18/01/2025 | 10:51 GMT+7, Hà Nội

Giật mình với thực phẩm chức năng giả được "phù phép" thành hàng ngoại xịn

Cập nhật lúc: 01/09/2016, 14:32

Nhiều loại thực phẩm chức năng nổi tiếng, quen thuộc trên thị trường... được gắn mác, dán tem Mỹ, Đức, Anh… nhưng thực chất lại lại sản xuất tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng của người dân rất lớn. Nghiên cứu tại 2 thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội có đến 60-70% người dân sử dụng thực phẩm chức năng.

Theo thống kê, thị trường thực phẩm chức năng của Việt Nam hiện nay có hơn 20.000 sản phẩm, kể cả nhập khẩu; trong đó 60% là sản xuất trong nước. Cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này. Trong số các sản phẩm vi phạm có rất nhiều loại sản xuất trong nước.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vi phạm về chất lượng thường gặp là hàm lượng không đúng như công bố, không đạt về điều kiện độ ẩm, nhiễm vi sinh nhất là các thực phẩm chức năng có nguồn gốc dược liệu, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như Việt Nam bảo quản không tốt rất dễ phát triển nấm mốc…

 

Các sản phẩm thực phẩm chức năng nghi giả bị thu giữ. Ảnh: Ban chỉ đạo 389 .

 

Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều thực phẩm chức năng gắn mác ngoại nhưng thực chất là được sản xuất trong nước hoặc là hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng được “mông má”, “phù phép” thành hàng nhập khẩu “xịn”.

Mới đây, ngày 30/8, tại 4 kho hàng của Công ty SLIM HMN Việt Nam (ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Phòng PA81, (Công an TP. Hà Nội) phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường số 7 và số 26 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện có hơn 20 loại thực phẩm chức năng được đóng gói hoàn chỉnh và dán tem nhập khẩu, ghi sản phẩm chính hãng, trong đó có nhiều loại sản phẩm quen thuộc trên thị trường như Royal Jelly DHA, HMN Collagen USA, Plus Min USA...

Tại đây, lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng ngàn nhãn mác sản phẩm ghi thông tin sản phẩm có xuất xứ tại Mỹ, Đức, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1 xe tải đang xếp hàng hóa chờ chuyển đi tiêu thụ.

Tiếp tục kiểm tra tại một kho hàng khác của công ty này ở Khu đô thị Văn Phú, Quận Hà Đông, lực lượng chức năng phát hiện hàng ngàn vỏ hộp, bao bì sản phẩm, màng co và dụng cụ dán nhãn, đóng hộp.

Người đại diện cho công ty này là Đỗ Đình Nghĩa (sinh năm 1985, trú tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Nghĩa đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như thuê nhiều địa điểm để tập kết hàng, đóng gói sản phẩm vào ban đêm để qua mắt người dân và lực lượng chức năng.

Còn nhớ vào tháng 1/2015, tại phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cơ quan chức năng cũng đã phát hiện ra đối tượng Nguyễn Tuấn Linh lái ôtô, chở 6 thùng carton thực phẩm chức năng gồm 170 hộp sữa ong chúa nhãn hiệu Royal Jelly Costar, Collagen do nước ngoài sản xuất cùng hàng trăm đề can tiếng Việt ghi thành phần, công dụng, liều dùng…

Cảnh sát xác định số thực phẩm chức năng này là giả. Chúng được đựng trong các túi nylon, dưới dạng viên nang và có màu giống với sản phẩm thật. Khi khách có nhu cầu, các thực phẩm chức năng giả này sẽ được đóng vào lọ, hộp, dán tem nhãn đầy đủ.

Được biết, các thực phẩm chức năng giả được Linh và đồng bọn nhập từ biên giới phía Bắc, các thương lái Trung Quốc đảm nhận vận chuyển hàng đến tận nơi.

Tổng số lượng sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen cùng hàng loạt sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc được "phù phép" thành hàng nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu này lên tới con số khoảng 10 tấn.

3 tháng sau đó, Tòa án nhân dân Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử các đối tượng liên quan về hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm, trong đó, người cầm đầu chịu án 3 năm tù.