20/01/2025 | 02:46 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 tăng 1,6%

Cập nhật lúc: 30/04/2023, 13:42

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,2%...

Sản xuất công nghiệp tháng 4 của Hà Nội tiếp tục tăng trưởng.
Sản xuất công nghiệp tháng 4 của Hà Nội tiếp tục tăng trưởng.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 trên địa bàn Hà Nội ước tính tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,1% và tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,6% và tăng 3,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2% và tăng 12,1%; khai khoáng giảm 11,7% và giảm 7,7%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,4%; khai khoáng giảm 8,1%.

Một số ngành sản xuất có chỉ số IIP 4 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước là sản xuất đồ uống tăng 24,9%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 21,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 13,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 13,1%; sản xuất thuốc lá tăng 6%.

Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ là sản xuất máy móc, thiết bị giảm 34,6%; in, sao chụp bản ghi giảm 20,1%; dệt giảm 6,6%; sản xuất kim loại giảm 5,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 5,8%; sản xuất trang phục giảm 4,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 4,3%.

Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến thời điểm cuối tháng 4, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Hà Nội ước tương đương tháng trước và giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước giảm 2,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 7,1%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 1,4%.

Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 3,8% (trong đó sản xuất máy móc, thiết bị giảm 16,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 10,9%; sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm 10,8%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 10,5%; sản xuất trang phục giảm 7,2..

Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2023 và quý I năm 2023 của Bộ Công Thương, trong quý I/2023 có 48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân của suy giảm sản xuất công nghiệp trong quý I giảm so với cùng kỳ năm trước là do tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến, tổng cầu từ nước ngoài suy giảm mạnh khiến đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp quý I năm 2023 trên cả nước.

Quý I giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước, lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định...

Trong khi đó, sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm; thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất. Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như: Ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép….
Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

Điều này lý giải vì sao trên địa bàn Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm, bên cạnh một số ngành tăng cao thì có một số ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ như ngành sản xuất máy móc, thiết bị (giảm 34,6%); in, sao chụp bản ghi; dệt; sản xuất kim loại; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm...

Dự báo trong thời gian tới, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao. Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới. Thị trường bất động sản suy giảm và nhu cầu thế giới giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như: ngành thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-san-xuat-cong-nghiep-4-thang-dau-nam-2023-tang-16-334262.html