22/11/2024 | 22:41 GMT+7, Hà Nội

Người đi thuê nhà còng lưng gánh giá điện cao

Cập nhật lúc: 17/07/2018, 06:44

Vốn đã khó khăn về kinh tế, những người đi thuê trọ lại còn phải gánh chịu nghịch lý giá điện cao, giá nước cao, ngay cả phí vệ sinh, dịch vụ,... cũng luôn ở mức cao hơn so với các hộ gia đình "chính chủ".

Ngoài tiền phòng hàng tháng, những người đi thuê trọ còn phải đối mặt với hàng loạt chi phí sinh hoạt như tiền điện, tiền nước, phí vệ sinh, phí dịch vụ,... luôn ở mức giá cao hơn nhiều lần so với những hộ gia đình khác. Trong đó, tiền điện luôn chiếm tới 89-90% chi phí và nhiều khi là "cơn ác mộng" của những người đi thuê. 

Quy định một đằng, thực hiện một nẻo

Theo quy định tại Điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương, trong trường hợp khách thuê trọ không đủ điều kiện đăng ký hợp đồng mua bán điện riêng mà để chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện chung cho cả khu nhà trọ thì sẽ được cấp định mức hoặc áp 1 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ).

Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 - 200 kWh: 1.858 đồng/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.

Theo quy định này, chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do EVN hoặc các công ty thành viên phát hành và được cộng thêm tối đa 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và điện bơm nước dùng chung.

Như vậy, với mức giá bậc 3 là 1.858 đồng/kWh, nếu tính cả 10% thuế VAT và 10% tổn thất điện năng thì giá điện mà người thuê nhà phải đóng sẽ không cao hơn 2.300 đồng/kWh.  

Kể cả trong trường hợp chủ nhà trọ không đăng ký điện dùng cho khu nhà thuê mà dùng theo hình thức điện sinh hoạt hộ gia đình thì cũng không cao hơn mức 2.701 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tức là mức bậc thang cao nhất theo biểu giá chính thức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Biểu giá điện sinh hoạt của EVN quy định mức cao nhất là 2.701 đồng/kWh, bằng khoảng một nửa so với mức giá điện tại các khu nhà trọ hiện nay.

Biểu giá điện sinh hoạt của EVN quy định mức cao nhất là 2.701 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với mức giá tại các khu nhà trọ hiện nay.

Như vậy, nếu bao gồm 10% VAT thì giá bán lẻ điện cũng chưa đến 3.000 đồng/kWh. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại các nhà trọ, khu trọ, những vị chủ nhà ở đây thường thu tiền điện của người đi thuê với mức giá khá cao từ 4.000 – 5.000 đồng/kwh.

Giá điện cao bất thường ở các khu nhà trọ

Anh Đ.L, một người thuê nhà tại đường Tôn Thất Tùng (Hà Nội) cho biết, tòa nhà anh đang ở có khoảng 24 căn hộ cho thuê. Hàng tháng tất cả các phòng đều phải đóng tiền điện với giá 3.850 đồng/kwh.

Căn phòng của anh Đ.L thuê nằm trong tòa nhà này

Tòa nhà anh Đ.L đang đi thuê.

"Tôi hiện đang phải đóng tiền điện mới mức giá 3.500 đồng/kwh, nếu tình thêm cả thuế GTGT là 10% nữa thì phải lên đến gần 4.000 đồng/kWh", anh L. chia sẻ.

Hóa đơn tiền điện với mức giá là 3.500 đồng/kwh và cộng thêm 10% thuế GTGT

Hóa đơn tiền điện tháng 6 của anh Đ.L.

Một khu nhà trọ khác trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy từ lâu đã thu giá điện ở mức 4.500 đồng/kWh đối với người thuê trọ, cao hơn 50% so với mức giá trần mà EVN công bố. 

Hợp đồng thuê nhà ghi rõ giá điện mà người thuê trọ phải trả là 4.500 đồng/số.

Hợp đồng thuê nhà ghi rõ giá điện mà người thuê trọ phải trả là 4.500 đồng/số.

Tình trạng "chặt chém", tận thu này cũng diễn ra phổ biến ở nhiều khu nhà trọ khác từ Nam ra Bắc. Cá biệt, có nhà trọ tại Hà Nội còn thu đến 5.500 đồng/kWh khi sử dụng trên 300 kWh điện một tháng. 

Cũng theo các quy định hiện hành, trong trường hợp chủ nhà trọ thu tiền điện ở mức cao hơn so với biểu giá chính thức sẽ bị xử phạt từ 7-10 triệu đồng. 

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, dù tình trạng thu tiền điện giá cao đối với người đi thuê trọ đã diễn ra từ lâu và khá phổ biến nhưng không rõ EVN đã xử lý được bao nhiêu trường hợp để đảm bảo công bằng cho người đi thuê nhà.