19/05/2024 | 13:50 GMT+7, Hà Nội

Google thông báo khai tử mạng xã hội Google+

Cập nhật lúc: 10/10/2018, 12:30

Google+ là mạng xã hội được Google sinh ra nhằm trở thành đối thủ của "ông vua" Facebook. Tuy nhiên, mong muốn ấy không thành hiện thực vì lượng người dùng ít, tính năng, giao diện kém thu hút khiến Google+ chết dần chết mòn.

 Ảnh chế Google+ bị khai tử. Ảnh: TechCrunch.

Hoạt động kém nên việc Google+ bị khai tử là điều sớm hay muộn. Và việc thông tin cá nhân của hơn 500.000 tài khoản người dùng Google+ mới bị lộ gần đây do lỗ hổng trong nền tảng API khiến Google quyết định sớm khai tử nền tảng này.

Google cho biết, một lỗ hổng trong hệ thống mạng xã hội Google+ đã làm ảnh hưởng đến dữ liệu cá nhân của 500.000 người dùng từ năm 2015 đến tháng 3/2018. Tuy chưa tìm thấy chứng cứ rõ ràng về việc liệu dữ liệu người dùng có bị lạm dụng hay không nhưng Google đang lên kế hoạch đóng cửa mạng xã hội Google+ vĩnh viễn.

Google+ được ra mắt vào năm 2011 khi gã khổng lồ tìm kiếm lo ngại về sự cạnh tranh đến từ Facebook- có thể xác định quảng cáo cho người dùng dựa trên dữ liệu họ đã chia sẻ về bạn bè, lượt thích và hoạt động trực tuyến của họ. Google+ đã sao chép Facebook với các cập nhật trạng thái và nguồn cấp dữ liệu tin tức và cho phép mọi người tổ chức nhóm bạn bè của họ thành những thứ mà họ gọi là "circle" (vòng kết nối).

Tuy nhiên, Google+ và các thử nghiệm khác của Google với truyền thông xã hội đã gặp khó khăn để giành được người dùng vì các tính năng phức tạp và rủi ro riêng tư. Sự cố rò rỉ dữ liệu 500.000 người dùng là do lỗ hổng thông qua API- công cụ dành cho các nhà phát triển ứng dụng của bên thứ 3. Trên thực tế, ngoài các nhà sản xuất ứng dụng thì không ai được quyền truy cập vào thông tin hồ sơ cá nhân và API được thiết kế chỉ lưu nhật ký trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, ngay cả trong thời gian ngắn này, 500.000 tài khoản Google+ cũng đã bị ảnh hưởng.

Google cho biết sẽ tắt tính năng Google+ trong 8 tháng tới và chính thức "khai tử" trong vòng 10 tháng, để người dùng có cơ hội di chuyển thông tin của mình và làm quen trước với việc chuyển đổi nền tảng.