19/01/2025 | 06:58 GMT+7, Hà Nội

Giật mình khóa đào tạo “buôn lậu từ A đến Z”

Cập nhật lúc: 03/11/2019, 13:11

Các chiêu trò, thủ thuật "đánh hàng" tại "khóa học đào tạo buôn lậu" đúng như những gì PV Báo Gia đình & Xã hội đã mắt thấy, tai nghe trong quá trình nhập vai làm lái buôn và cửu vạn tại Lạng Sơn.


Bên trong một “lớp học” dạy cách nhập hàng Trung Quốc qua Internet. Ảnh: C.TUÂN

Dạy từ mua hàng không hóa đơn đến khai gian số lượng với hải quan

Báo Gia đình & Xã hội đăng tải loạt bài viết "Xâm nhập đường dây đánh" hàng lậu miền biên viễn Lạng Sơn" (số 130, ra ngày 29/10) và "Hàng lậu ồ ạt xuyên đêm tuồn về Việt Nam" (số 131, ra ngày 31/10) đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng và lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn.

Điều đáng nói, những gì PV ghi nhận từ việc mua hàng đến vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua những đường mòn lối mở nhằm trốn thuế đúng như miêu tả lại một khóa học dạy "buôn lậu online". Lo ngại hơn, nhiều người tham gia lớp học nghĩ rằng việc mua hàng hoá giá rẻ không hoá đơn, giấy tờ từ Trung Quốc đem về Việt Nam bán thực sự là "khởi nghiệp" và có thể làm giàu nhanh chóng.

Theo đó, học viên đóng một khoản tiền từ 2 - 5 triệu đồng sẽ được tham dự khoá học, "cầm tay chỉ việc" cách nhập hàng Trung Quốc tận gốc. Quy trình nhập hàng được các "huấn luyện viên" miêu tả như sau: Học viên chỉ cần cài đặt một ứng dụng điện thoại mua hàng của Trung Quốc sau đó chọn những loại mặt hàng mình cần mua rồi thực hiện thanh toán từ xa qua một tài khoản thẻ của ngân hàng Trung Quốc. Hàng hoá sau đó sẽ được vận chuyển từ nội địa Trung Quốc tập kết về một địa điểm ở gần biên giới, sau đó được vận chuyển về Việt Nam qua đường tiểu ngạch mà không mất một khoản phí, thuế nào.

Hàng hóa của khách Việt Nam đặt được đóng bao và tập kết tại Lũng Vài (Trung Quốc) chờ vận chuyển.

N.N.H (31 tuổi, quê Thái Bình) từng tham gia một khoá học dạy buôn lậu được tổ chức tại một toà nhà nằm trên đường Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) cách đây vài tháng kể: "Sau khi được dạy cách chọn mua hàng qua ứng dụng chúng tôi được hướng dẫn qua về cách vận chuyển. Có 2 lựa chọn là hàng tiểu ngạch, có nghĩa là hoàn toàn không có hóa đơn, thuế, phí... giá chuyển về rẻ hơn (khoảng 10.000 - 22.000 đồng/kg) hoặc hàng chính ngạch với mức phí vận chuyển (khoảng 28.000 đồng/kg) nhưng sẽ được dạy cách khai gian số lượng hàng với Hải quan".

Để xác thực thông tin này, chúng tôi đã liên hệ đến đầu mối khoá học này có tên "nhập hàng Trung Quốc tận gốc từ A – Z". Người dạy là ông P.H.M, được giới thiệu là một "huấn luyện viên" đào tạo nổi tiếng trong lĩnh vực này. Người này được quảng cáo đã đào tạo hàng chục khóa học, cho hàng ngàn học viên "đánh hàng" thành công.

"Thầy sẽ dạy anh chọn mua hàng qua ứng dụng, cách thanh toán từ xa và vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Bên em sẽ cài giúp anh ứng dụng, anh chỉ việc lên đó chọn hàng. Về thanh toán, bên em sẽ hướng dẫn anh lập tài khoản tại một ngân hàng của Trung Quốc để giao dịch trực tiếp, hoặc bên em có thể phụ trách thanh toán luôn tất cả đơn hàng cho anh với giá 35.000 đồng/ngày, không giới hạn số tiền giao dịch", tư vấn viên cho biết.

Cũng theo khảo sát của PV, ngay tại Hà Nội có rất nhiều công ty nhận vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Công ty nào cũng chào mời với giá cả cạnh tranh nhất, mức phí từ 18.000 - 30.000 đồng/kg hàng. Có những đơn vị còn báo giá với mặt hàng vận chuyển tiểu ngạch có số lượng trên 1000 kg có giá rẻ từ 7.000 – 9.000 đồng/kg.

Còn qua ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội tại thành phố Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) - nơi được mệnh danh là "thiên đường hàng thời trang của châu Á", thời điểm này là đợt nhập hàng bận rộn nhất trong năm. Ông H.M (một chủ shop) kể, cách đây 5 năm rất nhiều mối buôn người Việt trực tiếp đến đây đánh hàng nhưng giờ đây những giao dịch chủ yếu qua kênh online.

"Khách hàng nhà tôi rất nhiều người Việt Nam. Người Việt thường cài Wechat rồi xem mẫu xong đặt qua đó chứ không cần đến trực tiếp tại cửa hàng. Sau khi họ đặt hàng và thanh toán, chúng tôi sẽ giao hàng cho bên đơn vị chịu trách nhiệm vận chuyển", ông H.M cho biết.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm

Hàng lậu “tuồn” về Việt Nam Nam cả ngày lẫn đêm thông qua các đường mòn lối mở khu vực Cửa khẩu Tân Thanh.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội chiều 1/11, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo Gia đình & Xã hội về hiện tượng nhập lậu hàng hoá với số lượng lớn qua các đường mòn, lối mở khu vực Cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), ông đã có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, UBND huyện Văn Lãng phối hợp, tổ chức ngăn chặn, bắt giữ, xử lý triệt để tình trạng nhập lậu hàng hoá; chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay cho buôn lậu…

"Tỉnh Lạng Sơn hoan nghênh và tiếp thu phản ánh kịp thời của Báo Gia đình & Xã hội. Tại cuộc họp sơ kết 9 tháng đầu năm 2019 công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chúng tôi cũng đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan củng cố, duy trì hoạt động chốt chặn trên một số đường mòn trọng điểm, thường xuyên rà soát, củng cố hàng rào chắn trên một số lối mòn biên giới, kiên quyết không để hình thành đường dây, tụ điểm xuất nhập cảnh trái phép để buôn lậu trên khu vực biên giới. Bài học kinh nghiệm trong công tác chống buôn lậu đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu phải rất quyết liệt; công tác phối hợp giữa các lực lượng phải đồng bộ, chặt chẽ; kỷ luật, kỷ cương hành chính phải đảm bảo thực hiện…", Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn bày tỏ.

Về phía Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cũng đã có chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới, cửa khẩu. Đơn vị này cũng khẳng định sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm sai phạm.

Trong chiều 1/11, phản hồi đến Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Bảo Ngọc, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo Chi cục Hải quan Tân Thanh xác minh, nắm tình hình để có biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua các đường mòn, lối mở. Hiện Cục Hải quan Lạng Sơn cũng đã gửi báo cáo lên Tổng cục Hải quan về thông tin Báo nêu".

Triệt tiêu cơ hội phát triển của đất nước

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia kinh tế La Văn Thái cho rằng, trong thời đại 4.0, "công nghệ buôn lậu" cũng đã tiến xa hơn nhiều, khiến cho các cơ quan chức năng gặp khó trong việc quản lý. Với những khoá học dạy buôn lậu từ A đến Z mà PV ghi nhận cho thấy, nguy cơ thất thu thuế, phí là một vấn đề rất lớn. Câu chuyện không quản lý được việc thanh toán qua biên giới cũng cần được cơ quan chức năng nhìn nhận thấu đáo.

"Cá nhân tôi cho rằng, các khoá học dạy chiêu trò "mua hàng không hóa đơn, kê khái khống số lượng hàng hóa với Hải quan…" nở rộ khiến nhiều người chọn cách kinh doanh như vậy để làm giàu dẫn đến nguy cơ "giết chết" nền sản xuất trong nước và triệt tiêu cơ hội phát triển của đất nước", chuyên gia kinh tế La Văn Thái nhấn mạnh.