22/11/2024 | 17:48 GMT+7, Hà Nội

Hà Nam: Nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm, hàng trăm hộ dân dựng rạp phản đối

Cập nhật lúc: 11/07/2016, 20:27

Rác chất đống như ngọn núi, việc đốt rác gây khói bụi trong nhiều năm… thực trạng này khiến cuộc sống hàng trăm hộ dân ở thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy (Thanh Liêm, Hà Nam) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Dân khổ sở lắm rồi!

Theo phản ánh của người dân thôn Đồng Ao, cách khu dân cư chưa đầy 300m mỗi ngày có hàng trăm tấn rác chở về Nhà máy rác thải Ba An thuộc Công ty Cổ phần môi trường Ba An (Công ty Ba An) để xử lý. Nhưng trong quá trình xử lý, nhà máy này lại để rác thải tồn động, bốc mùi hôi thối. Bên cạnh đó, trong nhiều năm công ty này còn cho đốt rác bừa bãi cháy âm ỉ cả ngày lẫn đêm mà chưa có cơ quan chức năng xử lý.

Người dân cho biết, nếu đốt rác thủ công như thế thì cần gì nhà máy xử lý rác thải làm gì?

Người dân cho biết, nếu đốt rác thủ công như thế thì cần gì nhà máy xử lý rác thải làm gì?

Bà Nguyễn Thị Hồng, một người dân thôn Đồng Ao cho biết: “Dân chúng tôi nhiều năm nay đã khốn khổ vì bãi rác này. Trong quá trình hoạt động xử lý rác thải Công ty Ba An cho công nhân đốt rác bừa bãi, khói bay khắp vùng. Nếu đốt thủ công như thế thì cần gì nhà máy xử lý rác thải làm gì?”

Bà Hồng cho biết thêm, ngoài gây mùi thối và khói bụi thì mỗi khi mưa xuống nước chảy từ trong bãi rác ra đen ngịt. Nước bẩn cứ thế theo rạch thoát nước chảy về đầu làng làm nguồn nước bị ô nhiễm và sinh ra các bệnh ung thư. “Hiện thôn có 360 hộ hơn 1000 dân sinh sống. Thế nhưng đã có hàng chục trường hợp chết sớm vì ung thư phổi, ung thư vòm họng, phế quản và ung thư gan…”- Người dân cho biết.

Bà Hà, người người dân thôn Đồng Ao bức xúc:“Nhà tôi và những hộ dân trong thôn phải đóng cửa cả ngày và đêm vì khói bụi xả ra từ các nhà máy đóng trên địa bàn. Đặc biệt buổi đêm chúng tôi nằm ngủ cũng phải bịt khẩu trang bởi mùi thối và khói khét bóc ra từ bãi rác”.

Từ bãi rác có nước “đen ngòm” theo kênh mương chảy xuống khu dân cư.

Từ bãi rác có nước “đen ngòm” theo kênh mương chảy xuống khu dân cư.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bãi rác có tên là Thung Đám Gai do nhà máy xử lý rác thải Ba An vận hành hoạt động. Khi có mặt tại đây, chúng tôi nhận thấy mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đặc biệt khi đi vào khu vực bãi rác khói bụi bay mịt mờ, không khí trở nên ngột ngạt và khó chịu. Ngoài ra rác chất thành đống như ngọn núi. 

Được biết, bãi rác Thung Đám Gai được UBND tỉnh Hà Nam quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải vào năm 2003. Với tổng số vốn lên đến 21 tỉ đồng và giao cho Công ty môi trường và công trình đô thị Hà Nam đảm nhiệm. Nhưng do công nghệ lạc hậu, dây chuyên không đồng bộ cho nên nhà máy hoạt động không hiệu quả. Trên cơ sở đó UBND tỉnh Hà Nam ra quyết định số 593/QĐ-UBND ngày 20/4/2012,  bàn giao việc vận hành Nhà máy xử lý rác thải tại bãi rác thung Đám Gai cho Công ty Ba An vận hành quản lý.

Vì sao phải “né tránh” báo chí?

Trước sự ô nhiễm trên, người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên UBND xã cùng các cơ quan chức năng. Thế nhưng mọi “cầu cứu” của người dân đều không được xử lý triệt để. Không chịu được sự “đầu độc” từ bãi rác, ngày 23/6 hàng trăm hộ dân tại thôn Đồng Ao đã dựng rạp trước cổng Công ty Ba An ngăn cản không cho xe chở rác vào nhà máy. Vậy nhưng cho đến nay cơ quan chức năng cũng như phía Công ty Ba An vẫn chưa có biện pháp khắc phục cho người dân.

Người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị không được xử lý buộc họ dùng đến cách dựng rạp ngăn không cho xe chở rác vào nhà máy.

Người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị không được xử lý buộc họ dùng đến cách dựng rạp ngăn không cho xe chở rác vào nhà máy.

Ông Vũ Xuân Thông người dân thôn Đồng Ao bức xúc nói: “Trước bầu cử các đại biểu của xã, huyện và tỉnh đã tiếp xúc cử tri và hứa sẽ sớm giải quyết. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết gì. Mặc cho dân chúng tôi có bao nhiêu đơn kêu cứu lên các cấp mà không có phản hồi”.

Sau khi ghi nhận phản ánh của người dân, phóng viên đã nhiều lần đến UBND xã Thanh Thủy đặt lịch làm việc. Thế nhưng chúng tôi đều nhận được câu trả lời các sếp “bận họp” và hẹn hôm sau đến. Khi gặp trực tiếp Phó chủ tịch xã Thanh Thủy thì vị này bảo, “phải được sự chỉ đạo của chủ tịch mới tiếp!”. Khi chúng tôi gọi điện trực tiếp cho ông Nguyễn Quang Thành, Chủ tịch xã Thanh Thủy thì đầu dây bên kia bóc máy nhưng không trả lời.

Tiếp đó, phóng viên đã liên hệ đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Ngọc Bình, Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Liêm. Tại đây ông Bình cho hay: “Các anh muốn làm việc với phòng ban nào thì cứ liên hệ tới đó, họ sẽ cung cấp thông tin cho các anh. Ủy ban huyện chúng tôi đã có quy chế như vậy rồi!”.

Khi người dân kêu cứu trước việc xử lý rác gây ô nhiễm, tại sao cơ quan chức năng đến doanh nghiệp phải

Khi người dân kêu cứu trước việc xử lý rác gây ô nhiễm, tại sao cơ quan chức năng đến doanh nghiệp phải "né" tránh báo chí?

Khi được sự “hướng dẫn” của vị chánh văn phòng huyện, chúng tôi đã trực tiếp qua Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Liêm liên hệ làm việc. Thế nhưng khi gặp trực tiếp ông Nguyễn Xuân Tiến- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thì ông này khước từ: “Anh phải liên hệ với Chủ tịch huyện, khi nào có ý kiến tôi mới tiếp các anh được!?”.

Để làm rõ khách quan về phản ánh của người dân, phóng viên liên hệ đặt lịch với Công ty Ba An. Vậy nhưng khi gặp phóng viên, một cán bộ tên Cường (Trưởng phòng nhân sự - PV) thẳng thừng nói: “Anh có thẻ nhà báo chúng tôi mới tiếp, còn giấy giới thiệu thì không chấp nhận!”, dù cho phóng viên giải thích về luật báo chí quy định rất rõ.

Với thực tế trên, câu hỏi đang được dư luận đặt ra, tại sao UBND xã Thanh Thủy, UBND huyện Thanh Liêm và Công ty Ba An lại “né tránh” cung cấp thông tin cho báo chí?. Phải chăng họ đang sợ trách nhiệm trước việc “cầu cứu” của người dân? 

Báo Gia đình Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Hà Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm tại nhà máy xử lý rác thải Ba An.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!