29/03/2024 | 17:11 GMT+7, Hà Nội

Golf - sức bật mới cho ngành du lịch?

Cập nhật lúc: 29/10/2018, 13:11

Theo JLL Việt Nam, cùng với sự “bùng nổ” về lượng khách du lịch đến Việt Nam, các sản phẩm du lịch cũng ngày càng đa dạng, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với sân golf được mở ra.

Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho thấy, thời gian qua, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch, năm 2017, tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam lần thứ 2 trở lên đã đạt 40,4% tập trung vào một số điểm đến như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang…

Chi tiêu bình quân một ngày của khách quốc tế đến từ hầu hết các thị trường đều tăng. Trong đó, thị trường lớn nhất là Hàn Quốc tăng từ 133,4USD/ngày lên 171,5USD/ngày; thị trường khách Trung Quốc tăng từ 118,6USD/ngày lên 130,1USD/ngày.

Bên cạnh đó, hiện đã có 52 hãng hàng không quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam, nhiều đường bay thẳng nối các điểm đến ở Việt Nam với các quốc gia được mở rộng. Lượng khách đến bằng đường không chiếm tới 84,4% tổng số khách quốc tế (đa phần là dòng khách có khả năng chi tiêu cao).

Không thể phủ nhận rằng, du lịch golf hiện là một ngành có rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam khi chúng ta có những điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng định hướng phát phát triển bền vững của Nhà nước. Giới chuyên gia từng nhận định rằng, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, nhưng nếu không có những sản phẩm du lịch để lôi kéo và giữ chân du khách thì khó có thể trở thành một điểm đến lý tưởng và cũng khó lòng cạnh tranh với những nước láng giềng.

Du lịch golf hiện là một ngành có rất nhiềm tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

Du lịch golf hiện là một ngành có rất nhiềm tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

Được biết, du lịch golf đã được các nước trên thế giới khai thác từ lâu nhưng khi về Việt Nam có thể xuất phát từ một số định kiến nên xuất hiện những ý kiến phản đối như dân nghèo mất đất canh tác, địa phương còn nhiều khó khăn cần gì những sân golf sang trọng vốn chỉ dành cho giới lắm tiền...

Trên thực tế, Việt Nam là một đất nước có đường bờ biển kéo dài cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, việc mỗi năm ngành du lịch chỉ lôi kéo được trên 10 triệu lượt du khách quốc tế quả là điều đáng tiếc.

Theo JLL Việt Nam, cùng với sự “bùng nổ” về lượng khách du lịch đến Việt Nam, các sản phẩm du lịch cũng ngày càng đa dạng, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với sân golf được mở ra, Chính phủ cũng nới quy định hoạt động của các khu vui chơi giải trí có thưởng. Bên cạnh đó, các loại hình du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch tâm linh cũng phát triển đa dạng hơn.

Báo cáo của JLL cũng nhấn mạnh, trong quá khứ, việc thiếu kinh phí cho quảng bá tiếp thị ở Việt Nam là việc đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng việc này nếu được hỗ trợ mạnh mẽ hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Do sự tăng trưởng nhanh chóng của khách du lịch quốc tế, tiếp tục quảng bá tiếp thị, cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ ở Việt Nam, triển vọng cho ngành du lịch và lưu trú sẽ rất mạnh mẽ.

Sự tăng trưởng ấn tượng về số khách du lịch đến Việt Nam sẽ thúc đẩy các chiến lược quan trọng và tăng đầu tư vào phát triển sản phẩm du lịch để tận dụng thế mạnh hiện tại trong ngành du lịch hiện có của đất nước, cũng như phát triển các khu vực mới. Khi đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp tục phát triển và kết hợp các quỹ tư nhân tham gia vào lĩnh vực vận tải và khách sạn, Việt Nam có thể mở thêm các điểm đến mới ngoài những điểm đến quen thuộc như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng - Hội An.

Đây cũng chính là lý do mà những năm qua nhiều doanh nghiệp bất động sản, khách sạn, nghỉ dưỡng hàng đầu Việt đã mở rộng xây dựng sân golf, điển hình phải nhắc đến những tên tuổi lớn như: BRG, Vingroup, FLC. Những nhà đầu tư này đang sở hữu số lượng sân golf lớn và nhiều nhất trên cả nước.

Ngoài ra, tháng 8/2018 tiếp tục là một tháng bận rộn với những người làm công tác thẩm định dự án golf ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bởi hàng loạt đề xuất bổ sung sân golf vào quy hoạch sân golf đến năm 2020 của các địa phương dồn dập gửi đến. Chưa kể, nhiều dự án “nâng cấp” sân golf cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào quy hoạch.

Trong khi đó, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung Việt Nam nhận định: “Golf vẫn là một “cái gì đó” rất mới ở Việt Nam, số lượng sân golf hay người chơi golf cũng còn quá ít so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Tôi cho rằng, golf vẫn là loại hình có thể phát triển được tại Việt Nam.

Bởi, sân golf được phát triển ở rất nhiều loại hình khác nhau. Và những sân golf đẹp thường nằm ở những vùng biển, vùng núi trong khi chúng ta có rất nhiều thuận lợi về tự nhiên như: đường biển dài, dãy núi Trường Sơn và những núi đá vôi đẹp, hùng vĩ, do đó chúng ra có dư sức phát triển. Tuy nhiên, để ngành golf có thể phát triển được thì đi kèm với nó phải là phát triển các loại hình bất động sản và dịch vụ”.

Ông Hiển cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ cho ngành golf phát triển thì hiện giờ chưa cần gì cả. Điều quan trọng nhất vẫn là dự án được cấp phép làm sân golf đó có đúng quy hoạch không, có ảnh hưởng đến các ngành nông nghiệp, rừng, môi trường, đời sống người dân hay không. Nếu không thì chẳng có lý do gì mà chúng ta không phát triển.

“Chúng ta có thừa khả năng giống như Thái Lan phải triển du lịch golf vì chúng ta có nhiều tiềm năng với những ưu đãi về thiên nhiên, về địa lý. Bên cạnh đó, bất động sản gắn với golf thì quan trọng vẫn là phát triển ở đâu, hạ tầng ra sao. Muốn làm một tổ hợp golf thật là đẹp, thậm chí lớn nhất thế giới nhưng ở đó không có sân bay, không có đường cảng biển, đường cao tốc, không có các tuyến đường kết nối thì làm sao có thể phát triển được. Phát triển được hay không ngành công nghiệp golf, muốn làm hay không vẫn là do chủ đầu tư, địa phương và chính sách. Chúng ta chỉ đang chờ cơ hội và chờ những người sẵn sàng đứng ra làm mà thôi”, ông Hiển nhấn mạnh.