19/01/2025 | 12:07 GMT+7, Hà Nội

Giải pháp nhân sự cho các tỉnh sai phạm trong kỳ thi THPT 2018

Cập nhật lúc: 25/06/2019, 07:01

Đối với các tỉnh mắc sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia 2018 như tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, vấn đề nhân sự đang được dư luận rất quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ đã có cuộc trò chuyện với báo Nhà báo & Công luận về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là kỳ thi được đầu tư khá kỹ lưỡng, nghiêm túc và chuẩn chỉnh để khắc phục sai sót từ kỳ thi năm trước và lấy lại niềm tin xã hội, Bộ GD&ĐT có những biện pháp gì để ngăn ngừa các tiêu cực có thể xảy ra, thưa Thứ trưởng?

Về cơ bản, kỳ thi THPT quốc gia 2019 giữ nguyên phương thức thi như hai năm trước. Tuy nhiên về khâu tổ chức có một số điều chỉnh về kỹ thuật, quy trình để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, an toàn, công bằng, nghiêm túc. Công tác này mang hướng phòng ngừa và phát hiện các tiêu cực cao, ngăn chặn mọi hành vi có thể xảy ra.

Cụ thể có một số thay đổi như: Các trường Đại học, Cao đẳng phối hợp làm thi theo nguyên tắc các trường Đại học/Cao đẳng thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình.

Thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên thi chung với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT. Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì.

Tại tất cả điểm thi đêu có đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi. Sẽ tiến hành sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi.

Tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi, dữ liệu chấm thi

Đặc biệt, năm nay Bộ GD&ĐT chú trọng quan tâm đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia làm thi phải đảm bảo nắm vững chuyên môn, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao.

Tại nhiều cuộc họp Ban chỉ đạo thi quốc gia và mới đây trong 2 công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng sư phạm tham gia phối hợp làm thi, Bộ trưởng GD&ĐT đều nhấn mạnh lại yêu cầu này.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương, trường đại học phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng cho từng cán bộ tham gia làm thi, có tập huấn chi tiết, để đảm bảo rõ người, rõ việc, nắm chắc quy chế, làm đúng quy trình, không chủ quan dù ở khâu nhỏ nhất. Công tác thanh tra, giám sát năm nay được tăng cường.

Các địa phương được coi là điểm nóng trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay là những tỉnh đã mắc sai phạm lớn trong kỳ thi năm 2018 như Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Bộ GD&ĐT đã có giải pháp gì để đảm bảo kỳ thi năm nay diễn ra ở các tỉnh đó được chu đáo, an toàn, và thực sự nghiêm túc?

Trong việc chuẩn bị tổ chức thi THPT quốc gia 2019 đã được Bộ GD&ĐT sớm nắm bắt, chủ động có phương án hỗ trợ kịp thời.

Với những Hội đồng thi gặp khó khăn do nhân sự mới ít kinh nghiệm hoặc thiếu nhân sự (không chỉ riêng Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La), Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường đại học tăng cường phối hợp.

Đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ tối đa về nhân lực, cơ sở vật chất, đảm bảo trước ngày thi, tất cả các khâu của kỳ thi đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, để kỳ thi diễn ra theo đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế,không để sai sót ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.

Theo chủ trương Bộ, thì đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được ra theo hướng như thế nào để đạt được các mục tiêu đề ra, thưa Thứ trưởng?

Bộ GD&ĐT xác định, quan trọng nhất của đề thi là phải đảm bảo chính xác, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình và có độ phân hoá phù hợp, đánh giá được khách quan năng lực của thí sinh.

Kết quả thi là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông từ đó điều chỉnh việc dạy – học cho phù hợp, đồng thời cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng

Đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu thuộc chương trình lớp 12. Đề tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, có tính ứng dụng thực tiễn, không nặng về ghi nhớ các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Đề thi sẽ có nhóm các câu hỏi ở mức độ cơ bản để phục vụ xét tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi với độ khó phù hợp nhằm phân hóa kết quả thi, hỗ trợ công tác tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.

Với nhiều tiêu chí đặt ra như vậy thì áp lực kỳ thi THPT Quốc gia đặt lên vai các em thí sinh năm nay không hề nhỏ, Thứ trưởng có điều gì muốn nhắn nhủ tới các thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia 2019?

Kiểm tra, đánh giá là hoạt động bình thường diễn ra trong suốt quá trình học tập của các em, nhưng đối với các học sinh kỳ thi THPT quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng vì đánh giá kết quả của 12 năm học phổ thông.

Các em yên tâm rằng, Bộ GD&ĐT, các trường Đại học/Cao đẳng, các địa phương và Bộ, ngành liên quan đã vào cuộc sát sao, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, tạo thuận lợi cho thí sinh tham dự kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế nhưng không căng thẳng.

Để làm được tốt bài thi, tôi khuyên các em cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý, sức khỏe và kiến thức. Do đề thi sẽ ra theo hướng mở, có tính ứng dụng thực tiễn, nên thí sinh cần hệ thống lại và nắm chắc các nội dung đã học, chủ yếu yêu trong chương trình lớp 12. Chỉ khi vững kiến thức, kỹ năng các em mới có tâm lý tốt, tự tin để hoàn thành tốt bài thi.

Đặc biệt, kỷ luật trường thi rất nghiêm ngặt, do đó thí sinh phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế thi, tuyệt đối không đem vào phòng thi những dụng cụ không được phép, nhất là điện thoại di động. Khi thực hiện đúng quy chế, tâm lý các em mới ổn định và tập trung làm bài tốt.

Tôi chúc các em sẽ bình tĩnh, tự tin và thi đạt kết quả cao nhất.

Nguồn: https://congluan.vn/giai-phap-nhan-su-cho-cac-tinh-sai-pham-trong-ky-thi-thpt-2018-post64075.html