21/11/2024 | 18:42 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Lên phương án bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2019

Cập nhật lúc: 13/06/2019, 13:00

UBND TP Hà Nội ban vừa hành Kế hoạch số 132/KH-UBND, triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2019.

ha noi len phuong an binh on thi truong cac mat hang thiet yeu nam 2019
Ảnh minh họa

Theo đó, về xác định nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung cầu tham gia chương trình trên, gồm: Có tính chất thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân thành phố; có tính nhạy cảm về cung cầu, giá cả, nhưng thành phố khó chủ động về số lượng và nguồn hàng cung ứng một cách ổn định; các mặt hàng lương thực thực phẩm cân đối cung - cầu tại chỗ trên địa bàn thành phố còn thiếu phải khai thác thu mua ở thị trường ngoài thành phố; những mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trọng dịp lễ, Tết Nguyên đán, dịp khai trương.

Các nhóm hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường năm 2019, gồm: Lương thực (gạo, mỳ, phở khô...), thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị (nước mắm, nước chấm, muối, mỳ chính...), sữa (sữa nước, sữa bột...). Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ như trong dịp Tết Nguyên đán: Mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát,...

Cơ chế thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2019: Cơ sở chủ động sử dụng nguồn vốn tự có và vay các tổ chức tín dụng nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa để cung ứng phục vụ bình ổn thị trường thành phố. Cơ sở thực hiện các thủ tục vay vốn và giải ngân vốn vay theo quy trình thủ tục và quy định pháp luật do các tổ chức tín dụng tham gia chương trình công bố, hướng dẫn. Lịch trả nợ vay, hạn mức vay và lãi suất cụ thể do các tổ chức tín dụng và cơ sở tham gia chương trình tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trong hợp đồng vay vốn.

Cơ sở tham gia chương trình chủ động xây dựng và kê khai giá gửi Sở Tài chính và sở quản lý ngành theo quy định. Trường hợp có biến động về giá, thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 233/2016/TT-BTC ngày 11-11-2016 của Bộ Tài chính. Giá bán của các mặt hàng tham gia Chương trình được Sở Tài chính tổng hợp và công bố trên website của Sở Tài chính. Các hệ thống phân phối khi tham gia chương trình tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cơ sở tham gia chương trình cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào hệ thống với mức chiết khấu ưu đãi, thực hiện việc chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác khi có biến động giá nhằm ổn định thị trường. Đối với nhóm hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản nêu trên và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể của Bộ Công Thương, UBND thành phố.

Hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường phải đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ (có đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, bao gói, nhãn mác và các thông tin liên quan theo đúng quy định), bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá; Đối tượng tham gia, gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của chương trình và các quy định pháp luật khác có liên quan. Tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của chương trình và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Cơ sở đăng ký tham gia phải có ngành nghề sản xuất - kinh doanh phù hợp với các nhóm hàng trong chương trình; có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng trong chương trình; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện chương trình; Có trụ sở chính, văn phòng, chi nhánh đang sản xuất, kinh doanh tại thành phố Hà Nội; có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị phục vụ sản xuât đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; có phương tiện vận chuyển phục vụ việc phân phối hàng hóa và bán hàng lưu động theo yêu cầu của chương trình.

Bên cạnh đó, cơ sở phải tuân thủ các quy định về yêu cầu đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thông tin nhãn mác theo quy định của pháp luật. Cam kết sản xuất, cung ứng hàng hóa tham gia chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng; thực hiện việc niêm yết giá theo quy định, bán đúng giá kê khai với Sở Tài chính. Các cơ sở phân phối phải có điểm bán cố định, các cơ sở sản xuất phải đưa hàng vào ít nhất 3 điểm bán lẻ hoạt động ổn định trên địa bàn.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-len-phuong-an-binh-on-thi-truong-cac-mat-hang-thiet-yeu-nam-2019-151626.html