19/01/2025 | 09:31 GMT+7, Hà Nội

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Y bác sĩ hãy "gác niềm vui riêng" vì "niềm vui chung"

Cập nhật lúc: 27/02/2020, 17:00

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ, với các y bác sĩ, thật khó để nói không có chút chạnh lòng khi vào ngày kỷ niệm 65 năm của ngành không có mít tinh, không cờ, không hoa chúc mừng...

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ, với các y bác sĩ, thật khó để nói không có chút chạnh lòng khi vào ngày kỷ niệm 65 năm của ngành không có mít tinh, không cờ, không hoa chúc mừng, nhưng tất cả đều sẵn sàng “gác niềm vui riêng” vì “niềm vui chung”…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền (đứng ngoài cùng bên phải) kiểm tra công tác giám sát dịch Covid-19 tại sân bay Nội Bài

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2020), phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

- Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên dịp 27-2 năm nay, ngành y tế không tổ chức mít tinh, các hoạt động tôn vinh thầy thuốc. Vậy Sở Y tế có hoạt động gì để động viên kịp thời cán bộ, nhân viên trong ngành?

- Để tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch Covid-19 nên năm nay, dù kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhưng ngay từ giữa tháng 2, thành phố Hà Nội đã quán triệt tinh thần từ cấp thành phố tới cơ sở, các bệnh viện đều sẽ không tổ chức mít tinh hay các hoạt động tôn vinh tập thể, cá nhân ngành y.

Nói thật, với những y bác sĩ, vào ngày kỷ niệm của ngành, không có mít tinh, không cờ, không hoa chúc mừng, ít nhiều không khỏi có chút chạnh lòng. Vì thế, Sở Y tế Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức các đoàn đi kiểm tra tại các đơn vị, kết hợp động viên các đơn vị nhân ngày kỷ niệm của mình.

Mặt khác, thay vào các lễ mít tinh hay hoạt động tôn vinh, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị tổ chức các lễ phát động phong trào thi đua yêu nước của đơn vị, của ngành, có thể lồng ghép các hoạt động kỷ niệm nhưng không được tổ chức tập trung đông người bởi tất cả đều phải tập trung cho nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh.

Sau đợt này, Sở Y tế sẽ đề nghị thành phố khen thưởng các cá nhân, các đơn vị tích cực, quyết liệt, hiệu quả trong công tác nói chung, công tác chống dịch Covid-19 nói riêng.

- Hà Nội chưa có ca mắc Covid-19 nhưng thành phố đã cách ly theo dõi hàng nghìn người đến từ vùng dịch, hàng trăm trường hợp nghi ngờ, có cán bộ tăng cường cho tâm dịch ở Vĩnh Phúc. Có thể coi đó là những người dấn thân, hy sinh vì sức khỏe nhân dân hay không?

- Dịp vừa qua, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến các địa phương, các tổ chức xã hội, người dân đều đã tập trung cho công tác chống dịch Covid-19. Trong đó, y tế là lực lượng nòng cốt. Nói “hy sinh” thì cũng có thể nhưng chúng tôi chỉ gọi đó là “gác lại niềm vui riêng của mình” vì "niềm vui chung" của nhân dân, vì nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Thực tế ngay từ khi bắt đầu có dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) tại Trung Quốc, ngành y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó. Riêng với đội ngũ cán bộ nhân viên y tế trực tiếp tham gia vào công tác chống dịch, ngành y tế đã yêu cầu chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo hộ để phòng tránh bệnh.

Song cũng phải nói rằng, những cán bộ nhân viên y tế tham gia vào công đoạn cách ly người nghi mắc, chăm sóc người mắc hoặc nghi mắc, những người trực tiếp đi lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm Covid-19 là những đối tượng nguy cơ cao bị lây nhiễm cao nhất. Có chuẩn bị đầy đủ, có quần áo, khẩu trang phòng hộ kỹ đến thế nào thì cũng không loại trừ rủi ro có thể xảy ra.

Dù vậy, với trách nhiệm công việc rất cao, với tinh thần sẵn sàng đối mặt với rủi ro để hoàn thành nhiệm vụ, đây là những con người thực sự đáng được hoan nghênh. Hay như với 3 cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội được thành phố cử đi tăng cường cho Vĩnh Phúc, về trực tiếp tâm dịch Covid-19 trong 10 ngày cũng vậy. Tất cả đều sẵn sàng lên đường với tinh thần tự nguyện.

Nhân dịp này, thông qua Báo ANTĐ, với vị trí người đứng đầu ngành y tế Thủ đô, cho tôi được chuyển lời cảm ơn và đánh giá rất cao tới tất cả cán bộ y tế từ cơ sở, từ các trạm y tế trở lên đã vượt qua vất vả, thậm chí cả nguy hiểm, rủi ro để hoàn thành nhiệm vụ, chung tay chống dịch.

Công việc trước mắt còn rất nhiều, vì vậy không được chủ quan, phải tiếp tục tập trung cao độ vào công tác chống dịch, đặc biệt là vấn đề giám sát, cách ly các trường hợp từ vùng có dịch vào Thủ đô. Tất cả phải nỗ lực để kiểm soát, không xảy ra dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô và nếu dịch có xảy ra thì cũng phải sẵn sàng các phương án, tình huống để khống chế hiệu quả nhất.

- Xin cảm ơn ông!