22/11/2024 | 04:33 GMT+7, Hà Nội

Giá thành sách giáo khoa chương trình mới phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Cập nhật lúc: 25/09/2019, 08:27

PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - với nhiều năm làm công tác thẩm định sách cho biết, SGK giá thành ra sao, có tăng giá hay không...

PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - với nhiều năm làm công tác thẩm định sách cho biết, SGK giá thành ra sao, có tăng giá hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Hiện tại, Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới đã hoàn thành vòng 1 của thẩm định, trong 5 bộ SGK được 3 nhà xuất bản gửi đến thẩm định đáng chú ý có bộ sách Giáo dục công nghệ do GS. Hồ Ngọc Đại làm chủ biên đã không qua được vòng loại và đồng nghĩa với việc sẽ không được áp dụng vào năm học tới.

Trong khi còn nhiều tranh luận trọng việc bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại không đạt, nhiều phụ huynh cũng như dư luận xã hội quan tâm đó là bộ sách mới có thực sự đáp ứng được các tiêu chí đã đề ra? Có giảm lãng phí? Chất lượng sách, giá thành có phù hợp với mức chi trả của phụ huynh hiện nay?

Theo TS. Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một bộ SGK phổ thông tốt phải đáp ứng được đủ các yêu cầu như phải thể hiện đúng chương trình; có chất lượng tốt, hình thức thể hiện tốt; sách dễ sử dụng với cả người dạy, người học, phụ huynh học sinh; giá thành phù hợp với mức độ chi tiêu của đại đa số gia đình học sinh.

Cũng theo TS. Phạm Tất Thắng, khi thực hiện một chương trình nhiều SGK thì cũng đã nhằm đến việc xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách. Điều này còn thể hiện ở việc nâng cao sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xuất bản, nhóm tác giả, làm sao để có bộ sách vừa có chất lượng tốt nhưng cũng có giá thành phù hợp.

Phác thảo bộ SGK chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT công bố.

Hiện tại, vẫn chưa biết bộ sách nào được lựa chọn để áp dụng trong chương trình mới, được triển khai vào năm 2020 ở lớp 1, tuy nhiên TS. Phạm Tất Thắng cho rằng: "SGK là một mặt hàng đặc biệt liên quan đến quyền của người dân, của trẻ em, vì vậy Nhà nước sẽ có sự kiểm soát về giá sách giáo khoa. Tôi tin rằng, Nhà nước sẽ có biện pháp để kiểm soát giá SGK cho hài hoà lợi ích giữa nhà xuất bản và quyền lợi của người dân".

Cho rằng ngoài yếu tố chất lượng, giá thành SGK cũng là một yếu tố quan trọng, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam với nhiều năm làm công tác thẩm định sách cho biết, SGK giá thành ra sao, có tăng giá hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn chỉ trong vòng một tháng, giấy, công in… có giá thành khác cũng ảnh hưởng tới giá của SGK. Mỗi bộ SGK đều có giá cả khác nhau tùy vào độ dày mỏng, chất lượng, giá có thể cao hơn sách khác do có nhiều tranh ảnh in màu...

Theo PGS Phạm Văn Tình, một bộ SGK ở thành thị không phải là vấn đề lớn, song với khu vực nông thôn đây lại là khoản tiền không nhỏ. Thị trường SGK có nhiều yếu tố cạnh tranh, phụ thuộc vào nhiều yếu tố để hình thành giá, vì thế Nhà nước cần lưu ý hỗ trợ đầu tư. Nhà xuất bản không thể chịu thua lỗ, vì thế cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để giá bán phù hợp, ổn định đối với phụ huynh.

Những năm gần đây, câu chuyện về chất lượng của SGK, giá thành, đặc biệt là nhiều phụ huynh phàn nàn về tình trạng khan hiếm SGK vào đầu năm học đã từng xảy ra. Trong đó, SGK có phần viết, tô vào khiến học sinh chỉ dùng một năm là vứt đi, không dùng lại được nữa...

Với góc độ cơ quan quản lý, TS. Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Bộ GD&ĐT xác định rõ trách nhiệm của mình, trong đó trước hết là khâu thẩm định và các vấn đề liên quan tới SGK phổ thông, còn về quản lý giá là thuộc về Bộ Tài chính. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát để đảm bảo quyền lợi của người học".