19/01/2025 | 02:19 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Sẽ dán tem xuất xứ các loại thực phẩm

Cập nhật lúc: 11/03/2017, 01:13

Qua công tác thanh tra, Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hà Nội đã thanh, kiểm tra trên 102.600 cơ sở kinh doanh thực phẩm, phát hiện hơn 16.500 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền gần 5.000 cơ sở với số tiền là 28 tỷ đồng.

Đồng thời chuyển điều tra, quyết định khởi tố 4 vụ, tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP, xử lý 40 thông tin báo chí nêu về mất ATTP.

Được biết, sau 3 năm thực hiện, Đề án “Triển khai mô hình cải thiện An toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2015” đã đạt hiệu quả. Kết quả kiểm tra các tiêu chí ATTP tại 30 tuyến phố văn minh đạt trên 85%, 

Ngoài ra, thành phố cũng đã xây dựng và duy trì 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, (27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi nguồn gốc trồng trọt) trong đó 7 chuỗi rau, thịt; triển khai thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn, cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn cho 11 cửa hàng kinh doanh thuộc 6 chuỗi rau, thịt.

 

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo, nhiều đơn vị của thành phố hiện đã áp dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên để phát huy những kết quả đã đạt ở tất cả các cấp ngành cần tích cực vào cuộc, chú trọng công tác tuyên truyền cho người sản xuất từ thành thị đến ở nông thôn, đặc biệt ở các khu chế biến, các chợ… tập trung tuyên truyền cho người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kiểm soát tốt hơn nữa các loại vật tư nông nghiệp. Đối với các điểm giết mổ thủ công cần phân chia rõ, thống kê để xử lý, đặt ra chỉ tiêu cụ thể.

Đối với các chợ đầu mối, Ban Chỉ đạo yêu cầu tăng cường trách nhiệm, vai trò của đơn vị quản lý chợ về vệ sinh an toàn thực phẩm, hoạt động nghiêm chỉnh đúng quy định, xử lý nghiêm đơn vị nào nếu buông lỏng quản lý. Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp để quản lý các khu chợ cóc, từ đó thông tin cho người tiêu dùng biết về tính thiếu an toàn khi sử dụng thực phẩm ở chợ cóc.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban chỉ đạo công tác ATTP đã đề nghị các đơn vị quán triệt nghiêm túc và triển khai ngay các phần việc cần thiết.

Theo đó, trong thời gian tới, thành phố sẽ làm bằng được việc dán tem xuất xứ các loại thực phẩm để người dân có thể kiểm tra bằng điện thoại di động thông minh.

Bên cạnh đó, các sở ngành cần phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện xử lý nghiêm, kiên quyết dẹp bỏ chợ cóc; làm tốt công tác quản lý vỉa hè. Với các chợ truyền thống, thành phố sẽ rà soát lại, bỏ kinh phí sửa chữa, chỉnh trang lại trong năm 2017 để đảm bảo vệ sinh, ATTP.

Ngoài ra Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu các sở, ngành cần kiểm tra, hướng dẫn cấp phép với các cơ sở đủ điều kiện.

Những cơ sở không đủ điều kiện thì phải dừng hoạt động, thống kê danh sách công bố công khai để người dân biết và giám sát. Cùng đó, cần phổ biến kiến thức cơ bản nhất để người dân phát hiện các thực phẩm không đảm bảo ATTP.