Hà Nội nâng mức nguy cơ lây nhiễm Covid-19
Cập nhật lúc: 06/08/2020, 16:12
Cập nhật lúc: 06/08/2020, 16:12
Từ nay đến 12/8, Hà Nội đang có nguy cơ rất cao, cần nâng nguy cơ lây nhiễm lên một mức. Những căn cứ cho việc này là TP đã có ca bệnh lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ca dương tính mới có thời gian đi lại 14 ngày trong cộng đồng.
Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 5/8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam có điểm chung là virus SARS-CoV-2 có gen biến thể; Tỷ lệ người mắc không có triệu chứng ngày càng tăng lên với tốc độ lây lan nhanh hơn, khi mắc bệnh thì diễn biến bệnh nhanh và phức tạp hơn. Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý, ca bệnh mới tại quận Bắc Từ Liêm đến ngày thứ 19 mới bắt đầu có triệu chứng của bệnh, cho thấy đây là ca bệnh rất nguy hiểm.
Tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày 25/7 đến nay, dịch bệnh đã lan ra 11 tỉnh, TP, trong đó Đà Nẵng và Quảng Nam là trung tâm dịch. “Vi rút đã lây lan ra cộng đồng, nhất là tại hàng quán, bến xe, tại các khu công nghiệp. Điều đó cho thấy tất cả những ai qua Đà Nẵng, đặc biệt là những người đến các bệnh viện và những nơi mà các bệnh nhân đã từng đi đến là những người có nguy cơ mắc bệnh ngày càng lớn”, Chủ tịch UBND TP nói.
Qua thống kê đến nay, Hà Nội có hơn 94 nghìn người xác định đi từ Đà Nẵng về từ ngày 8/7. Liên quan đến bệnh nhân (BN) 620 tại Hà Nam, Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý chúng ta mới chỉ phát hiện những trường hợp F1 ngồi trên cùng chuyến xe, chứ chưa tìm ra được những trường hợp tiếp xúc tại bến xe.
Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội đang ở mức nguy cơ thấp ở Chỉ thị 19 của Thủ tướng, nhưng trước tình hình mới, cần nâng mức nguy cơ thêm 1 mức. Chủ tịch UBND TP phân tích những căn cứ cho việc nâng mức nguy cơ là TP đã có bệnh lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ca dương tính mới có thời gian đi lại 14 ngày trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc xét nghiệm nhanh chỉ có tác dụng sàng lọc với tỷ lệ chính xác từ 60-75%. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu việc từ ca bệnh nhân dương tính mới cũng có xét nghiệm nhanh âm tính nên số 80.000 người đã được test nhanh vẫn còn xác suất nhiễm.
Trên cơ sở ca dương tính với Sars-CoV-2 tại quận Bắc Từ Liêm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, quận thông tin ngay đến các phường, xã lịch trình đi lại của bệnh nhân và có phương án chủ động phòng chống dịch. Công ty xe Bus 10/10 cùng tham gia phối hợp xác định lịch trình đi lại liên quan đến bệnh nhân; T chức xét nghiệm PCR đối với các trường hợp F1 và tự cách ly tại nhà đối với F2 (lấy mẫu xét nghiệm F2 nếu cần).
Chủ tịch UBND TP đề nghị, các bệnh viện đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa Hà Đông rút kinh nghiệm khi thấy bệnh nhân có lịch trình từ vùng dịch và biểu hiện ho, sốt phải cho xét nghiệm PCR kịp thời, tránh việc đi đến nhiều bệnh viện khác, bởi những ca bệnh ủ lâu, lượng vi rút ở trong người nhiều đi lại sẽ phát tán vô cùng nhiều nguy hiểm.
Người đứng đầu UBND TP yêu cầu tiếp tục rà soát toàn bộ số người đi từ Đà Nẵng, Quảng Nam và các nơi có liên quan đến các bệnh nhân dương tính về Hà Nội; Ngoài khai báo và giám sát y tế, tiếp tục cách ly y tế tại nhà. Tất cả các trường hợp đi từ Đà Nẵng từ 15/7 đã test nhanh phải làm xét nghiệm PCR. Mọi người dân đi lại phải tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Toàn bộ các trạm y tế phường xã, các trung tâm y tế quận, huyện, các đường dây nóng nhận được phản ảnh người dân phải đến lấy máu xét nghiệm cho người dân. Trong thời gian chờ xét nghiệm, người dân phải tự cách ly và giám sát tại cộng đồng.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận, huyện, với các trường hợp ra phường test nhanh, khai báo y tế nếu có liên quan đến 3 bệnh viện trong Đà Nẵng, các điểm xuất hiện các bệnh nhân của Đà Nẵng dứt khoát phải tổ chức cách ly ngay tại nhà 14 ngày.
Các cơ quan đơn vị trên địa bàn đảm bảo có đo thân nhiệt, rửa tay, khử khuẩn. Các hàng quán phải giữ khoảng cách. Quán bar, nhà hàng, vũ trường, lễ hội, nơi tập trung đông người, sự kiện thể thao đông người… phải cấm triệt để. Tất cả bến xe trên địa bàn phải có nước sát khuẩn và đo than nhiệt, khi mua vé lên ô tô phải có khoảng cách, kê khai y tế.
Chủ tịch UBDN TP yêu cầu các đơn vị phường, xã, ngành y tế các cấp… nhất là CDC và các bệnh viện đã được phân công theo các kế hoạch và kịch bản của giai đoạn 1 và 2. Sở Y tế chủ trì, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị xét nghiệm được PCR hỗ trợ cho Hà Nội để phân luồng, để giảm tải cho CDC.
“Tình hình này sẽ diễn biến rất phức tạp từng ngày với mức độ nguy hiểm vì Hà Nội là một trong những địa bàn có dân cư đông, diện tích rộng, tỷ lệ người già nhiều hơn Đà Nẵng, mật độ dân số di chuyển trên đường đông hơn Đà Nẵng. Chủng vi rút này nguy hiểm hơn, tốc độ diễn biên lây nhanh hơn, cần quán triệt tinh thần khẩn trương nhanh chóng, không chủ quan để chúng ta cố gắng nỗ lực ngăn chặn dịch trên địa bàn”, Chủ tịch UBND TP một lần nữa nhắc nhở.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến 14h00 ngày 5/8, toàn TP có 95.442 người về từ Đà Nẵng. Xét nghiệm PCR cho 582 trường hợp đều có kết quả âm tính. Xét nghiệm test nhanh cho 72.051 trường hợp, 12 trường hợp có kết quả dương tính đều được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR thì đều có kết quả âm tính.
Liên quan đến BN620 (tại Hà Nam), đến nay đã ghi nhận có 7 trường hợp đi cùng chuyến xe đang lưu trú tại Hà Nội. Trong đó có 6/7 người đã lấy mẫu xét nghiệm test nhanh có kết quả âm tính và đều tự cách ly tại nhà, 1 trường hợp là quân nhân thuộc Học viện Hậu cần không cần tham gia xét nghiệm.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới dự kiến có khoảng 800 - 1.000 người từ Đà Nẵng trở về Hà Nội. Đây là những người chưa trở về trước thời điểm cách ly Đà Nẵng và có khoảng thời gian lưu trú lâu tại Đà Nẵng nên có nguy cơ cao nhiễm bệnh. Sở Y tế đề xuất với UBND TP tổ chức cách ly tập trung cho những người này ngay khi về Hà Nội.
15:32, 06/08/2020
15:28, 06/08/2020
15:06, 06/08/2020