20/01/2025 | 00:06 GMT+7, Hà Nội

Giảm 2% thuế VAT: “Được nhiều hơn mất”

Cập nhật lúc: 09/02/2022, 19:42

Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm 2% thuế VAT trong thời điểm cả nước đang phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì sẽ “được nhiều hơn mất”...

Giảm thuế VAT sẽ tác động rất lớn đến dân sinh

Nhằm cụ thể hóa các nội dung Chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, ngày 28/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022, sẽ áp dụng giảm 2% thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%).

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến khi thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 51.400 tỉ đồng. Trong đó, 49.400 tỉ đồng từ chính sách giảm thuế VAT và 2.000 tỉ đồng từ chính sách khấu trừ chi phí tài trợ, ủng hộ phòng, chống COVID-19 khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Số tiền thuế được hỗ trợ nêu trên sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Qua đó, có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú – Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là rất cần thiết trong thời điểm đất nước đang phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Giảm 2% thuế VAT: Được nhiều hơn mất
Giảm 2% thuế VAT: Được nhiều hơn mất

Theo ông Vũ Vinh Phú, thuế VAT là nguồn thu rất lớn của ngân sách, nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay thì có các yêu cầu đặt ra là phải giảm, đó là: Thứ nhất, sức mua yếu. Ông Phú lấy ví dụ: “Tại các siêu thị, một cân thịt lợn giá 180 nghìn đồng thì có đến 18 nghìn đồng là thuế VAT rồi. Do đó, người tiêu dùng bình dân ngại vào siêu thị…”.

Thứ hai, là thuế VAT cao sẽ đẩy giá thành sản xuất hàng hóa trong nước lên cao, dẫn đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa ngoại nhập hoặc xuất khẩu khó khăn.

Thứ ba, khi thuế VAT càng cao sẽ càng “hấp dẫn” người trốn thuế, lách thuế, lậu thuế, nhất là bán hàng qua mạng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, việc giảm 49.400 tỉ đồng từ chính sách giảm thuế VAT là “được nhiều hơn mất”.

Vị chuyên gia này lý giải, việc giảm thuế VAT sẽ giúp: Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước với sản phẩm nhập khẩu; thúc đẩy tiêu dùng; khuyến khích đầu tư vào cả sản xuất và bán lẻ; vòng 2 của sản xuất sẽ tăng lên và đặc biệt là nộp ngân sách sẽ tăng lên. “Đó là những cái được rất lớn. Từ việc giảm thuế VAT sẽ tác động rất lớn đến dân sinh, giúp cho người nghèo sẽ bớt phần gánh nặng trong tiêu dùng trong thời điểm khó khăn này.”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Cần ý thức về chính sách giảm thuế VAT

Để chính sách giảm thuế VAT thực sự hiệu quả, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, ngay từ khi chính sách có hiệu lực, cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra việc tổ chức thực hiện, việc hạch toán có đầy đủ hay không?. Theo ông Phú, cần tiến hành đánh giá việc thực hiện chính sách 3 đến 6 tháng một lần để có thể nhìn nhận rõ tác động của chính sách đến với người dân.

“Một, hai ngày gần đây có thông tin là có một số đơn vị kinh doanh không giảm thuế, mà còn phụ thu đến 100%. Việc này cần kiểm tra và xử lý nghiêm”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, qua kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính sách sẽ giúp rạch ròi những nơi nghiêm chỉnh và những nơi không nghiêm chỉnh. Từ đó, biểu dương nhưng nơi làm ăn tử tế, xử lý những nơi thực hiện không tốt, không nghiêm.

“Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, Quản lý thị trường cần phải làm ráo riết, chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, giúp đưa chính sách thực sự đến với người dân một cách hiệu quả nhất”, Chuyên gia Vũ Vinh Phú đề nghị.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc giảm thuế VAT phải đảm bảo cung cầu hàng hóa. “Có VAT giảm rồi nhưng có hàng hóa không lại là chuyện khác. Thứ nữa là có giá hàng hóa hợp lý không? Chứ nếu giảm thuế VAT mà giá hàng hóa lại cao hơn thị trường thì việc giảm thuế VAT là điều vô nghĩa.”, ông Phú nói và nhấn mạnh việc cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm soát giá, đặc biệt với các mặt hàng có mức giá “vô lý”.

Đối với các siêu thị, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, siêu thị cần ý thức về chính sách giảm thuế VAT này. Cần tổ chức thu mua từ gốc, giảm khâu trung gian và đặc biệt đừng “ăn” chiết khấu cao quá. “Ở đây tôi muốn nói đến vấn đề nhân văn và đạo đức chia sẻ, khi Chính phủ chia sẻ VAT thì mức 2% phải xứng đáng để được tổ chức thực hiện đi đôi với ổn định và kiểm soát giá cả”, ông Phú nói.

Nguồn: https://congluan.vn/giam-2-thue-vat-duoc-nhieu-hon-mat-post180484.html