19/01/2025 | 06:52 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội nhiều sáng tạo trong chống dịch

Cập nhật lúc: 05/08/2021, 21:05

Nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, thời gian qua, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo để cùng chung tay phòng chống, dịch Covid-19.

Thần tốc ra đời “bệnh viện dã chiến”

Ngoài Bệnh viện dã chiến cấp Thành phố quy mô 500 giường đang cấp tốc xây dựng tại Tứ Hiệp, Hoàng Mai, mới đây, việc lập “bệnh viện dã chiến” ở Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, phường Cát Linh (quận Đống Đa) để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân không chỉ được nhân dân và các cấp chính quyền đánh giá cao mà còn được xem như một mô hình cần nhân rộng.

Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức có sức chứa 2.000 chỗ ngồi, với hệ thống cơ sở vật chất khá tốt được trưng dụng làm điểm tiêm chủng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Theo quan sát, những tấm vách ngăn được thiết lập tạo thành các ô vuông riêng biệt, từ chỗ khám sàng lọc tới chỗ tiêm đều có khoảng cách để đảm bảo giãn cách.

“Bệnh viện dã chiến” tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức. Ảnh: Văn Hà
“Bệnh viện dã chiến” tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức. Ảnh: Văn Hà

Đây được đánh giá là điểm tiêm đầu tiên được xây dựng theo mô hình của “bệnh viện dã chiến” để phục vụ tiêm vắc xin cho người dân trong thời điểm dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng hình thành mô hình “bệnh viện dã chiến” đang thu hút sự quan tâm của dư luận, ông Trịnh Văn Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Cát Linh, cho biết, sau khi nhận được kế hoạch của Ủy ban nhân dân quận Đống Đa về việc sẽ triển khai 10 điểm tiêm vắc xin cho người dân trên toàn địa bàn quận, tất cả các phường đều lên phương án, kế hoạch để xây dựng điểm tiêm bảo công tác phòng, chống dịch.

Với yêu cầu đặt ra là điểm tiêm này không chỉ phục vụ cho người dân tại phường Cát Linh mà còn của 2 phường khác là Văn Miếu và Quốc Tử Giám, sau khi khảo sát, phường xác định điểm tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức đảm bảo các yếu tố phòng dịch nên đã làm công văn gửi Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội xin chủ trương cho trưng dụng để làm điểm tiêm vắc xin.

Sau khi nhận được sự chấp thuận của Sở, lập tức lãnh đạo 3 phường họp lên phương án thực hiện. Lấy ý tưởng về việc lập “bệnh viện dã chiến” trong nhà thi đấu mà Đà Nẵng thực hiện ở đợt dịch trước đó, chúng tôi đã cho vẽ sơ đồ, lên ngay phương án thiết kế, thi công theo mô hình đó và huy động toàn bộ lực lượng để làm.

Chỉ với 16 giờ để hoàn thành một điểm tiêm vắc xin cho khoảng 1.500 người dân kể từ khi lên ý tưởng đến lúc hoàn thành. Đây là một điều “không tưởng” bởi thời gian quá ngắn và trong điều kiện nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn khi cả thành phố đang thực hiện giãn cách để phòng dịch thì việc tìm đơn vị thi công rất khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ quận tới phường, sau 16 giờ làm việc liên tục cả đêm không nghỉ, điểm tiêm tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức với quy mô của một “bệnh viện dã chiến” đã hoàn thành để phục vụ tiêm vắc xin cho người dân vào 3h sáng…

Thiết lập “vùng xanh”

Là quận nội thành đầu tiên của Hà Nội tiến hành thiết lập “vùng xanh” để đảm an toàn phòng, chống dịch cho người dân trong vùng, những ngày này khi tới địa phận quận Hoàng Mai, dễ dàng nhận thấy khắp các khu dân cư ở đây đều xuất hiện những chốt chặn, hàng rào xanh. Tại các “vùng xanh”, tất cả người lạ ra vào đều phải khai báo y tế, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, người vận chuyển hàng hóa đến chỉ được giao tại bàn chốt trực, không đưa trực tiếp vào nhà dân. Các lối ra vào được rào lại, chỉ còn một lối đi duy nhất.

Tại đây, Tổ Covid cộng đồng cùng với người dân ở tổ dân phố, khu dân cư tự rào chắn và cử người tham gia trực chốt, giữ gìn, cùng phấn đấu không để xảy ra dịch bệnh. Hầu hết mọi người dân đều đồng lòng, vui vẻ, tự nguyện thực hiện các nội quy, bảo ban nhau nhằm bảo vệ “vùng xanh” của mình.

Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận Khu dân cư số 7, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Vũ Đức Chiêu cho hay, chiều 1/8, “vùng xanh” đã được thiết lập tại ngõ 45 phố Mai Động. Ngoài việc yêu cầu chung là tất cả mọi người ra, vào ngõ đều phải khai báo y tế, thực hiện thông điệp “5K”, nhận hàng hóa tại bàn trực chốt..., “vùng xanh” tại điểm này còn bắt buộc người dân quét mã code khai báo đã tới ngõ 45, nhằm thuận tiện cho công tác truy vết khi cần.

Thiết lập “vùng xanh” tại phường Mai Động quận Hoàng Mai. Ảnh: Lê Thắm
Thiết lập “vùng xanh” tại phường Mai Động quận Hoàng Mai. Ảnh: Lê Thắm

“Khu dân cư sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để thời gian tới sẽ thiết lập được thêm nhiều “vùng xanh” an toàn trên địa bàn phường Mai Động nói riêng và quận Hoàng Mai nói chung” - ông Chiêu cho biết.

Chia sẻ về việc thành lập các “vùng xanh” trên địa bàn quận, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Tuấn Anh cho hay, trước đó, nhiều khu dân cư ở thành phố Hồ Chí Minh có bệnh nhân F0 bị phong tỏa nhưng cũng có rất nhiều khu dân cư an toàn do chính người dân tại đó tự thiết lập các chốt bảo vệ “vùng xanh”.

Nhận thấy đây là một mô hình hay rất cần được học tập, nhân rộng, Ban Tuyên giáo Quận ủy đã tham mưu cho Quận ủy chỉ đạo 14 phường triển khai ngay các tổ tự quản an toàn nhằm thiết lập “vùng xanh”. Những chốt xanh an toàn còn thể hiện sự đoàn kết, sức mạnh cộng đồng, tình làng nghĩa xóm do người dân tham gia giữ gìn chốt, nỗ lực phấn đấu không để dịch bùng phát, giúp giảm áp lực cho chính quyền.

Tính đến ngày 3/8, toàn quận đã có gần 300 “vùng xanh” (vùng an toàn không có dịch Covid-19) được triển khai trên toàn bộ 14 phường thuộc quận. Các “vùng xanh” do các tổ tự quản an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các tổ dân phố trực tiếp giám sát, quản lý theo mô hình “3 lớp”, “4 tại chỗ”, không để xảy ra lây nhiễm bệnh từ bên ngoài vào và lây nhiễm chéo trong địa bàn.

Các “vùng xanh” đều ghi rõ nội quy để người dân thực hiện. “Hiện quận đang phấn đấu đến hết ngày 4/8, toàn bộ 394 tổ dân phố thuộc 14 phường đều thiết lập được các “vùng xanh” để phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19” - ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin.

Phát phiếu đi chợ, phiếu ra đường...

Ngoài “vùng xanh”, trước đó, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội còn có những sáng kiến khác như: Phát phiếu đi chợ, phát “phiếu ra đường” cho người dân… Những cách làm hay này đều đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết. Là phường đầu tiên thực hiện việc phát “phiếu ra đường” cho người dân, ông Cấn Văn Duẩn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Đức Thắng cho biết, “Phiếu kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19” là một trong những hình thức mà phường dùng để tuyên truyền đến với các hộ dân về tinh thần, tầm quan trọng của Chỉ thị 17.

Theo đó, “phiếu ra đường” quy định rõ, chỉ cho phép một người/hộ gia đình được ra ngoài trên địa bàn phường Đức Thắng, trong các trường hợp cấp thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng, đi làm và các trường hợp khẩn cấp khác… “Đến thời điểm hiện tại phường Đức Thắng đã phát 2.500 phiếu cho các hộ dân thuộc 8 tổ dân phố trên địa bàn.

Phường cũng vừa bổ sung thêm “phiếu ra đường” cho các sinh viên đang lưu trú trên địa bàn. Mỗi dãy trọ sẽ được phát một phiếu để các sinh viên đi chợ hoặc mua nhu yếu phẩm khác. Đồng thời, phường đã thiết lập 4 chốt kiểm soát cố định để thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố. Người dân trên địa bàn ra đường phải có phiếu kiểm soát đi lại và giấy chỉ có tác dụng trên địa bàn phường”- ông Duẩn cho hay.

Cùng với giấy ra đường, hiện nay hầu hết các địa phương thuộc Hà Nội đều đã tiến hành phát phiếu đi chợ cho người dân. Tại quận Long Biên, Ủy ban nhân dân quận cũng yêu cầu các phường tiến hành kiểm soát việc đi chợ của người dân bằng thẻ vào chợ. Đối với địa phương đông dân cư, việc cấp phát thẻ được hoàn thành trong sáng 29/7 và bắt đầu kiểm soát từ 16h cùng ngày. Theo đó, mỗi hộ gia đình được cấp một lần đủ số thẻ đi chợ trong vòng 10 ngày, kể từ 29/7 đến hết ngày 7/8. 50% số hộ của mỗi phường được phát thẻ vào chợ ngày lẻ, 50% số hộ còn lại vào ngày chẵn.

Quyết liệt kiểm tra, xử phạt vi phạm

Bên cạnh nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, các địa phương tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm. Ghi nhận tại quận Đống Đa, Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt - Phó Trưởng Công an quận Đống Đa, cho biết, đơn vị đã xây dựng bản đồ hiển thị các điểm chốt trực ở 21 phường kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội.

Chốt tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 của phường Phương Mai, quận Đống Đa
Chốt tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 của phường Phương Mai, quận Đống Đa

Theo đó, có 42 điểm chốt bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các lối vào, lối mở, các khu vực tuyến phố xuyên tâm, khu vực công cộng để kiểm soát, thuận tiện cho việc chỉ đạo, điều hành và tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài ra, quận thành lập đoàn kiểm tra các doanh nghiệp, đơn vị hành chính trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Hầu hết các đơn vị đều chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch. Đối với công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm phòng chống dịch, lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp ra đường không cần thiết, không đảm bảo giãn cách, không đeo khẩu trang…

Trả lời về công tác phòng dịch tại quận Ba Đình, đại diện Ủy ban nhân dân quận thông tin, toàn quận đã thiết lập 96 điểm chốt trực, duy trì ứng trực từ 6h đến 22h hằng ngày. Tại tuyến đầu chống dịch, đội ngũ y tế quận, phường đang ngày đêm triển khai các nhiệm vụ xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin, trực chốt. Các sở chỉ huy ứng trực bảo đảm 24/24/7.

Tương tự, tại quận Bắc Từ Liêm, theo Thiếu Tá Phương Minh Thắng - Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, quận đã duy trì công tác thường trực 24/24/7 tại Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 quận và 13 phường. Đồng thời lập 127 chốt kiểm soát tại 13/13 phường với khoảng 1.000 người (bao gồm lực lượng công an, dân phòng, đoàn Thanh niên, tổ dân phố…) để giám sát việc tuân thủ giãn cách theo Chỉ thị 17 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Tính từ ngày 24/7 đến nay, quận đã xử phạt 512 trường hợp, thu 918 triệu đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng 40 trường hợp, thu 65 triệu đồng; vi phạm ra đường trong trường hợp không cần thiết 450 trường hợp thu 747 triệu đồng; cơ sở kinh doanh hoạt động trái phép 3 trường hợp, xử phạt gần 43 triệu đồng; các vi phạm khác 19 trường hợp, thu 63,5 triệu đồng; tuyên truyền, nhắc nhở 1.373 trường hợp.

Còn theo Công an thành phố Hà Nội, chỉ tính riêng trong thời gian từ 11h ngày 2/8 đến 11h ngày 3/8, tại 23 chốt kiểm soát các cửa ngõ ra vào Thủ đô, lực lượng chức năng kiểm soát tại các chốt đã phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 1.417 trường hợp vi phạm hành chính các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch với tổng số tiền phạt gần 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào Thủ đô, lực lượng trực chốt được tăng cường để kiểm soát cả hai chiều ra và vào thành phố. Đối với chiều ra khỏi thành phố, ngoài trường hợp thực hiện công vụ hoặc có giấy xác nhận cho phép của cấp có thẩm quyền, các trường hợp khác đều được yêu cầu quay trở lại. Đối với chiều vào thành phố, lực lượng chức năng đã kiểm soát 16.760 lượt phương tiện (trong đó 74 phương tiện vận tải hành khách với 17.903 lượt người qua chốt); yêu cầu 1.881 phương tiện quay đầu không vào thành phố.

Đáng chú ý, mới đây, tại chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ 1A, thuộc địa phận huyện Phú Xuyên, lực lượng chức năng phát hiện 4 phương tiện ô tô có dán mã QR code “luồng xanh” ở cửa kính xe, nhưng khi kích hoạt đều không có kết quả đủ điều kiện lưu thông tiếp.

Trước đó, ngày 2/8, cũng tại chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ 1A, thuộc địa phận huyện Phú Xuyên, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát dịch đối với các phương tiện qua chốt, lực lượng chức năng đã phát hiện xe ô tô tải có dán mã QR Code “luồng xanh” không có thời hạn, có dấu hiệu làm giả. Tất cả những trường hợp vi phạm nêu trên đều được lực lượng chức năng bàn giao cho Công an xã Châu Can, huyện Phú Xuyên tiếp tục, điều tra xử lý nghiêm theo quy định pháp luật…

Có thể thấy, nhờ những cách làm hay, vận dụng sáng tạo Chị 17 của Ủy ban nhân dân Thành phố và sự tăng cường kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng đã tạo nên những hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng, chống dịch. Đây chính là “vũ khí kép” hữu hiệu để Thủ đô sớm chiến thắng đại dịch Covid-19./.

Hà Nội không để bị động, bất ngờ

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ở Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố sáng 4/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 chỉ rõ:

Hà Nội phải sẵn sàng mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Từng khu, từng cụm chúng ta phát động người dân giữ vững vùng xanh. Đây là một trong những chìa khóa để kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.

Về vấn đề xét nghiệm, Hà Nội phải xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn hàng ngang để tránh lãng phí và nguy hiểm. Phát huy sức sáng tạo của lực lượng bên dưới, nơi có nguy cơ cao “quét” bằng xét nghiệm nhanh, 3 ngày/lần hoặc dùng mẫu gộp, lấy mẫu xét nghiệm để tăng tốc thành 1 ngày/lần. Nhưng điểm chính vẫn là thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Hà Nội không chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế mà chủ động phân luồng xanh, luồng vàng với đối tượng tiêm vắc xin, điều chỉnh kịp thời phần mềm tiêm chủng chính xác, đầy đủ…để khi vắc xin về nhiều có thể tăng nhanh số lượng người được tiêm.

Nguồn: https://laodongthudo.vn/ha-noi-nhieu-sang-tao-trong-chong-dich-127613.html?fbclid=IwAR0J4KrAXt2nYdiefhcBVcctgvXae88nV9qwsNo_q20MdfRst_VJ0Lh6qP4