22/11/2024 | 05:05 GMT+7, Hà Nội

Giá gạo hạ nhiệt, xuất khẩu vẫn kỳ vọng tạo đột phá

Cập nhật lúc: 01/03/2024, 16:08

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá gạo xuất khẩu của nước ta đột ngột giảm mạnh. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo năm 2024 vẫn lạc quan khi nhu cầu thế giới tăng nhưng nguồn cung không tăng nhiều.

Giá gạo xuất khẩu đột ngột giảm mạnh

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá gạo xuất khẩu của nước ta đột ngột giảm mạnh. Hiện giá gạo 25% tấm ở mức 584 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 609 USD/tấn; gạo 100% tấm ổn định ở mức 508 USD/tấn.

Với mức giá giao dịch trên Việt Nam hiện đã mất ngôi vương giá gạo xuất khẩu cao nhất thế giới vào tay gạo Pakistan, khi gạo 5% tấm nước này đang được chào bán ở mức 612 USD/tấn. Gạo cùng loại của Thái Lan dù cũng giảm 3 USD/tấn nhưng vẫn giữ được giá bán cao hơn Việt Nam, ở mức 611 USD/tấn.

Giá gạo hạ nhiệt xuất khẩu vẫn kỳ vọng tạo đột phá

Với gạo 100% tấm, gạo Việt Nam giữ ổn định giá ở mức 508 USD/tấn trong khi gạo Thái Lan tăng mạnh 19 USD/tấn lên mức 483 USD/tấn, gạo Pakistan tăng 1 USD/tấn lên mức 465 USD/tấn.

Nguyên nhân giá gạo giảm được các doanh nghiệp cho biết do nhu cầu từ khách hàng lớn Indonesia đã giảm. Nước này chuẩn bị bước vào tháng Ramadan và trước đó đã "chốt" được gói thầu 500.000 tấn vào cuối tháng 1 chủ yếu với Việt Nam và gần đây là khoảng 230.000 tấn với Thái Lan. Nhờ vậy, khách hàng lớn này đã nâng tổng nguồn cung gạo cho người dân đảm bảo đến hết tháng 4.

Cùng với đó, hiện nguồn cung trên thị trường cũng dồi dào hơn do Việt Nam VÀ một số nước đang bước vào vụ thu hoạch lúa mới. Các doanh nghiệp nhận định xu thế giảm của giá gạo sẽ không kéo dài do những doanh nghiệp có đủ điều kiện tài chính sẽ nhập hàng, sau đó bán ra khi hết mùa thu hoạch.

Các dự báo trước đó cũng cho thấy, giá gạo xuất khẩu sẽ còn biến động theo chiều hướng tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Trong khi nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines gia tăng sẽ tác động làm tăng giá gạo xuất khẩu.

Thị trường trong nước, tại vựa lúa gạo ĐBSCL, giá lúa gạo tiếp đà giảm, giao dịch mua bán chậm lại. Một số thương lái trước đó cọc lúa giá cao, nay giá giảm về mức thấp đã chấp nhận bỏ cọc do sợ thua lỗ nếu tiếp tục mua vào.

Lý giải nguyên nhân giá giá gạo xuất khẩu bất ngờ giảm mạnh, một số doanh nghiệp xuất khẩu cho hay, đã vào chính vụ thu hoạch năm 2024 nên nguồn cung dồi dào, dẫn tới việc các nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng và mong muốn giá có thể giảm sâu hơn.

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nguồn cung lúa gạo của các nước xuất khẩu khác ở khu vực Châu Á cũng tăng lên. Song, các doanh nghiệp cũng nhận định xu thế giảm của giá gạo sẽ không kéo dài. Bởi, những doanh nghiệp có đủ điều kiện tài chính sẽ nhập hàng, sau đó bán ra khi hết mùa thu hoạch.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu gạo nửa đầu tháng 2 (từ ngày 1/2 – 15/2) đạt 150.944 tấn, trị giá 104,33 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2, xuất khẩu gạo đạt 663.209 tấn, trị giá 466,6 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 703,5 USD/tấn.

So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đã tăng 14,4% (tăng hơn 83.000 tấn); trong khi đó, trị giá xuất khẩu tăng tới 53% (tăng gần 161 triệu USD). Mức giá xuất khẩu gạo bình quân 703,5 USD/tấn, tăng tới 33,65% so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn).

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), do ảnh hưởng của El Nino, diện tích lúa cho thu hoạch của Indonesia niên vụ vừa qua đã giảm mạnh do nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thông tin từ Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cũng cho hay, diện tích lúa thu hoạch trong năm 2022/2023 của Indonesia đã giảm 2,58%, từ mức 10,46 triệu hecta giảm xuống còn 10,19 triệu hecta trong niên vụ trước. Sản lượng gạo của Indonesia trong 2 tháng đầu của năm 2024 dự báo giảm mạnh tới trên 46% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt khoảng 2,25 triệu tấn.

USDA đã đưa ra dự báo, năm 2024, Trung Quốc dự kiến nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo. Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo. Tại Trung Đông, Iraq dự kiến sẽ nhập khẩu 1,9 triệu tấn trong năm 2024...

Còn theo Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương), khu vực Châu Phi cận Sahara tiếp tục là khu vực nhập khẩu lớn nhất thế giới và được dự báo sẽ nhập khẩu hơn 17 triệu tấn trong năm 2024, tăng 600.000 tấn so với năm 2023.

Các thương nhân ngành lúa gạo cho rằng, nhu cầu thế giới tăng, nguồn cung không tăng nhiều sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Về triển vọng của xuất khẩu gạo, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, dù diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu hecta, sản lượng lúa thu hoạch trong năm đạt trên 43 triệu tấn. Việt Nam vẫn đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.

Trước đó, năm 2023 đã ghi nhận những con số kỷ lục về xuất khẩu gạo. Cụ thể, năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu đạt 8,1 triệu tấn, tăng 14,4% và kim ngạch đạt 4,68 tỷ USD, tăng 35,3% so với năm trước.

ASEAN là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023, chiếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước với 4,9 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước. Ngoài ra, gạo Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khác như: Trung Quốc đạt 917 nghìn tấn, tăng 8%; Ghana đạt 587 nghìn tấn, tăng 32,9%...

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/gia-gao-ha-nhiet-xuat-khau-van-ky-vong-tao-dot-pha-117369.html