22/11/2024 | 13:17 GMT+7, Hà Nội

Grab nhận hơn 700 triệu USD từ ngân hàng hàng đầu Nhật Bản MUFG

Cập nhật lúc: 20/02/2020, 19:55

Theo Nikkei, Ngân hàng MUFG của Nhật Bản sẽ đầu tư khoản tiền tới 80 tỷ yên (~727 triệu USD) vào ứng dụng gọi xe đình đám Grab.

Hai công ty sẽ tiến hành hợp tác toàn diện, không chỉ nhằm tăng trưởng và mở rộng hơn nữa ở thị trường Đông Nam Á mà còn để cung cấp các dịch vụ mới như cho vay và các gói bảo hiểm thông qua các ứng dụng trên điện thoại.

MUFG và Grab sẽ chính thức công bố thỏa thuận sớm, nguồn tin từ những nhân sự của hai công ty này cho biết. MUFG sẽ hoàn thành khoản đầu tư của mình vào giữa năm nay, nắm giữ tỷ lệ phần trăm lớn trong công ty gọi xe này. SoftBank Group trước giờ là cổ đông lớn nhất của Grab, nhưng MUFG sau khoản đầu tư này sẽ trở thành công ty sở hữu số cổ phần lớn nhất trong số các tổ chức tài chính đầu tư vào đây.

Định giá ước tính lên đến 14 tỷ USD, Grab là một trong những startup kỳ lân lớn nhất Đông Nam Á, trong số các công ty khởi nghiệp chưa niêm yết trị giá hơn 1 tỷ USD.

Định giá ước tính lên đến 14 tỷ USD, Grab là một trong những startup kỳ lân lớn nhất Đông Nam Á

Grab được thành lập vào năm 2012 và bắt đầu kinh doanh tại Malaysia. Doanh nghiệp này đã chuyển sang các thị trường và ngành nghề kinh doanh mới, bao gồm giao hàng thực phẩm và dịch vụ tài chính. Đầu năm 2018, Grab đã mua lại mảng kinh doanh ở Đông Nam Á của Uber Technologies. Hiện Grab đang hoạt động tại 8 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, với hơn 170 triệu người dùng, dựa trên số lượt tải ứng dụng.

Đổi lại khoản đầu tư của mình, MUFG - một trong những ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản, sẽ nhận được sự giúp đỡ trong việc phát triển một "siêu ứng dụng" để thông qua đó sẽ có thể cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ hằng ngày hơn. MUFG sẽ giám sát các khoản vay cá nhân và dịch vụ bảo hiểm của ứng dụng, trong khi Grab sẽ sử dụng dữ liệu của mình dựa theo sở thích của khách hàng.

Các đối tác sẽ sử dụng dữ liệu để đề xuất các khoản vay phù hợp với khách hàng cụ thể. Ví dụ, Grab đã cung cấp các dịch vụ thanh toán trên nền tảng ứng dụng của mình, nhưng để xử lý các sản phẩm tài chính như cho vay, công ty cần có khả năng sàng lọc uy tín tín dụng của người vay và thu nợ. MUFG sẽ hỗ trợ các nghiệp vụ chuyên môn trong các lĩnh vực này và giúp đàm phán phê duyệt quy định với các cơ quan tài chính ở nhiều nước châu Á.

MUFG coi Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2013, Ngân hàng Nhật Bản này đã mua Ngân hàng Ayudhya Public Co. của Thái Lan, được biết đến với tên Krungsri, vào năm 2013. Ngoài ra, MUFG đã đầu tư vào các ngân hàng địa phương tại Việt Nam, Philippines và các nơi khác. Năm ngoái, công ty này đã mua lại Ngân hàng Danamon của Indonesia, biến đơn vị này thành công ty con của mình.

Tuy vậy, nhiều người Đông Nam Á vẫn có thói quen giữ tiền mặt và không gửi vào hệ thống ngân hàng. Chỉ có 50% người Indonesia có tài khoản ngân hàng, trong khi ở các nước như Việt Nam và Philippines, tỷ lệ này là gần 30%. Ở Nhật Bản, con số tương ứng lên đến gần 100%.

Bằng cách hợp tác với Grab, MUFG có kế hoạch mở rộng kiến ​​thức về các dịch vụ kỹ thuật số mà họ dự định sẽ sử dụng để thu hút khách hàng mới ở khu vực có tầng lớp trung lưu đang sinh sống.

MUFG cũng quan tâm đến các hệ thống trí tuệ nhân tạo và kỹ năng phân tích dữ liệu mạnh mẽ của Grab, các thuộc tính sẽ có lợi khi MUFG cạnh tranh nhiều hơn với các ngân hàng trực tuyến và các công ty khởi nghiệp CNTT tại thị trường quê nhà.

Megabank và Grab đang theo dõi động thái hợp tác từ các tập đoàn công nghệ và các tập đoàn tài chính lớn khác để tích lũy dữ liệu người tiêu dùng. Năm ngoái, Apple và Goldman Sachs đã cùng nhau ra mắt thẻ tín dụng, trong khi Google có kế hoạch triển khai dịch vụ kiểm tra tài khoản bằng cách hợp tác với Citigroup.