chu Xuân Sơn, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam cho biết, do quy định mới ban hành đêm qua, nên sáng nay, nhiều người đi đường cho biết, chưa nắm được thông tin hoặc chưa kịp bổ sung các giấy tờ mới theo quy định. Vì vậy, lực lượng chức năng mới chỉ kiểm tra giấy đi đường và giấy tờ tùy thân, nhắc nhở việc phải bổ sung lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
"Ngay tối qua, khi có chỉ đạo mới của UBND TP. Hà Nội, phường đã họp, thống nhất các nội dung để thực hiện, phân công cán bộ trực tại trụ sở để xác nhận cho các doanh nghiệp cấp giấy đi đường cho cán bộ, công nhân viên", ông Sơn cho hay.
Phát biểu tại cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố ngày 6/8, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố cho biết, diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, nguy cơ cao. Vì ngoài số dân đông, Hà Nội là đầu mối giao thông quốc gia, vẫn có giao thương, giao lưu về con người hàng hóa, chưa thể "đóng cứng" được như các tỉnh khác. Các tỉnh xung quanh Hà Nội vẫn còn đang có dịch.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Phong, đến nay các ca bệnh nằm rải rác ở cả 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có nhiều quận, huyện có số ca mắc lớn. Dịch bệnh cũng đã vào những nơi rất phức tạp như khu công nghiệp, chợ truyền thống, bệnh viện, siêu thị, khu dân cư đông như ở Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm. Đặc biệt là còn nhiều ca chưa rõ nguồn lây. Do đó, nếu dừng thực hiện giãn cách xã hội, kết quả thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua khó đảm bảo đảm.
Ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong những ngày tới là phải thực hiện quyết liệt hơn, thực chất hơn nữa. Thành phố tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình có thể áp dụng mức cao hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm là phải chủ động, bám sát tình hình thực tiễn, phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhất là các quận, huyện, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Nguồn: https://laodongthudo.vn/ngay-dau-ha-noi-siet-chat-quy-dinh-ve-giay-di-duong-nhac-nho-de-nguoi-dan-hieu-nghiem-tuc-chap-hanh-127872.html?fbclid=IwAR12j16pM0GenAAplm5xHiA_NUQQ5KWxDbhcFST42tNKkN6Y6a0sboCmRM0