19/01/2025 | 09:39 GMT+7, Hà Nội

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh, tiềm năng phát triển thẻ tín dụng nội địa

Cập nhật lúc: 17/09/2023, 19:11

7 tháng đầu năm nay, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng đều tăng hơn 60%, riêng thanh toán qua QR Code tăng hơn 120%.

Giao dịch không dùng tiền mặt tăng hơn 60%

Thông tin tại Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam" diễn ra ngày 15/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết đến cuối năm 2022, trên 77,41% người dân trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán bằng ngân hàng. Trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng, qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng, qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng; qua QR Code tăng 124,15% về số lượng.

Việc mở tài khoản trực tuyến được thực hiện từ cuối tháng 3/2021. Tính đến tháng 6/2023 đã có gần 27 triệu tài khoản được mở bằng phương thức điện tử eKYC. Đang hoạt động 10,8 triệu thẻ lưu hành bằng phương thức eKYC.

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh
 

Ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 86% về số lượng giao dịch không dùng tiền mặt và 31% về giá trị giao dịch không dùng tiền mặt. Giao dịch điện tử không dùng tiền mặt đã phổ cập, được nhiều người dân sử dụng.

“Sau giai đoạn dịch COVID-19 phải giữ khoảng cách, thanh toán không tiếp xúc thì thanh toán qua QR Code và thanh toán bằng thẻ đã trở nên phổ biến hơn. Đồng thời hình thức thanh toán mua trước trả sau, thanh toán qua thẻ tín dụng cũng trở nên phổ cập. Internet và điện thoại thông minh phát triển đã thúc đẩy hình thức sử dụng điện thoại thanh toán ở Việt Nam. Việt Nam có dân số hơn 1 triệu người là thị trường tiềm năng để phát triển. Trên thế giới có công nghệ và sản phẩm thanh toán nào thì ở Việt Nam cũng đã có. Sau giai đoạn COVID-19, sự ứng dụng và đổi mới về công nghệ diễn ra mạnh mẽ” - ông Hùng nhấn mạnh.

Tiềm năng phát triển thẻ tín dụng nội địa

Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng vụ Thanh Toán, đến hết tháng 7, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7 đạt trên 811.400 thẻ, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm. 

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh
 

Phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ tại Việt Nam.

"Trong 39 triệu thẻ đang hoạt động, chúng ta có trên 800 nghìn thẻ nội địa, chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ. Như vậy đứng trước một thực trạng trên, rõ ràng chúng ta còn dư địa để quan tâm đẩy mạnh hơn phát triển thị trường thẻ nội địa tại Việt Nam", Vụ trưởng Vụ thanh toán cho hay.

Về vấn đề hành lang pháp lý cho hoạt động phát hành và thanh toán thẻ nói chung, trong đó có thẻ tín dụng nội địa, theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN ban hành và thường xuyên bổ sung, hoàn thiện trong đó có quy định về việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát hành và thanh toán thẻ một cách thuận lợi và an toàn.

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/giao-dich-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tang-manh-tiem-nang-phat-trien-the-tin-dung-noi-dia-109303.html