Hà Nội: Các di tích tạm đóng cửa, tập trung vệ sinh phòng dịch nCoV
Cập nhật lúc: 05/02/2020, 17:19
Cập nhật lúc: 05/02/2020, 17:19
Trong ngày hôm nay, các di tích quan trọng của Hà Nội đã phải tạm đóng cửa để phun thuốc khử trùng, vệ sinh phòng dịch.
Đầu xuân Canh Tý năm 2020, khi dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona lây lan và có diễn biến khó lường, các di tích tín ngưỡng của Hà Nội cũng vì lý do đó mà vắng vẻ khác ngày thường.
Chùa Quán sứ, ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội trong sáng ngày 5-2 chỉ lác đác vài người tới lễ Phật. Bãi trông xe trên vỉa hè không có mấy người gửi, khác hẳn với cảnh chật ních vào dịp đầu Xuân năm mới những khi không có dịch bệnh. Ngay ngoài cửa chùa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đặt loa, thông báo về dịch bệnh và cách phòng tránh chủng mới của virus Corona-nCoV.
Một người dân sống gần chùa Quán Sứ cho biết, đây có lẽ là năm vắng khách nhất của chùa Quán Sứ. Từ ngày dịch bệnh được công bố, rất ít khách ghé thăm ngôi chùa nổi tiếng này. Dù chùa Quán Sứ không đóng cửa, ai có nhu cầu vẫn có thể tới thắp hương lễ Phật nhưng do người dân ý thức về việc phòng bệnh, hạn chế tới nơi đông người nên ngay cả việc đi chùa đầu năm hành lễ cũng được nhiều người tạm gác lại.
Cùng trong hoàn cảnh này, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đình Kim Liên, những mùa lễ hội đầu năm đều thu hút nhiều người đổ về vãn cảnh. Thế nhưng, trái ngược với cảnh tượng đông đúc thường thấy, những ngôi đền, chùa nổi tiếng giờ vắng bóng du khách, trở nên yên tĩnh lạ thường.
Bắt đầu từ chiều ngày 4/2, hàng loạt khu di tích, danh thắng tại Hà Nội tạm dừng các hoạt động đón khách tham quan để vệ sinh phòng dịch.
Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã treo biển thông báo “Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (virus Corona), tạm dừng hoạt động đón khách tham quan di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Thời gian đóng cửa từ 15h ngày 4-2-2020. Thời gian mở cửa đến khi được cơ quan cấp trên cho phép”.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, di tích quốc gia đặc biệt này đã vắng khách từ trước ngày 4-2- ngày UBND TP Hà Nội ra văn bản chính thức tạm đóng cửa các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Hà Nội. Lượng du khách sụt giảm là do những tác động trực tiếp của dịch bệnh gây ra. Vì thế, trong thời gian đóng cửa, đơn vị này sẽ tiến hành các biện pháp phun thuốc sát khuẩn và vệ sinh phòng dịch. Ngay sau khi hoàn tất việc vệ sinh phòng dịch sẽ mở cửa trở lại để phục vụ du khách.
Tiến sĩ Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội cho biết, hiện 10 điểm di tích trực thuộc Ban QL di tích danh thắng quản lý là: Đền Ngọc Sơn, Di tích 5D Hàm Long, 48 Hàng Ngang, 90 Thợ Nhuộm, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc...đều đã được đóng cửa để thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch. Ngay sau khi hoàn tất sẽ mở cửa trở lại vào ngày 6-2 phục vụ du khách.
Trưởng BQL Di tích Danh thắng Hà Nội cho biết thêm, BQL đã phối hợp với Phòng Y tế các quận huyện cắt cử nhân viên Y tế túc trực tại các di tích. Bất cứ trường hợp nào có vấn đề về sức khỏe đều được chăm sóc kịp thời. Việc phát khẩu trang miễn phí cho du khách, bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn, xà phòng diệt khuẩn tại những điểm thích hợp... cũng đã được chuẩn bị đầy đủ.
PV Báo An ninh Thủ đô cũng đã liên lạc với ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn và được biết, hiện số lượng khách hành hương về chùa Hương sụt giảm theo từng ngày. Những ngày cuối tuần vừa qua, theo thống kê của BQL chùa Hương đón khoảng 6.000 lượt khách, khác xa so với con số mọi năm, mọi năm chính hội, mỗi ngày chùa Hương đón khoảng 30-40 nghìn lượt du khách.
Công tác khuyến cáo người dân vệ sinh phòng dịch, khuyến cáo không nên đến những nơi đông người, đeo khẩu trang trong quá trình di chuyển...cũng đã được thực hiện khá chặt chẽ.
14:00, 05/02/2020
10:30, 05/02/2020
08:00, 05/02/2020