19/01/2025 | 12:15 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Đủ cơ sở để xử phạt người ra đường khi không cần thiết

Cập nhật lúc: 04/04/2020, 18:31

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc cùng các chỉ thị về giải pháp phòng, chống dịch và nhiều văn bản pháp luật khác quy định xử lý việc không thực hiện nghiêm các giải pháp...

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc cùng các chỉ thị về giải pháp phòng, chống dịch và nhiều văn bản pháp luật khác quy định xử lý việc không thực hiện nghiêm các giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm là cơ sở cho việc từ hôm nay (4-4), Hà Nội sẽ xử phạt người dân ra đường nếu không có việc cần thiết.

Các lực lượng chức năng của thành phố đã tăng cường nhắc nhở người dân hạn chế ra đường nếu không có việc cần thiết và sẽ xử phạt nghiêm bắt đầu từ hôm nay (4-4). Ảnh: T.Hoa

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội chiều 3-4, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo đề nghị người dân nếu không có việc cần thiết trong hai tuần tới thì không ra ngoài đường.

Từ hôm nay (4-4), thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, trường hợp nào không nằm trong diện được đi ra ngoài đường sẽ bị xử phạt.

Trong bài viết được Báo Tri thức trực tuyến (Zing) đăng tải sáng nay, trả lời báo này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, căn cứ cho việc xử phạt là việc Thủ tướng Chính phủ, ngày 1-4 đã quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc, khẳng định đây là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Ngoài ra, còn có các chỉ thị về giải pháp phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ và nhiều văn bản pháp luật khác quy định xử lý việc không thực hiện nghiêm các giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định “cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định”.

Điều 8 luật này nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Tùy tính chất và mức độ của hành vi, người vi phạm còn có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 176 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Đối chiếu về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, chủ tịch UBND xã, phường cũng có thẩm quyền xử phạt các trường hợp này.

Vì vậy, với những trường hợp cố tình vi phạm, không thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng trong phòng, chống dịch hoàn toàn có đủ cơ sở xử phạt.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, Thủ tướng, Chính phủ và Hà Nội liên tục tuyên truyền, khuyến cáo, yêu cầu mọi cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn cao điểm, nhưng vẫn có những trường hợp cố tình vi phạm. Những ngày vừa qua, các lực lượng chức năng của thành phố đã tích cực nhắc nhở người dân. Tuy nhiên, từ hôm nay, người vi phạm sẽ bị xử phạt.

Văn phòng Chính phủ cũng đã có hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ các trường hợp cần thiết được ra ngoài hay những dịch vụ, cơ sở được tiếp tục hoạt động trong 15 ngày cách ly toàn xã hội. Tất cả những trường hợp ngoài diện này, nếu không chấp hành nghiêm việc ở trong nhà, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt, kể cả với những người tụ tập đông tập thể dục.

Thực tế, trên địa bàn thành phố vẫn còn những quán ăn lén lút mở và còn có xe vận tải chở khách chui sau lệnh cấm. Vì vậy, thành phố cần xử lý quyết liệt để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố chiều qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung một lần nữa nhấn mạnh: "Tôi kêu gọi tất cả người dân nên ở trong nhà. Công tác cách ly tại nhà, hạn chế ra đường lúc này rất quan trọng. Nếu chỉ 10% dân số không thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội thì có thể mọi nỗ lực, cố gắng của chúng ta sẽ bị đổ bể. Những ngày qua, người dân thành phố đã có ý thức chấp hành tốt, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chưa nghiêm túc chấp hành, đề nghị mọi người dân trong giai đoạn này nâng cao ý thức chấp hành việc ở trong nhà".

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với HNMO, luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc Hà Nội xử phạt người ra đường khi không có việc cần thiết nhằm phòng, chống dịch Covid-19 lây lan có đầy đủ căn cứ. Đây cũng là biện pháp cần thiết phải thực hiện lúc này để bảo đảm các quy định pháp luật về xử lý hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 được thực thi nghiêm minh.

Luật sư Diệp Năng Bình dẫn ra nhiều văn bản có giá trị pháp lý, tương đương quy định của pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc xử phạt, gồm: Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19…

Về mức xử phạt, điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng cho đến 300.000 đồng đối với hành vi “Không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch hoặc là người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế”.

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng, người dân được yêu cầu ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Do đó, hành vi vi phạm sẽ được hiểu là không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch và sẽ bị xử lý tương tự như việc xử phạt không đeo khẩu trang khi ra đường thời gian qua. Số tiền phạt tương ứng từ 100.000 đồng cho đến 300.000 đồng và căn cứ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc cảnh cáo hoặc phạt tiền với số tiền từ 100.000 đồng cho đến 300.000 đồng sẽ thuộc về thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã, phường.