20/01/2025 | 02:46 GMT+7, Hà Nội

Giá xăng dầu hôm nay 9/5: Ghi nhận tuần thứ 2 tăng giá liên tiếp

Cập nhật lúc: 09/05/2021, 08:23

Mặc cho những diễn biến căng thẳng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới, giá xăng dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thế giới vẫn giữ đà tăng nhẹ trong tuần giao dịch từ ngày 3/5.

Giá xăng dầu thế giới tuần qua

Giá xăng dầu hôm nay 9/5
Ảnh minh họa.

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 3/5 với triển vọng đầy lạc quan sau khi đã bật tăng hơn 6% trong tuần giao dịch trước đó, đặc biệt khi đà tăng đó có được nhờ một loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ, Trung Quốc, EU... liên tiếp được phát đi.

Tại Mỹ, trong tuyên bố phát đi sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày (27 – 28/4), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện nay với việc duy trì lãi suất cơ bản đồng USD gần như bằng 0 và tiếp tục triển khai chương trình mua trái phiếu với số lượng lớn nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. FED cũng đưa ra đánh giá đầy tích cực về triển vọng phục hồi kinh tế của Mỹ với việc các chỉ số hoạt động kinh tế và việc làm được cải thiện trong bối cảnh chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 và các kế hoạch phục hồi kinh tế được triển khai mạnh mẽ.

Theo một báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/4, nền kinh tế của nước này đã đạt mức tăng trưởng 6,4% trong quý I/2021 và là mức tăng trưởng cao nhất trong quý đầu tiên kể từ năm 1984. Kết quả này, theo báo cáo trên, kết quả tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ có được là nhờ quá trình đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và các chính sách hỗ trợ của chính phủ.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 3/5, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2021 đứng ở mức 63,64 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 6/2021 đứng ở mức 66,83 USD/thùng.

Giá dầu hôm thứ Hai (3/5) còn được hỗ trợ bởi đồng USD xuống thấp và giá vàng giảm mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc phòng chống dịch Covid-19 cũng là nhân tố tích cực hỗ trợ giá dầu đi lên.

Sang ngày tiếp theo 4/5, giá dầu tiếp tục nhích tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường dầu thô kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sẽ được cải thiện mạnh nhờ các nỗ lực hỗ trợ, kích thích kinh tế đang được chính phủ và ngân hàng trung ương các nước triển khai. Bên cạnh đó, số liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc và tỷ lệ tiêm vắc xin tại Mỹ cũng chỉ ra sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu tại hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Khoảng một phần ba người dân Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ, số liệu theo dõi virus Covid-19 của Reuters cho biết.

Tính đến đầu giờ sáng ngày 4/5 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2021 ghi nhận mức 64,59 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2021 đứng ở mức 67,69 USD/thùng trong phiên.

Mặc dù được hỗ trợ bởi đồng USD mất giá mạnh trước lo ngại lạm phát ở Mỹ gia tăng khi chính phủ nước này đang đẩy mạnh kế hoạch chi tiêu lên tới gần 6.000 tỷ USD, tuy nhiên, đà tăng của giá dầu ngày 4/5 vẫn tiếp tục bị hạn chế bởi diễn biến của dịch Covid-19 và OPEC+ bắt đầu kế hoạch tăng sản lượng khai thác từ tháng 5/2021. Theo đó, vào tuần trước, OPEC+ đã quyết định tuân theo kế hoạch tăng nhẹ nguồn cung từ ngày 1/5 và sản lượng của OPEC đã tăng trong tháng 4, dẫn đầu bởi sự thúc đẩy từ Iran, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy.

Vào đầu giờ sáng ngày 5/5 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2021 đứng ở mức 66,28 USD/thùng, tăng 2,78% tương ứng với 1,79 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2021 đứng ở mức 69,59 USD/thùng, tăng 3% tương ứng với 2,03 USD/thùng trong phiên.

Giá dầu ngày 5/5 tăng mạnh, vượt lên mức cao nhất hơn 1 năm trở lại đây khi mà bức tranh kinh tế toàn cầu tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực mới.

Dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy, trong một tuần qua, Mỹ ghi nhận 669 ca tử vong mỗi ngày, giảm 5 lần so với mức trung bình hơn 3.000 ca, con số đỉnh điểm ghi nhận trong khoảng thời gian từ ngày 8/1 đến 6/2. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hơn 105,5 triệu người Mỹ đã hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, với hơn 40% người trưởng thành và gần 70% người cao tuổi. Trước đó, thị trường dầu thô cũng đã ghi nhận một loạt thông tin tích cực từ các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU…

Thực tế ghi nhận vào đầu giờ sáng 6/5, giá dầu thế giới đã có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2021 đứng ở mức 65,34 USD/thùng, giảm 0,44% tương ứng với 0,29 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm phiên giao dịch ngày 5/5, giá dầu WTI giao tháng 6/2021 đã giảm tới 0,94 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2021 đứng ở mức 68,85 USD/thùng, tăng 0,29% tương ứng với 0,20 USD/thùng trong phiên, nhưng đã giảm tới 0,74 USD so với cùng thời điểm ngày 5/5.

Giá dầu ngày 6/5 giảm mạnh chủ yếu do lo ngại dịch Covid-19 tác động ngày càng lớn đến các hoạt động kinh tế, đặc biệt khi các dự báo đều cho rằng cao điểm của dịch bệnh sẽ diễn ra trong vài tháng tới.

Ấn Độ, nhà tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, đang phải chống chọi với sự gia tăng chóng mặt của các ca mắc Covid-19 mới. Mặc dù nhập khẩu dầu của nước này trong tháng 3 đã tăng so với tháng trước, được thúc đẩy bởi hoạt động kinh tế đi lên, nhưng dự kiến ​​sẽ giảm trở lại do các đợt phong tỏa được tái áp dụng.

Giá dầu thế giới chỉ lấy lại được đà tăng vào ngày 7/5 và 8/5 sau khi thị trường dầu thô ghi nhận thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm mạnh.

Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần tính đến ngày 30/4, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 8 triệu thùng, xuống còn 485,1 triệu thùng, vượt xa con số dự đoán giảm 2,3 triệu thùng được đưa ra trong một cuộc khảo sát của Reuters đưa ra trước đó.

Theo EIA, sự sụt giảm này là do sản lượng lọc dầu và xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu của Mỹ tăng mạnh.

Khép tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2021 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 64,84 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 7/2021 đứng ở mức 68,23 USD/thùng.

Mặc dù vẫn duy trì được đà tăng trong tuần giao dịch từ ngày 3/5 nhưng có thể thấy, đà tăng của giá dầu thế giới tuần qua không ổn định, thiếu tính bền vững và vẫn đang bị chi phối nhiều bởi diễn biến của dịch Covid-19. Bức tranh kinh tế toàn cầu đã thêm một vài điểm sáng sau loạt dữ liệu kinh tế được công bố cuối tuần trước là tác nhân chính tạo ra tâm lý lạc quan cho thị trường dầu thô, qua đó giúp giá dầu đi lên.

Cũng chính bởi những lý do trên, giá dầu ngày 9/5 ghi nhận nhận định giá dầu thế giới trong tuần giao dịch mới từ ngày 10/5 sẽ hết sức khó khăn, đặc biệt sau dữ liệu việc làm mới trong tháng 4/2021 vừa được Mỹ công bố chỉ đạt 266.000 việc làm, thấp hơn nhiều con số kỳ vọng gần 1 triệu được đưa ra trước đó.

Và đáng ngại hơn, theo nhận định của nhiều chuyên gia, diễn biến tiêu cực của dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng bởi những quốc gia đang có dịch bệnh hoành hành đều là những nước nghèo, có thu nhập trung bình, cơ sở y tế hạn chế… Điều đó là tác nhân cản trở đà tăng của giá dầu trên thị trường thế giới.

Giá xăng dầu trong nước tuần qua

Tại thị trường trong nước, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 17.988 đồng/lít; giá xăng RON 95 có giá tối đa là 19.161 đồng/lít; giá dầu diesel có giá tối đa là 14.328 đồng/lít, giá dầu hỏa có giá tối đa là 13.259 đồng/lít, giá dầu dầu mazut có giá tối đa là 14.023 đồng/kg. 
Tuần vừa qua, nước ta đã ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới trong đó có số lượng lớn ca nhiễm trong cộng đồng. Mặc dù đã ban hành các lệnh hạn chế và phong tỏa tại một số địa phương và điều này có thể ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn luôn giữ ở mức ổn định trong suốt tuần vừa qua và không có dấu hiệu biến đổi.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/gia-xang-dau-hom-nay-9-5-ghi-nhan-tuan-thu-2-tang-gia--20201231000001983.html