Facebook lại thể hiện mình là "anh chàng họ Hứa"
Cập nhật lúc: 22/08/2019, 02:00
Cập nhật lúc: 22/08/2019, 02:00
Mark Zuckerberg tuyên bố trong một sự kiện gần đây: "Tương lai là sự riêng tư", Tuy nhiên, nói lại khác với làm! Ảnh: Getty.
Báo cáo từ Bloomberg cho biết, Facebook đã trả tiền cho hàng trăm đối tác để họ chuyển các đoạn trò chuyện bằng âm thanh thành văn bản. Các đối tác này không biết các đoạn thoại này là gì, từ đâu tới, điều duy nhất họ biết là cần phải chuyển chúng thành dạng văn bản. Cuối cùng, họ phát hiện đó chính là những đoạn tin nhắn thoại của Facebook.
Facebook thừa nhận rằng họ đã ghi âm lại nội dung các cuộc nói chuyện của người dùng và cho biết sẽ không tiếp tục làm như thế nữa. "Giống như Apple và Google, hơn một tuần nay, chúng tôi cũng đã dừng việc ghi âm các đoạn hội thoại của người dùng", Facebook cho hay. Cùng thời điểm này, cổ phiếu của ông trùm mạng xã hội giảm 1.3% trong phiên giao dịch sáng tại sàn chứng khoán New York.
Facebook nói việc này nhằm "đào tạo" AI.
Người dùng Messenger (ứng dụng nhắn tin của Facebook) chỉ biết khi sử dụng tính năng gửi tin nhắn thoại thì họ không cần phải gõ văn bản. Tuy nhiên, Facebook chưa bao giờ nói cho người dùng biết rằng đoạn hội thoại của họ sẽ được người khác nghe. Những đối tác của Facebook sẽ chuyển đoạn thoại thành văn bản, nhằm làm tăng độ chính xác của công cụ chuyển ngữ.
"Facebook hết lần này đến lần khác cho thấy sự thiếu tôn trọng quyền riêng tư của người dùng. Mặc dù tôi hiểu họ có thể sử dụng nhân công để đánh giá lại tính năng chuyển văn bản, họ cần phải làm rõ điều này với người dùng",- Sean Wright nhà nghiên cứu bảo mật nhận định.
Google, Apple, Microsoft hay Amazon cũng... như thế
Tháng 4 vừa qua, Amazon cũng bị phát hiện để cho hàng nghìn nhân viên trên toàn cầu nghe các cuộc hội thoại của người dùng với loa thông minh thông qua trợ lý ảo Alexa. Amazon nói rằng họ sẽ bổ sung tính năng cho phép người dùng có thể từ chối việc ghi âm các cuộc hội thoại trên Alexa.
Amazon cũng bị phát hiện "nghe lén" người dùng.
Sau đó, Apple và Google cũng bị chỉ trích vì làm điều tương tự với các trợ lý ảo Siri và Google Assistant. Sau những chỉ trích này, Google và Apple đều tuyên bố sẽ ngừng nghe lén người dùng.
Đầu tháng 8, Motherboard tiết lộ Microsoft cũng thuê đối tác để nghe cuộc gọi Skype của người dùng.
Từ năm 2015, Messenger đã cung cấp tính năng để biên dịch các đoạn ghi âm thành văn bản – Voice to Text, cho dù mặc định nó được tắt. Facebook tuyên bố rằng chỉ những người chọn bật tính năng này mới có các đoạn hội thoại ghi âm được các nhà thầu bên thứ ba đánh giá. Họ ghi âm lại cuộc nói chuyện trên Messenger, và với mục đích để huấn luyện AI.
Tuy nhiên, chỉ cần một người trong nhóm chat của bạn đồng ý cho Facebook biên dịch đoạn hội thoại, bất kỳ đoạn âm thanh nào trong luồng chat đó cũng sẽ được biên dịch, cho dù ai là người gửi chúng lên đi nữa.
TaskUs, có trụ sở ở Santa Monica, California.
Đến thời điểm hiện tại, Bloomberg phát hiện ra ít nhất một đối tác là công ty TaskUs, có trụ sở ở Santa Monica, California đang hợp tác cùng Facebook trong việc khai thác các đoạn ghi âm trên.
Nhân viên của TaskUs không được phép tiết lộ đang làm việc cho ai, họ chỉ gọi khách hàng bằng tên mã “Prism”. Ngoài ra, Taskup còn chịu trách nhiệm xem xét nội dung vi phạm chính sách của Facebook. Một số nhóm trong công ty chuyên sàng lọc quảng quảng cáo tranh cử, chính trị cho mạng xã hội này.
Chính sách dữ liệu của Facebook đã được thay đổi vào năm ngoái để người dùng có thể hiểu rõ hơn, và trong đó có cả phần âm thanh. Tuy nhiên, Facebook cũng cho biết hãng sẽ thu thập các thông tin của người dùng chia sẻ, thông tin liên lạc ngay cả khi người dùng nhắn tin và liên lạc với người khác.
Facebook vừa phải đóng phạt 5 tỉ USD vì sử dụng sai mục đích dữ liệu người dùng ở Mỹ. Trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hồi năm ngoái, CEO Facebook Mark Zuckerberg khẳng định công ty này không "nghe lén" người dùng. Tuy nhiên, sau đó, trong văn bản gửi cho quốc hội, công ty lại thừa nhận có thu thập nội dung những cuộc trao đổi nhưng chỉ khi người dùng cho phép và không nói rõ sẽ làm gì với số dữ liệu này.
Niềm tin của người dùng liên tục bị thử thách.
Lần này, niềm tin của người dùng đối với Facebook lại một lần nữa bị thử thách. Người dùng Facebook đều nên nhận thức rằng những cuộc trò chuyện riêng tư của chúng ta trên Messenger không mấy an toàn.
"Trước đây, Facebook thừa nhận họ quét các nội dung trong Messenger như văn bản, hình ảnh và đường dẫn vì nhiều lý do khác nhau. Do vậy, việc họ chuyển ngữ nội dung video hay thoại cũng chỉ là một hành động thêm vào những gì họ đang làm",- Jake Moore, chuyên gia bảo mật tại ESET nói.
Đâu phải dễ để từ bỏ một thói quen, dù biết nó xấu?
Việc nghe lén những đoạn tin nhắn thoại của người dùng chắc chắn sẽ gặp những khó khăn liên quan đến những dự luật liên quan đến quyền riêng tư cá nhân của người dùng. Uỷ ban bảo vệ dữ liệu Alien, đứng đầu trong việc giám sát Facebook ở châu Âu, cho biết họ đang kiểm tra hoạt động của công ty Facebook vì nghi ngờ công ty này vi phạm các nguyên tắc bảo mật nghiêm ngặt của EU.
Vậy thì, dùng tiếp hay không dùng tiếp? Thật khó có câu trả lời vì Facebook đã "ăn sâu" vào đời sống của chúng ta, đâu dễ dàng để bỏ, dù biết dữ liệu cá nhân bị xâm phạm nghiêm trọng!
Nguồn: https://congluan.vn/facebook-lai-the-hien-minh-la-anh-chang-ho-hua-post66786.html
08:00, 19/08/2019
03:00, 18/08/2019
08:00, 15/08/2019