19/01/2025 | 07:28 GMT+7, Hà Nội

Giáo viên vẫn thấp thỏm... lo mất việc

Cập nhật lúc: 20/11/2019, 15:00

Tháng 11 này, trong không khí tưng bừng của Ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày tôn vinh những người thầy đứng trên bục giảng, hàng nghìn thầy cô trên cả nước bên cạnh niềm vui nghề vẫn đang thấp thỏm nỗi lo mất việc.

Bấp bênh phận giáo viên hợp đồng

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2, năm 1993, cô Nguyệt về dạy văn tại Trường Trung học cơ sở Minh Phú, một trong những nơi có tỷ lệ thất học cao của huyện Sóc Sơn, tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội. Khi đó, địa phương đã đón những giáo viên như cô Nguyệt như những “người hùng”, cấp đất để giáo viên yên tâm công tác.

Trong suốt 27 năm qua, cô Nguyệt đã rất nỗ lực, đạt nhiều thành tích trong giảng dạy, nhưng cũng chưa bao giờ có một đợt thi tuyển viên chức nào. Vì thế, suốt 27 năm, cô chỉ là giáo viên hợp đồng, nhưng cô vẫn nỗ lực vì tình yêu với nghề. Là giáo viên hợp đồng, cô có thể bị mất việc bất cứ lúc nào. Và năm 2019 này, nguy cơ đó đã hiện hữu khi Sở Nội vụ Hà Nội yêu cầu tất cả các giáo viên hợp đồng phải tham gia kỳ thi tuyển viên chức.

“Nếu chỉ thi chuyên môn thì chúng tôi không sợ, nhưng theo quy định thì trước khi thi chuyên môn ở vòng hai sẽ phải tiếng Anh ở vòng một, môn mà chúng tôi không dùng đến trong nhiều năm qua, thậm chí có người không được học trước đây. Chúng tôi làm sao có thể so sánh về ngoại ngữ với những thế hệ trẻ hơn, được học ngoại ngữ từ lớp 3. Vì thế, nếu thi thì chúng tôi chắc sẽ trượt ngay từ vòng một. Chúng tôi đã có gần 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục Thủ đô, chuyên môn tốt, nhưng không được xem xét đến. Bao nhiều năm phấn đấu giờ phủ định sạch trơn, tham gia vào cuộc thi không cân sức cân tài giữa hai, ba thế hệ”, cô Nguyệt nghẹn ngào nói.

Cô Nguyệt chỉ là một trong số 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn, Hà Nội, là một trong số hàng trăm giáo viên hợp đồng khác ở Thủ đô và chục nghìn giáo viên hợp đồng khác trên cả nước đang đứng ngồi không yên vì có khả năng phải rời bục giảng. Theo các giáo viên, việc phải thi tiếng Anh là môn điều kiện để tham dự tiếp vào vòng hai giống như bản án tử đối với sự nghiệp của họ.

“Tiếng Anh là môn trước đây nhiều người chưa được học thì không thể có kiến thức thi chọi với các cháu thế hệ sau này. Nếu thi thì chắc chắn chúng tôi sẽ trượt ngay từ vòng đầu tiên,” cô Nguyễn Thị Hoa, Trường Trung học cơ sở Đức Hòa lo lắng. “Các tiêu chí đưa ra quá rộng so với đào tạo thế hệ trước của chúng tôi,” cô giáo Đào Thị Nga, Trường Trung học cơ sở Trung Dã bức xúc nói.

Hàng trăm giáo viên hợp đồng khác ở Thủ đô và chục nghìn giáo viên hợp đồng khác trên cả nước đang đứng ngồi không yên vì có khả năng phải rời bục giảng

Bộ yêu cầu xét, Sở vẫn bắt thi

Việc hàng chục nghìn giáo viên trên cả nước chỉ được ký hợp đồng lao động trong thời gian dài là hệ quả của những bất cập trong quản lý, sử dụng lao động của các cơ quan chức năng. Trước thực tế trên, Bộ Chính trị (tại Công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng) và Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn số 1480/VPCP-TCCV ngày 05/6/2019 của Văn phòng Chính phủ) đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Thực hiện chủ trương này, ngày 5/11, Bộ Nội vụ đã có văn bản 5378/BNV-CCVC đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đáp ứng các các yêu cầu trên để quyết định việc tuyển dụng đặc cách. Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Sau khi thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với đối tượng này, nếu vẫn còn chỉ tiêu biên chế giáo viên thì thực hiện việc thi tuyển hoặc xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và văn bản hướng dẫn thi hành.

Sau khi nhận được văn bản của Bộ Nội vụ, ngày 14/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có công văn hỏa tốc số 10941/VP-NC gửi Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội yêu cầu tổng hợp, rà soát, tham mưu, báo cáo UBND thành phố trước ngày 20/11 về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Sáng ngày 15/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký công văn hỏa tốc số 5119/UBND-NC yêu cầu tạm dừng việc thi tuyển (đã thực hiện được 1 vòng) để thực hiện theo văn bản của Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên, ngay trong chiều ngày 15/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục ký công văn hỏa tốc số 5130/UBND-NC yêu cầu Giám đốc các Sở Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện việc thi tuyển vòng hai. Sau khi thi tuyển sẽ thực hiện xét đặc cách theo văn bản của Bộ Nội vụ.

Liên tiếp hai văn bản với chủ trương đối lập nhau trong cùng một ngày của Hà Nội đã khiến các giáo viên hợp đồng hết sức ngỡ ngàng.

Liên tiếp hai văn bản với chủ trương đối lập nhau trong cùng một ngày của Hà Nội đã khiến các giáo viên hợp đồng hết sức ngỡ ngàng

Đề xuất cơ chế riêng cho giáo viên

Trong khi các giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc thì nhiều địa phương lại đang lo lắng trước tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện cả nước thiếu khoảng 87.000 giáo viên, nhưng đây lại là lĩnh vực có tính đặc thù cao: “Chúng ta không thể bắt một người dạy văn chuyển qua để dạy môn nhạc họa được. Bên cạnh đó là vấn đề nghỉ thai sản, nếu giao đủ biên chế được giao nghỉ thai sản sẽ không ai dạy hết. Về thời gian bố trí, giáo viên còn cần phải có nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu và cũng phải chấm bài thi...”

Cũng theo ông Tân, giáo viên có thể tăng giảm theo dân số, thiếu thừa cục bộ theo từng vùng miền. “Năm 2017 chúng tôi khảo sát thì thấy tỷ lệ giáo viên miền núi chỉ đạt 0,7%, trong khi giáo viên ở thành phố thì 1,5%”, ông Tân nói. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, do tính đặc thù này, Bộ Nội vụ xin phép Quốc hội sẽ trình nghị quyết riêng về biên chế của giáo viên để cân đối trong thời gian tới, nhằm thực hiện chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Cũng tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay sẽ sửa quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với công chức, viên chức, điều khiến nhiều giáo viên lao đao trong thời gian qua. “Một quy định tồn tại đến 20 năm không sửa là lỗi của Bộ Nội vụ, tôi xin nhận trách nhiệm”, ông Tân nói. Bộ trưởng Tân cho hay sẽ sửa quy định này khi soạn thảo Luật Công chức, viên chức sửa đổi sắp tới.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. “Qua thực tiễn chúng tôi thấy rằng, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết”, ông Nhạ nói.