19/01/2025 | 02:32 GMT+7, Hà Nội

Giá điện tăng theo hình thức “tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi”

Cập nhật lúc: 30/05/2019, 19:00

Theo ĐBQH, từ thủa khai sinh ra giá điện nước nhà thì giá điện luôn tuân theo một quy trình bất biến là tăng rồi tăng nữa, tăng mãi.

Người dân ủng hộ tinh thần chung về giá điện nhưng điều người dân cần là công khai, minh bạch.

Liên quan đến vấn đề giá điện tăng lên 8,36% ngày 20/3/2019 vừa qua gây xôn xao dư luận, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cho biết: “Bộ Công thương có tờ trình về giá điện, giá xăng, rất nhiều con số lập luận là Bộ làm đúng. Nhưng lấy ví dụ chính bản thân tôi là bác sĩ, khi khám bệnh phác đồ là đúng mà bệnh nhân không tốt lên thì tôi vẫn phải xem xét lại quy trình, phương pháp là đúng nhưng khi triển khai lại sai mắt xích nào đấy”.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, khi rất nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công thương cần xem xét, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát. Trong thời gian qua, thông tin điều hành giá điện, giá xăng dầu tăng, phải chăng nguồn gốc sâu xa là do sự độc quyền của ngành điện trong việc mua bán truyền tải điện.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang). Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang). Ảnh: Quochoi.vn.
 

Nêu quan điểm về vấn đề tăng giá điện, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng: “Từ thủa khai sinh ra giá điện nước nhà thì giá điện luôn tuân theo một quy trình bất biến là tăng rồi tăng nữa, tăng mãi. Người dân ủng hộ tinh thần chung về giá điện nhưng điều người dân cần là công khai, minh bạch”.

Theo đại biểu Cương, kỳ tăng giá điện vừa qua có rất nhiều mập mờ, cần làm rõ, khi số tiền điện phải trả cho “nhà đèn” tháng đầu tiên từ lúc tăng giá điện nhiều gấp đôi, gấp ba.

Giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ phải được lấy làm gốc và căn cứ vào đó thì dù có 6 bậc hay trăm bậc đi chăng nữa thì giá bán lẻ điện bình quân được chấp hành và không thay đổi. Những chuyên gia cho rằng, việc tính bậc của EVN bao gồm cả nguyên tắc và phương thức tính cụ thể thì giá bán lẻ điện bình quân chưa đúng với quyết định của Chính phủ, bên có lợi đương nhiên là doanh nghiệp.

“Trong buổi tiếp xúc cử tri tiếp kỳ họp, có cử tri đã nói khiến tôi rất suy nghĩ, trăn trở. Mọi người cứ nói đất nước phát triển, đời sống của người dân của người dân tăng cao mức tiêu thụ điện vẫn ở mức cũ, tối thiểu ở mức 100-150kw/h, nó chỉ phù hợp với những hộ nghèo ở những vùng khó khăn. Người dân ủng hộ việc tiết kiệm điện, nhưng nó phải phù hợp với thực tế, chứ không phải tiết kiệm bằng mọi giá”, đại biểu đoàn An Giang cho hay.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng băn khoăn về việc phía EVN tăng giá điện vào mùa nắng: “Không phải ngẫu nhiên chọn thời điểm chuyển mùa để bắt đầu tăng giá điện. Cứ tăng rồi lại đổ cho thời tiết là hợp lý nhất. EVN và cơ quan quản lý giá điện cứ so sánh giá điện rồi bảo Việt Nam thấp nhưng tôi cho rằng mới chỉ so sánh đầu ra mà không so sánh đầu vào. Chưa kể EVN được ưu đãi đủ thứ, chưa tính tới chuyện thất thoát điện năng do quản lý và kỹ thuật”.

Cuối cùng, đại biểu lấy ví dụ, ở một số nước, nắng nóng thì họ giảm giá điện cho người dân thì chẳng thấy ai so sánh cả. Cứ rao giảng tăng giá điện thì các bên đều được lợi, nhưng người dân chưa thấy “được lợi mà răng đã chẳng còn”.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/gia-dien-tang-theo-hinh-thuc-tang-roi-tang-nua-va-tang-mai-20190530102634129.htm