26/04/2024 | 04:32 GMT+7, Hà Nội

Giải bài toán cho doanh nghiệp thủy sản thiếu đơn hàng

Cập nhật lúc: 30/11/2022, 18:57

Với tình hình thiếu vắng đơn hàng, một số doanh nghiệp thuỷ sản chọn giải pháp bán rẻ, thậm chí bán lỗ để giảm hàng tồn kho. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đẩy mạnh cắt giảm chi phí từ những khoản nhỏ nhất đến khoản lớn.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 9,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tuy nhiên, những thành tích này đạt được chủ yếu là nhờ các tháng trước. Riêng trong tháng 10, giá trị xuất khẩu thủy sản ghi nhận dưới 1 tỷ USD, chỉ nhỉnh hơn 2% so với cùng kỳ. Đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ đầu năm 2022.

Doanh nghiệp thủy sản áp lực do thiếu đơn hàng. Ảnh: Công Thương
Doanh nghiệp thủy sản áp lực do thiếu đơn hàng. Ảnh: Công Thương

Nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ hải sản chính của Việt Nam đang chững lại khi nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, lạm phát đang ở vùng cao nhất nhiều thập kỷ, và tồn kho tại các nước nhập khẩu đang lớn.

Doanh số bán hàng trùng xuống khi người tiêu dùng ở nhiều nước thắt lưng buộc bụng để ứng phó với tình trạng vật giá leo thang. Ngoài ra, đồng nội tệ của Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục mất giá so với USD đã làm giảm sức mua của các thị trường trọng điểm này.

Ở trong nước, lượng tồn kho của các doanh nghiệp thủy sản cũng đang tăng, trong khi khâu bảo quản, lưu kho và hậu cần nói chung (logistics) vẫn là điểm yếu của nhiều công ty Việt.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, dẫn tới những khó khăn về tài chính khi tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng mạnh khiến cho chi phí đi vay cao và ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.
Chia sẻ tại Hội thảo "Ngành thuỷ sản 2023: Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết, trong bối cảnh khó khăn hiện nay việc cần làm của các doanh nghệp thuỷ sản là giảm thiểu hàng tồn kho, nợ ngân hàng và tăng cường tiết kiệm. 

Ngoài ra, việc tiết kiệm cũng cần được chú trọng, ngay cả những khoản nhỏ nhất. Mặc dù những khoản đó không lớn nhưng nó thể hiện được sự quyết tâm, tạo được nền tảng văn hoá doanh nghiệp và ý chí thống nhất. 

Đại diện Sao Ta chia sẻ thêm các giải pháp về chiều sâu giúp doanh nghiệp thuỷ sản vượt qua khó khăn giai đoạn hiện tại là áp dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất. Các công ty cần quan tâm nhiều hơn việc áp dụng công nghệ hoá, số hoá, các phần mềm quản trị. Trước mắt điều này sẽ tăng năng suất, giảm thiểu sự lệ thuộc lao động, giảm rủi ro về chất lượng thực phẩm. 

“Đây là những giải pháp dài hạn không chỉ Sao Ta mà các doanh nghiệp khác cũng cần thực hiện. Nếu doanh nghiệp chưa có đủ tiềm lực tài chính, ít nhất cũng phải có ấn tượng trọng đầu để từng bước thực hiện”, ông Lực nói.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho rằng những khó khăn của ngành thuỷ sản sẽ còn kéo dài cuối năm 2022 và đầu năm 2023. 

“Nói khó khăn ngành thuỷ sản kéo dài đến hết năm 2023 thì cũng không hẳn. Có thể bắt đầu từ quý I/2023, tình hình sẽ cải thiện hơn nếu tình hình tế thế giới tốt hơn”, ông Hoè nói. 

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp thuỷ sản cũng đang tính toán đến phương án cắt giảm chi phí hoạt động, bên cạnh việc chấp nhận bán rẻ để giảm thiểu hàng tồn kho.  

Nguồn: https://congly.vn/giai-bai-toan-cho-doanh-nghiep-thuy-san-thieu-don-hang-219163.html