22/11/2024 | 06:34 GMT+7, Hà Nội

Giá thịt lợn trong nước cao, người nội trợ chuyển hướng dùng hàng ngoại nhập

Cập nhật lúc: 11/05/2020, 16:26

Trong bối cảnh giá thịt lợn trong nước vẫn ở ngưỡng cao, nhiều gia đình lựa chọn thịt lợn nhập khẩu là giải pháp tình thế cho bữa cơm hàng ngày...

Giá thịt lợn trong nước vẫn ở ngưỡng cao. Ảnh: Bảo Loan

Thịt nạc nọng xấp xỉ 410.000 đồng/kg

Mặc dù vấn đề thịt lợn được Chính phủ quan tâm và có những chỉ đạo rất "sát sườn" nhưng theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, giá thịt lợn trong nước vẫn đang ở ngưỡng rất cao. Đặc biệt là thịt lợn được phân phối tại các siêu thị, hệ thống siêu thị. Đơn cử như thịt lợn được phân phối bởi nhãn hiệu Meat Deli. Tại khu vực phía Bắc, Meat Deli có giá từ 136.000 - 410.690 đồng/kg. Một số mặt hàng luôn giữ ở mức hơn 200.000 đồng/kg như: Móng giò 220.990 đồng/kg, đuôi lợn 240.390 đồng/kg, sụn 300.990 đồng/kg, thăn sườn 280.990 đồng/kg, ba chỉ 270.490 đồng/kg và nạc nọng lợn luôn giữ mức giá cao nhất, 410.690 đồng/kg.

Tại các chợ truyền thống trên địa bàn Thủ đô, giá thịt lợn sấn các loại cũng dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg tùy loại. Giá giò lợn, chả lợn cũng ở mức khá cao, dao động từ 195.000 - 210.000 đồng/kg.

Lý giải về mức giá thịt lợn trong nước ở ngưỡng cao, đại diện Bộ Công thương cho biết do nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố tác động. Đầu tiên là thói quen của người tiêu dùng. Mặc dù giá thịt gia cầm đang rất rẻ nhưng người dân vẫn lựa chọn thịt lợn. Có thể nói, người tiêu dùng chấp nhận mức giá bị đội lên khi đã qua các khâu trung gian. Thứ hai, do quy luật cung cầu, mà ở đây là nguồn cung thiếu. Thứ ba, giá thức ăn chăn nuôi và các loại chi phí cho phòng dịch lại tăng cao. Trong khi đó, việc tái đàn để bổ sung nguồn cung cho thị trường vẫn chưa được như ý, do nhiều địa phương vẫn chưa công bố hết dịch tả lợn châu Phi.

Bộ Công thương thừa nhận, giá thịt lợn ở ngưỡng cao không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, mà xét ở mặt vĩ mô còn ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng trong nước và thậm chí là cả việc cân đối nền kinh tế nói chung.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con năm 2018), tăng trưởng bình quân 5,78%/tháng.

Hiện nay, đàn nái cả nước đạt gần 2,86 triệu con, tăng gần 5% so với tháng 12/2019, đạt 98% so với kế hoạch quý 2/2020. Ngoài ra, cả nước có 64.042 con lợn đực giống, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái. Riêng tại Hà Nội, tổng đàn lợn trên toàn địa bàn thành phố có gần 1,2 triệu con.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam đã phục hồi được khoảng 80,3% tổng đàn lợn so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Trong tháng 5/2020, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025" để hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh công tác tái đàn. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành liên quan để có chính sách về tiền vay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng, tái đàn, tiến tới ổn định nguồn cung cho thị trường thịt lợn.

Người dân dần chấp nhận thịt lợn nhập khẩu

Giá thịt lợn tăng quá cao khiến người tiêu dùng lo lắng.

Trong bối cảnh giá thịt lợn trong nước không "hạ nhiệt", nhiều người dân lựa chọn thịt nhập khẩu để đảm bảo dinh dưỡng trong bữa cơm gia đình. Chị Trần Thị Thuận (34 tuổi, ở La Dương, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Trong thời gian đầu của dịch COVID-19, giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao, tôi cũng thay thế thịt lợn bằng các nguồn thực phẩm tươi sống khác như thịt gà, vịt, ngan, thủy hải sản. Những mặt hàng này có giá rất hợp túi tiền và giá không tăng vọt như thịt lợn. Tuy nhiên, khi tiếp cận những thông tin về thịt lợn nhập khẩu và sử dụng thử, tôi dần chấp nhận thịt lợn nhập khẩu là một giải pháp thay thế thịt lợn trong nước".

Theo chị Thuận, thịt lợn nhập khẩu có giá rẻ một nửa so với giá thịt lợn trong nước. Trong khi đó, chất lượng không hề thua kém thịt lợn trong nước.

Bà Nguyễn Thị Thủy (41 tuổi, chủ một quán ăn ở Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng lựa chọn thịt lợn nhập khẩu để chế biến các món ăn, phục vụ khách hàng. Bà Thủy cho biết: "Giá thịt lợn trong nước quá đắt. Trong khi đó, tôi cũng nghe giới thiệu về thịt lợn nhập khẩu. Sau khi dùng thử thì tôi thấy chất lượng rất ổn mà giá cả lại hợp với túi tiền người kinh doanh. Vì vậy, tôi lựa chọn luôn thịt lợn nhập khẩu để phục vụ cho khách".

Theo bà Huỳnh Thị Lệ Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tý Tuyết, mặt hàng thịt lợn chủ yếu được nhập khẩu từ Nga, thông qua một đại lý lớn tại TPHCM. Trước kia, thịt lợn nhập khẩu chủ yếu được phân phối tại các bếp ăn khu công nghiệp, nơi có lượng suất ăn lớn. Tuy nhiên, gần đây, do giá thịt lợn trong nước ở ngưỡng cao mà người dân phải căn cơ chi tiêu do dịch COVID-19 nên lượng thịt lợn nhập khẩu đến với người tiêu dùng mua trực tiếp đã tăng hơn 50%, so với thời điểm trước dịch.

Bà Tuyết cho biết, ban đầu, người tiêu dùng vẫn rất dè chừng với thịt lợn nhập khẩu nhưng sau khi dùng thử, nhiều người tiêu dùng đã cởi mở hơn và tiếp tục sử dụng để chế biến các món ăn gia đình.