22/11/2024 | 18:58 GMT+7, Hà Nội

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nói về 5 chữ “B” trong tổ chức thi cử

Cập nhật lúc: 21/05/2019, 14:13

"Khi phát hiện những sơ suất và sai sót trong thi cử thì tùy mức độ đều phải xử lý nghiêm. Tuyệt đối không bưng bít, bao biện, bao che", bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nói.

Chiều 20/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra từ 24 đến 27/6. Toàn tỉnh có 1 cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Hoa Lư Ninh Bình và Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An tổ chức cho tất cả thí sinh đăng ký dự thi tại Thanh Hóa.

Kỳ thi này, toàn tỉnh có trên 35.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia, trong đó có hơn 13.600 thí sinh thi lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT; 20.437 thí sinh thi lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển Đại học, Cao đẳng... Toàn tỉnh sẽ bố trí 70 điểm thi với hơn 1.480 phòng, huy động khoảng 4.969 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ công tác thi…

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn, lớp 10 THPT và lớp 10 THPT Dân tộc nội trú năm học 2019-2020 được tổ chức vào ngày 5 và 6/6. Cả thí sinh thi tuyển vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn, lớp 10 THPT và lớp 10 THPT Dân tộc nội trú đều thi 3 buổi với các môn thi Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Riêng thí sinh thi vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn phải thi thêm buổi thứ 4 với môn chuyên theo đề thi riêng.

Tất cả các môn thi theo hình thức tự luận. Riêng môn Tiếng Anh chuyên thi thêm kỹ năng nghe…

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa (phải) chủ trì họp báo).

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa (phải) chủ trì họp báo).

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: “Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 chứng kiến hàng loạt các địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang có gian lận trong thi cử. Điều này cũng cho thấy rằng, việc thực hiện, giám sát kỳ thi tại các địa phương nói trên là có vấn đề. Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã rút được kinh nghiệm gì từ những vụ việc gian lận thi cử ở các địa phương nói trên, để đảm bảo có một kỳ thi an toàn, hiệu quả?"

Trả lời vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng, việc gian lận thi cử tại các địa phương nói trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành giáo dục, niềm tin của người dân. Do đó, đơn vị được phân công nhiệm vụ sẽ làm việc hết sức nghiêm túc để đảm bảo kỳ thi chất lượng, hiệu quả.

"Thanh Hóa mấy năm nay, ở tất cả các kỳ thi (thi vào lớp 10, chuyên Lam Sơn, thi THPT Quốc gia), lãnh đạo các phòng ban ở các cấp quản lý đều thực hiện rất nghiêm túc. Trước đây, trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, chúng tôi phát hiện việc đánh dấu bài trong bài thi. Khi phát hiện, Sở đã thống nhất hủy 58 bài thi đánh dấu bài, không công nhận kết quả.

Không chỉ có học sinh, mà do người lớn chỉ đạo, cũng vì bệnh thành tích trong thi cử, sinh ra tiêu cực. Ban giám đốc Sở cũng thống nhất kỷ luật rất nghiêm khắc đối với giáo viên dạy môn đó. Ban giám hiệu các nhà trường có liên quan năm đó đều bị cắt danh hiệu thi đua.

Đối với các kỳ thi của Thanh Hóa được dư luận nhân dân đồng tình cao. Chúng tôi cũng xác định thi cử là phải mang tính chất trung thực và phản ánh đúng chất lượng dạy và học. Thanh Hóa không chạy theo bệnh thành tích. Trong thi cử, chúng tôi không đặt nặng việc xếp thứ hạng đối với các trường trong kỳ thi THPT Quốc gia; làm sao tổ chức tốt việc dạy học, ôn tập cho học sinh; kết quả thi phải là kết quả thực, phản ánh chất lượng thực. Khi không đặt ra áp lực đó thì yêu cầu các đơn vị, cá nhân phải thực hiện rất nghiêm túc”, bà Hằng cho biết.

Theo bà Hằng, con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo một kỳ thì an toàn, hiệu quả: “Không có gì bằng nhận thức của cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức từng lãnh đạo của các nhà trường trong vai trò chỉ đạo dạy học, ôn tập, tổ chức các kỳ thi, quán triệt nghiêm túc tới tất cả cán bộ làm nhiệm vụ thi ở bất kỳ khâu nào từ Hiệu trưởng, Hiệu phó, thư ký, giáo viên, nhân viên hành chính...

Khi phát hiện những sơ suất và sai sót thì tùy mức độ đều phải xử lý nghiêm; tuyệt đối không bưng bít, bao biện, bao che. Bài học để rút kinh nghiệm không chỉ kỳ thi THPT Quốc gia mà bất kỳ một kỳ thi nào cũng đều phải xác định làm nghiêm túc và phản ánh chất lượng thực”, bà Hằng thẳng thắn.

Tại buổi họp báo, các nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ các giải pháp để kỳ thi được thực hiện nghiêm túc; công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan trong tổ chức các kỳ thi; công tác giám sát thi, bảo quản đề thi và chấm thi; số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn, lớp 10 THPT và lớp 10 THPT Dân tộc nội trú; việc cung cấp thông tin cho báo chí trong những ngay diễn ra các kỳ thi; đối tượng được miễn thi THPT Quốc gia…

Sau khi tiếp thu và giải đáp các nội dung trên, lãnh đạo Sở GD&ĐT mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020, nhất là công tác tổ chức các kỳ thi. Đồng thời khẳng định những thông tin mà các cơ quan báo chí phản ánh, nhất là các thông tin liên quan đến tiêu cực, gian lận về các kỳ thi sẽ được ngành chỉ đạo các bộ phận liên quan xác minh, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có), để kỳ thi được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các khâu, phản ánh đúng thực chất chất lượng dạy và học...