Giáng sinh là gì mà bỏ quên những kiếp mưu sinh?
Cập nhật lúc: 25/12/2017, 01:42
Cập nhật lúc: 25/12/2017, 01:42
Mùa đông rét mướt vốn chỉ làm hài lòng những người ưa mơ mộng, là cái cớ hợp lí để khoác chiếc áo len dày cộm cất sâu dưới đáy tủ suốt cả năm, là lúc tiết trời hanh hao đủ làm ửng hồng đôi gò má thiếu nữ.
Đông càng là cớ người ta cho phép mình ôm vào lòng một nỗi buồn bâng quơ, chẳng hiểu vì gì, bắt đầu từ đâu, cơ hồ như việc ngang qua một góc quán quen, nhận ra những giai điệu cũ là bao nổi niềm như chực trào cuộn sóng.
Hiển nhiên, đó là đông của những tâm hồn lãng mạn, thích cái lành lạnh chẳng phải tỏa ra từ điều hòa. Bởi cuộc sống phần nhiều gói trọn trong không gian vuông vắn của nhà – văn phòng/trường học, thì đông đến âu cũng là cớ mặc thêm áo, cuộn thêm chăn.
Còn với những người lao động, đông hẳn lại là một câu chuyện khác. Ít ánh đèn rực rỡ, ít áo ấm gấm hoa, niềm vui chưa hẳn trọn vẹn, nỗi buồn lãng mạn chẳng có chỗ so bì với gánh nặng áo cơm.
Nhiều năm qua, tôi luôn tìm cho mình rất nhiều cớ để ra đường vào những ngày cận kề Giáng sinh. Có khi cùng bạn bè, có khi một mình, hòa cùng dòng người vào trung tâm thương mại chen chúc hay lủi thủi vào một quán quen, nhưng cốt yếu vẫn để thưởng thức thành phố rực rỡ, bởi chẳng mấy khi ngõ ngách nào cũng lung linh ánh đèn.
Và cũng nhiều năm, tôi bắt gặp những mảnh đời nhạt nhòa sau ánh đèn chớp tắt. Trong số họ, đa phần không có một Giáng sinh trọn vẹn theo đúng ý nghĩa của nó: đầm ấm, an lành. Có người vui vì mãi mới có một dịp bán thêm được hàng. Có người buồn vì công việc đột ngột tăng thêm gấp bội. Tôi gọi họ là những người không có Giáng sinh, hay nếu có cũng chỉ là một ngày oằn mình vì Giáng sinh.
Trong số đó, tôi tình cờ gặp lại chị em cô Năm yaourt cần mẫn đẩy thùng đá chứa mấy mươi bịch yaourt được ủ lạnh cẩn thận. Cô Năm tuổi đã cao, em gái cô mắc bệnh tâm thần, cháu gái còn đương tuổi học. Cả gánh nặng kinh tế dồn vào thùng yaourt mini được chị em cô kéo quanh khu nhà thờ lớn với giá 5.000 đồng/ bịch.
Mà mùa gió rét căm căm thế này, cà phê, bánh ngọt, lẩu, nướng…lên ngôi, riêng yaourt trở nên thất thế. Hiếm ai lại ăn yaourt vào những đêm đông, nên nhiều hôm trở về lòng cũng nặng trình trịch như thùng hàng.
Miệng cô cười méo xệch: “Thôi coi như hôm nay được về sớm” rồi dắt tay em gái về nhà khi đồng hồ đã điểm gần 9h đêm. Và ngày mai, người ta vẫn thấy chị em cô quay lại khu nhà thờ lớn, vẫn kéo tiếp thùng yaourt níu kéo hy vọng: biết đâu Giáng sinh khách tìm đến mua đông.
Ánh đèn hắt ra từ cổng trung tâm thương mại, dây đèn cây thông lấp lánh đủ thu hút ánh nhìn bao người và cũng đủ để soi sáng góc vỉa hè – hàng buôn của cụ bà gần 90 tuổi. Người ta hườm hườm đoán vậy qua nét mặt nhăn nhúm vết thời gian, mái tóc bạc lưa thưa bị thổi tung bởi gió. Chẳng ai biết bà đã bán ở đây tự bao giờ, chỉ biết mấy hôm trời đột ngột trở lạnh, tấm áo sờn vai, vá chằng vá đụp chẳng đủ sưởi ấm cho thân người gầy nhom.
Hỏi bà có lạnh không, bà gật đầu hiền từ: “lạnh chứ con”. Vừa nói, tay vừa sắp xếp lại “quầy hàng” chuối chà bột – nơi thật ra là tấm bạc nilion trải dài trên nền đất.
Theo lời bà kể, hàng chuối nuôi sống cả gia đình, trong đó, có 2 người con lớn năm nay đã ngoài 50 nhưng không có khả năng lao động. Cuộc sống chẳng cho bà may mắn được con cháu phụng dưỡng lúc về già để mái đầu bạc vẫn phải tiếp tục gồng gánh thay mái đầu xanh.
Loáng thoáng đâu đó, người ta bảo nhau nhà bà cách đây cả trăm cây số. Bà đến đây bằng cách gì, ngủ lại đâu, chống chọi làm sao với cái lạnh trở trời… điều này chẳng ai biết. Cũng tương tự như việc “quầy hàng tự phát” sẽ còn tồn tại được bao lâu trước cổng trung tâm thương mại rực rỡ ánh đèn… ai nói trước được điều chi?
Đó là chuyện của cô Năm nhà thờ, cụ bà vỉa hè trung tâm thương mại, còn chuyện của bà Hai, chú Tám… buôn gánh bán bưng ở góc chợ, thì Giáng sinh chẳng cơ cực hơn mùa mưa bão là bao. Mưa xuống, người ta tất tả ngược xuôi tìm cho mình chỗ trú, tìm tấm nilon đậy hàng. Chậm tay chậm chân là bánh trái, khô mắm nhão nhoét; hàng hủ tíu, cơm, bún phải “chờ thời”, bởi mưa gió ai ra đường mà ăn.
Đông đến, nắng chẳng đến đầu, mưa chẳng ướt vai, lấy cớ đâu che dù, quấn bạt. Cả người và hàng như “trần trụi” giữa đất trời. Mà vốn dĩ, “nàng đông” có hiền hòa gì cho cam. Cái rét căm căm nhất là vào những dịp cuối năm đủ để người ta rung lên sau chiếc áo mỏng dính da. Vậy mà biết bao tiểu thương ở góc chợ vẫn “mình đồng da sắt”.
Người ta thấy họ có mặc thêm áo, thỉnh thoảng xoa tay, kéo cao cổ áo mà có xá chi với tiết trời chỉ hơn 20 độ C ở Sài Gòn và hơn 10 độ C ở Hà Nội. Từng đợt gió thúc qua, ai cũng co ro để tìm chút hơi ấm, vậy mà tiếng rao vẫn lảnh lót, xen kẽ là những lời động viên nhau: trời này mà có chén canh nóng ăn với cơm trắng, là sướng nhất rồi!
Thấp thoáng trong phiên chợ chiều, nhiều người lại kháo nhau tin bão về, gió rét tăng cường ngay vào dịp Giáng sinh. Nhiều cái tặc lưỡi, lắm tiếng thở dài… vì lo cho miếng cơm manh áo.
Giáng sinh là gì? Có ai chạm tới hay sờ nắn hình thù được đâu. Chỉ biết, những ngày này, lòng người rộn ràng xuống phố để vui chơi thỏa thích một năm mong chờ. Vậy mà ở nhiều nơi, với nhiều người, đây vẫn là một ngày bình thường không hơn không kém. Hàng vẫn phải rao, công việc vẫn phải tiếp diễn. Guồng quay của nhiều người dân lao động không có chỗ cho không khí lễ hội. Chỉ biết hàng vơi đi, đông bớt lạnh, họ đã đủ thấy vui.
Còn Giáng sinh, có hay không, âu cũng là chuyện xa vời…
Ảnh: Tiến Đạt - SVietnam
14:00, 24/12/2017
07:25, 24/12/2017
14:01, 23/12/2017
05:43, 23/12/2017
04:50, 22/12/2017