19/01/2025 | 02:31 GMT+7, Hà Nội

​EVN, PVN, Vinaphone… được đề nghị phong danh hiệu Anh hùng Lao động

Cập nhật lúc: 14/09/2015, 05:22

Ban Thi đua - Khen thưởng TW vừa công bố danh sách các trường hợp thuộc bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015.

Trong đó, riêng Bộ Công Thương có 5 tập thể, cá nhân gồm: Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Khí Việt Nam, Công ty dịch vụ viễn thông Vinaphone, Công ty cao su Lộc Ninh…

Về phía ngành giáo dục có Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng...

Bên cạnh đó là các đơn vị như Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Cục thuế Hà Nội, Cục Hải quan Bình Dương,… cũng nằm trong danh sách được đề nghị.

Cá nhân có ông Nguyễn Duy Khuyến, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và ông Trần Đình Thanh, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Thanh tra quốc phòng, thiếu tướng Hoàng Kiền (giám đốc ban quản lý dự án 347, Bộ tổng tham mưu, bộ quốc phòng), đại tá Trần Hữu Thông (giám thị trại giam Thủ Đức, Tổng cục cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ công an) được đề nghị  phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ban Thi đua khen thưởng trung ương cho biết danh sách trên đang được xin ý kiến nhân dân rộng rãi trước khi quyết định. Mọi thông tin, góp ý có thể gửi về email: [email protected].

Cũng theo Ban Thi đua - Khen thưởng TW, Danh hiệu “Anh hùng Lao động” được tặng cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc, trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là tấm gương sáng, mẫu mực về mọi mặt; tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có hành động anh hùng, trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lập được thành tích đặc biệt xuất sắc, có phẩm chất đạo đức cách mạng, là tấm gương sáng về mọi mặt, đạt được các tiêu chuẩn theo quy định.

EVN được xét phong Anh hùng Lao động.

EVN được xét phong Anh hùng Lao động.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ba năm gần đây, nhờ "trời", kết quả kinh doanh điện của EVN đã sáng sửa trở lại. Nếu xét theo từng năm, kể từ năm 2012, trung bình mỗi năm Tập đoàn này cũng đã lãi hơn 4.500 tỷ đồng.

Thế nhưng, tại hội nghị tổng kết hôm 13/1, Tổng Giám đốc EVN, ông Phạm Lê Thanh đã giãi bày, lỗ, cân bằng tài chính là một trong ba thách thức lớn nhất hiện nay của EVN.

Quyết định 854 của Thủ tướng đã đề rõ đến 2015, EVN về cơ bản phải giải quyết xong khoản lỗ, cân bằng tài chính. Nhưng với tình hình hiện nay, EVN sẽ không có nguồn nào để cân bằng được.

Ông Thanh cho biết, hiện, khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện do bị hạn hán giai đoạn năm 2009-2010 khoảng 12.000 tỷ đồng đến nay đã được EVN giải quyết xong. Khoản lỗ 26.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá cũng đã được EVN hiện chỉ còn 8.800 tỷ lỗ.

Tuy nhiên, EVN lại đang gánh thêm nhiều khoản lỗ phát sinh khác không thể không kể đến như lỗ từ giá than tăng, từ thuế tài nguyên nước tăng từ 2 lên 4%, tăng phí môi trường rừng, tốn kém chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn.... Tổng số lỗ này phụ trội thêm khoảng 8.000 tỷ đồng.

Ông Thanh khẳng định, hiện tổng cộng lỗ của EVN đã lên tới 16.800 tỷ đồng, vẫn chưa có nguồn cân đối được.

Do có khoản lỗ luỹ kế lớn, sau gần 2 năm, kể từ ngày 16/3, EVN được chấp thuận tăng giá điện bán lẻ thêm 7,5% lên mức bình quân 1.622,01 đồng/kWh. Thời điểm này, EVN cũng công bố biểu giá bán lẻ điện với 6 bậc thang.

Tuy nhiên, sau vài tháng áp dụng biểu giá điện mới này đã vấp phải nhiều phản ứng từ dư luận. Hiện Tập đoàn này đang lập đề án để gửi lên Bộ Công Thương về việc sửa biểu giá điện theo hướng phù hợp hơn.

Danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu AHLĐ, AHLLVTND năm 2015