23/11/2024 | 11:59 GMT+7, Hà Nội

Grab công bố ba mục tiêu phát triển bền vững tại Đông Nam Á

Cập nhật lúc: 13/05/2022, 11:51

Grab vừa công bố ba mục tiêu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và toàn diện tại khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, các mục tiêu mới của Grab bao gồm: tăng gấp đôi số lượng người yếu thế có cơ hội kiếm thêm thu nhập thông qua nền tảng Grab vào năm 2025; tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ lên mức 40% vào năm 2030; đạt mức trung hòa các-bon vào năm 2040. 

Những mục tiêu này được công bố trong Báo cáo thường niên về Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty (ESG) được Grab phát hành hôm nay. 

Thúc đẩy nhóm người yếu thế tham gia vào nền kinh tế số

Theo Ngân hàng Thế giới, một tỷ người, tương đương khoảng 15% dân số thế giới, mắc phải một số dạng khiếm khuyết. Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á Thái Bình Dương của Liên hợp quốc ước tính rằng số người khuyết tật có khả năng được tuyển dụng thấp hơn từ hai đến sáu lần so với người bình thường.

“Không có nhiều cơ hội việc làm cho người khiếm thính. Sau khi có bằng lái xe, tôi nhận ra mình có thể đăng ký trở thành tài xế Grab. Khi tôi được mời tham gia khóa đào tạo trước khi trở thành tài xế Grab, tôi đã được đào tạo 1 kèm 1. Đó là lúc tôi biết rằng mình có sự hỗ trợ từ Grab. Đối với tôi, lái xe là một cách để được tự do. Và giờ đây, để độc lập về tài chính.”, Charles Thin, một đối tác tài xế khuyết tật đã hợp tác với Grab hơn bốn năm tại Malaysia, chia sẻ.

Trong một cuộc khảo sát đối tác tài xế khuyết tật trong khu vực Đông Nam Á, 73% cho rằng họ có thể duy trì hoặc tăng thêm thu nhập khi hợp tác với Grab. 80% trong số đối tác tài xế là người khuyết tật cho biết họ cảm thấy mãn nguyện và hài lòng với cuộc sống khi trở thành đối tác của Grab. Dù vậy, hiện chỉ có 2.100 người khuyết tật đang kiếm thêm thu nhập thông qua nền tảng Grab. 

Grab công bố ba mục tiêu phát triển bền vững tại Đông Nam Á

Grab tìm kiếm nhiều giải pháp để tăng gấp đôi số lượng người yếu thế  có thể kiếm thêm thu nhập thông qua nền tảng Grab vào năm 2025. Để thực hiện điều này, Grab lên kế hoạch triển khai Grab Access, một chương trình mang quy mô khu vực với mục tiêu giảm bớt rào cản cho những người yếu thế khi tham gia Grab. Chương trình sẽ hỗ trợ tài chính và đào tạo đặc biệt cho những cá nhân này trong một khoảng thời gian nhằm giúp họ làm quen và thích nghi với nền tảng. Grab Access sẽ được triển khai đầu tiên tại Indonesia, và sau đó sẽ triển khai đến các nước khác trong năm nay.

Hỗ trợ nữ giới phát triển ở nơi làm việc

Grab cam kết tiếp tục nỗ lực tăng tỷ lệ nữ giới trong đội ngũ lãnh đạo lên 40% vào năm 2030, so với tỷ lệ 34% hiện tại. Điều này giúp đảm bảo Grab luôn nhiều tiếng nói đa dạng từ các vị trí trong ban lãnh đạo và cân nhắc nhiều góc nhìn khác nhau khi xây dựng và thực hiện các chính sách, quyết định của công ty.

Công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng lãnh đạo nhằm hỗ trợ phát triển nghề nghiệp cho các nhân viên nữ; tạo ra mạng lưới hỗ trợ toàn diện hơn cho lực lượng lao động nữ; đầu tư vào các phương pháp chủ động như nghiên cứu dựa trên dữ liệu và chương trình đào tạo giúp các cấp quản lý nhận biết và giải quyết các định kiến vô thức có thể xảy ra khi thực hiện phỏng vấn ứng viên và trong quy trình đánh giá năng lực.

Grab cũng tiếp tục duy trì mức lương bình đẳng cao giữa nam và nữ. Nhân viên nữ được trả mức 98 xu (cent) so với 1 đô la (dollar) - là mức trả cho nhân viên nam ở cùng vị trí tại Grab. 

Giảm thiểu tác động đến môi trường

Grab cam kết tích cực giảm thiểu mức phát thải khí các-bon, với mục tiêu trở nên trung hoà các-bon vào năm 2040  ngay cả khi hoạt động kinh doanh tiếp tục phát triển đáng kể qua từng năm. Trước tiên, công ty sẽ tập trung vào việc thực hiện các biện pháp giảm phát thải trước khi chuyển sang trung hòa các-bon.

Là một nền tảng cung cấp các dịch vụ di chuyển và giao nhận theo yêu cầu, 96% lượng phát thải khí của Grab trong năm 2021 đến từ các phương tiện do đối tác tài xế sở hữu và vận hành. Do đó, một phần cốt lõi trong chiến lược của Grab là giúp xây dựng một hệ sinh thái xe điện (EV) toàn diện, phục vụ cho tầng lớp trung lưu và cận trung lưu.

Để đạt được mục tiêu này, Grab đang phối hợp với các Chính phủ, các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng sạc pin cho xe điện, và các nhà sản xuất ô tô trên khắp Đông Nam Á để thực hiện nhiều khảo sát và nghiên cứu thử nghiệm về EV; hoạch định và phát triển cơ sở hạ tầng sạc EV và các trạm hoán đổi pin; giới thiệu các sản phẩm tài chính để hỗ trợ thúc đẩy việc sở hữu EV, và nhiều sáng kiến khác nữa. 

Hiện nay, Grab đang vận hành đội ngũ dịch vụ đặt xe EV lớn nhất Indonesia với khoảng 8.500 xe điện.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/grab-cong-bo-ba-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-tai-dong-nam-a-20201231000006780.html