18/01/2025 | 20:09 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội sẽ quy định khung giờ hoạt động với các cửa hàng kinh doanh thiết yếu

Cập nhật lúc: 28/04/2020, 14:03

Thành phố đang xây dựng hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng. Qua khảo sát thực tế, thành phố sẽ xây dựng khung giờ hoạt động cụ thể của các cửa hàng kinh doanh thiết yếu để tránh tụ tập...

Thành phố đang xây dựng hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng. Qua khảo sát thực tế, thành phố sẽ xây dựng khung giờ hoạt động cụ thể của các cửa hàng kinh doanh thiết yếu để tránh tụ tập đông người cũng như tăng lưu lượng người trên đường phố, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.

Chiều 27-4, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo.

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết: Hà Nội đã có ngày thứ 12 (kể từ ngày 15-4) không xuất hiện ca mắc mới. Từ tuần thứ 14 (có số ca mắc cao nhất) đến nay, số ca mắc liên lục giảm qua các tuần. Tại 2 ổ dịch Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh và ổ dịch thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín không phát sinh ca mắc mới.

Sở Y tế nhận định, Hà Nội vẫn là địa phương có nguy cơ vì còn ổ dịch chưa qua 28 ngày, mặt khác tới đây có các chuyến bay đưa người Việt Nam trở về nước, do vậy không thể chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch với 2 nhiệm vụ: phát hiện kịp thời ca bệnh xâm nhập để cách ly, điều trị và kiểm soát không để phát sinh ca nhiễm mới tại cộng đồng.

Để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, Hà Nội sẽ thực hiện quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hình thành thói quen mới như đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn môi trường trong gia đình, tại nơi làm việc.

Theo Giám đốc Sở Y tế, mấy ngày qua, nhiều người dân lại đổ ra đường, tụ tập đông người, và có nhiều trường hợp không đeo khẩu trang; các quán ăn sáng số lượng người đông, không đảm bảo giãn cách… TP sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại nhằm đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch.

Đồng thời, kiểm tra, xử lý vi phạm không đeo khẩu trang khi ra đường; xử lý đối với các cơ sở không tuân thủ quy định; hướng dẫn người dân không tụ tập đông người ở nơi công cộng để phòng, chống dịch...

Trước tình hình cả nước đã có nhiều ca tái dương tính sau khi được điều trị, Hà Nội cũng tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lại cho những người bệnh Covid-19 dã khỏi bệnh ra viện và tiếp tục giám sát việc cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nhà/nơi cư trú…

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận tại cuộc họp (ảnh N.K)

TP cũng yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại như: vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học, đảm bảo đủ nhiệt kế điện tử để kiểm tra thân nhiệt cho học sinh, giáo viên...tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh thực hiện các quy định về phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản thông tin, ngay sau khi có Nghị quyết 42 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị-đặc biệt là Sở LĐ-TB-XH hướng dẫn đến các quận, huyện, xã, phường triển khai lập danh sách các đối tượng theo quy định của Nghị quyết 42 và Quyết định số 15 của Chính phủ. Với cách làm khẩu trương, nghiêm túc, đến nay đã có sơ bộ danh sách các đối tượng.

Trước mắt, thành phố sẽ tổ chức nhanh hỗ trợ các nhóm đối tượng đã xác định là: người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Trên cơ sở danh sách thành phố quản lý. Các quận, huyện cần chủ động chi trả, tạm ứng kinh phí triển khai, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toãn đề nghị.

Sau khi tổng hợp đầy đủ các nguồn, các đối tượng, thành phố sẽ ban hành chính sách, trong đó, quy định cụ thể nguồn thực hiện. Đối với quận, huyện khó khăn, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí theo đề nghị của từng đơn vị.

Đối với các lao động tự do, trên cơ sở hướng dẫn của Sở LĐ-TB-XH và văn bản của thành phố, đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo rà soát, tổng hợp đầy đủ đối tượng, không bỏ sót nhưng cũng không đưa đối tượng không đúng vào danh sách…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung lưu ý, để có vắc-xin an toàn cho người, không thể rút ngắn thời gian mà vẫn phải đảm bảo thử nghiệm từ 15-18 tháng. Đồng thời, các chuyên gia cũng cảnh báo, các nước sẽ phải đối phó với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh vào mùa Thu, mùa Đông tới.

Dự báo thế giới sẽ có cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, kéo dài nhiều năm và không phải năm một năm hai có thể tăng trưởng cao trở lại. Thành phố dù đã có kịch bản nhưng cũng đang cập nhật, đánh giá lại để có kịch bản cụ thể phù hợp hơn nữa với các giải pháp thời hậu Covid -19 để đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.

Lưu ý việc giảm giãn cách xã hội phải thực hiện từ từ, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục tuyên truyền để tất cả mọi người tiếp tục thực hiện nghiêm túc, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền để người dân tiếp tục chống dịch. Trong đó có 3 nội dung bắt buộc là: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách khi di chuyển ngoài xã hội... các nội dung này sẽ không một sớm một chiều mà khả năng sẽ thực hiện trong thời gian dài.

Thành phố hiện đang xây dựng hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng. Qua khảo sát thực tế, thành phố sẽ xây dựng khung giờ hoạt động cụ thể của các cửa hàng kinh doanh thiết yếu để tránh tụ tập đông người cũng như tăng lưu lượng người trên đường phố.

“Các khung giờ hoạt động sẽ được quy định cụ thể và thành phố cũng đã nghiên cứu kỹ để vừa đảm bảo phòng dịch vừa không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND Thành phố nêu rõ.