19/01/2025 | 13:13 GMT+7, Hà Nội

Giá xăng thấp kỷ lục, cước vận tải giảm đến đâu?

Cập nhật lúc: 19/02/2016, 22:05

"Hiện giá xăng xuống còn hơn 13.700 đồng một lít mà tôi thấy vẫn chưa có điều chỉnh gì đáng kể. Có chăng mức giảm chỉ rất nhẹ chứ chưa có đột phá nào!" - đó là chia sẻ của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.

Lo cước vận tải không giảm

Theo tính toán của Bộ KH&ĐT mới đây, nếu giá xăng dầu trong nước giảm 10% sẽ giúp chi phí sản xuất của các doanh nghiệp giảm khoảng 0,57%, CPI giảm được 0,55% và GDP sẽ tăng được 0,91%. Theo các chuyên gia, với mức giảm giá xăng dầu trong nước được gần 30% như trong gần 4 tháng qua, tác động đối với nền kinh tế sẽ tương đối tốt nếu giá cả các mặt hàng cũng như cước vận tải giảm tương ứng.

Trao đổi với báo chí, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, việc giá nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu khi giảm giá mạnh sẽ kéo theo các mặt hàng khác giảm theo.

Tuy nhiên, thực tế việc giá cước vận tải cũng như các mặt hàng khác có giảm theo hay không lại là chuyện khác. Nếu giảm được sẽ giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế. “Việc giá cước vận tải và nhiều mặt hàng khác không giảm giá theo giá xăng dầu thể hiện sự bất lực trong quản lý của cơ quan chức năng. Trong đó, sự can thiệp của cơ quan nhà nước dường như đang thiếu công cụ để thực hiện một cách hiệu quả”, ông Ánh cho biết.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết, việc điều chỉnh giảm giá cước vận tải là hoạt động thường xuyên theo văn bản Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính. Vì thế, khi có bất kỳ biến động về thị trường xăng dầu, cơ quan chức năng cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ có đánh giá để đề ra phương án điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp.

Theo đánh giá của hiệp hội, khi giá xăng giảm xuống dưới 15.000 đồng mỗi lít, 2 loại hình cần cấp tốc giảm giá cước là taxi và xe chạy tuyến cố định. Riêng loại hình thứ hai cần giảm theo chu kỳ.

Ông Liên cho biết, trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt cũng như sức cạnh tranh khốc liệt về giá cước taxi, các đơn vị vận tải đã có một số điều chỉnh giá tương đối. Tuy nhiên, mức giảm chưa đáng kể.

“Tôi nhớ trong một cuộc họp thường kỳ, các anh kinh doanh taxi từng nói, khi nào giá xăng xuống 15.000 đồng mỗi lít, họ chắc chắn sẽ điều chỉnh giá cước xuống. Song, hiện giá xăng xuống còn hơn  13.700 đồng một lít mà tôi thấy vẫn chưa có điều chỉnh gì đáng kể. Có chăng mức giảm chỉ rất nhẹ chứ chưa có đột phá nào!”, ông Liên nói.

Ông cũng cho rằng, hiện giá cước taxi được dư luận quan tâm hơn cả. Do đó, việc các đơn vị taxi chậm trễ trong giảm giá cước là một thực tế mà nhiều người không đồng tình. Ông cũng chính là nạn nhân của giá cước taxi. Trước đây, ông khi đi từ cơ quan tới Sở GTVT chỉ trả có 72.000 đồng mà hiện giờ mất tới hơn 100.000 đồng.

"Đi 1 km, taxi mất có 1.200-1.500 đồng tiền xăng mà hãng thu tới 11.000 đồng là điều vô lý vô cùng! Giá cước của các hãng taxi hiện nay hoàn toàn không phù hợp với thu nhập của người dân", ông Liên nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, khi giá xăng giảm xuống thấp hơn cả 14.000 đồng một lít, các đơn vị kinh doanh vận tải buộc phải cân đối, điều chỉnh giá cước, càng sớm càng tốt.

Hiện nay, Nhà nước cần phải vận động các doanh nghiệp điều chỉnh lại giá cước, đặc biệt là giá cước taxi. Với bản thân các doanh nghiệp, khi giá cước cao hành khách sẽ dần không chấp nhận. Do đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng cần phải hỗ trợ khách hàng cũng như có ý kiến về vấn đề này.

Xăng giảm mạnh, lo cước vận tải không giảm.

Xăng giảm mạnh, lo cước vận tải không giảm. Ảnh minh họa.

Bộ GTVT yêu cầu giảm giá cước vận tải

Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết trưa ngày 19.2 ông đã ký công văn chỉ đạo các Sở GTVT và các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước vận tải, đặc biệt là các hãng taxi cho phù hợp với việc xăng giảm giá.

Trước đó, trong những lần thanh kiểm tra các bến xe trước và trong dịp Tết, thứ trưởng Thọ đã liên tục chất vấn và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các bến xe và các hãng vận tải, giá cướcvận tải hành khách theo tuyến mới chỉ giảm một lần trong tháng 1 và sau đó nhiều tuyến vận tải đường dài đã lại tăng giá do bổ sung phụ phí Tết.

Tới nay, việc áp dụng phụ phí đã được ngừng nhưng giá cước hiện gần như chưa thay đổi dù giá xăng liên tục giảm với tổng mức gần 1.700 đồng/lít chỉ trong tháng 2.

Còn tại Hà Nội, ngày hôm qua (18.2), ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã ký công văn về việc rà soát, kê khai lại giá cước vận tải bằng xe ôtô gửi các DN kinh doanh vận tải ôtô theo tuyến cố định, taxi, container trên địa bàn thành phố.

Theo đó, lãnh đạo Sở nhận định từ đầu năm 2016, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm và có tác động đến giá cước vận tải bằng xe ôtô, đặc biệt là xe kinh doanh vận tải taxi.

Sở yêu cầu các đơn vị này khẩn trương rà soát lại các chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu để thực hiện kê khai giảm giá cước bảo đảm phù hợp với tác động giảm của chi phí nhiên liệu tới giá cước vận tải so với thời điểm kê khai trước đó và thực hiện rà soát các mục chi phí theo quy định.

Từ đầu năm tới nay, các hãng taxi mới tiến hành giảm giá đồng loạt một lần vào đầu tháng 1 với mức từ 300-500 đồng/km./.

Theo quyết định của liên Bộ Công Thương-Tài chính, từ 15h ngày 18/2, giá bán lẻ xăng A92 trong nước giảm 961 đồng/lít, xăng sinh học E5 giảm 942 đồng/lít. Giá bán lẻ các mặt hàng dầu được giữ nguyên.

Với mức giảm này, giá bán lẻ mặt hàng xăng A95 và A92 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam xuống còn 14.450 đồng/lít và 13.750 đồng/lít. Xăng sinh học E5 xuống còn 13.320 đồng/lít trong khi dầu diesel loại 0,5S giữ ở mức 9.580 đồng/lít, dầu hỏa có giá 8.900 đồng/lít.

Đây là lần thứ 4 liên tiếp giá xăng được điều chỉnh giảm tính từ đầu năm 2016 đến nay. Còn nếu tính nửa cuối năm 2015 đến nay, giá xăng đã giảm 16 lần với mức giảm tổng cộng gần 7.000 đồng/lít và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009 đến nay.