19/01/2025 | 18:31 GMT+7, Hà Nội

Đừng để trẻ một mình với những clip hoạt hình tưởng như vô hại

Cập nhật lúc: 04/03/2019, 12:27

Một bà mẹ ở Mỹ đã chia sẻ câu chuyện của mình khiến không ít phụ huynh không khỏi giật mình về những clip hoạt hình tưởng như vô hại. Và ngay ở tại Việt Nam những ngày qua, một số clip phim hoạt hình trên Youtube đã bị chèn trong đoạn về thử thách với nội dung hướng dẫn các em tự làm hại bản thân.

Theo bà mẹ ở Mỹ, hôm đó cô mở một đoạn phim hoạt hình trên YouTube Kids cho con xem. Nội dung clip có vẻ đơn giản và hồn nhiên cho đến khi một người đàn ông đeo kính đen bất ngờ xuất hiện trong clip. Anh ta nói chuyện với người xem (là những đứa trẻ) và bắt đầu hướng dẫn chúng cách để... cắt cổ tay một cách hiệu quả nhất. Đoạn phim xuất hiện người đàn ông không hề liên quan gì đến nội dung tổng thể của clip. Chứng tỏ đã có ai đó cố tình chỉnh sửa, chèn vào đoạn phim có thể gây nguy hại cho trẻ em. Điều đáng sợ là âm mưu này rất khó bị phát hiện nếu các bậc phụ huynh không xem hết cả clip cùng con vì đoạn phim hướng dẫn cắt cổ tay được chèn ở giữa clip. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bố mẹ để chúng ngồi xem clip một mình và nghe theo hướng dẫn chết người này.

dung de mac tre mot minh voi nhung clip hoat hinh tuong nhu vo hai
Nhân vật kinh dị xuất hiện trên Youtube mà trẻ con hay xem.

Còn trong nhiều phim ngắn hoạt hình về một chú lợn vui nhộn nổi tiếng trên mạng, mấy ngày gần đây đã bị chèn một đoạn hình ảnh nhân vật có vẻ ngoài kinh dị khi mang đầu người, mình gà cùng mái tóc đen, mắt lồi, làn da nhợt nhạt với cái miệng rộng xuất hiện và hướng dẫn người xem cách tự làm hại bản thân. Điều đáng lo ngại là những bộ phim về chú lợn này vốn là bộ phim yêu thích của nhiều trẻ em Việt Nam. Theo nội dung một bài báo trên tờ Mirror của Anh vào ngày 27-2 cho biết, video thử thách xuất hiện trong các series nổi tiếng, các video mở trứng (trong đó có đồ chơi), các video mở hộp và video về trò chơi Minecraft (trò chơi dò mìn). Vốn là các video rất phổ biến đối với trẻ em trên thế giới lẫn tại Việt Nam. Đây là cách làm của các kênh và đối tượng xấu, lợi dụng sự ngây thơ dễ dụ của trẻ em và quản lý lỏng lẻo của người lớn để tiện bề câu view với quy mô khổng lồ. Tất cả những nhân vật chính đều rất nổi tiếng với tuổi thơ trong các bộ truyện tranh và phim ảnh hoạt hình, nhưng nội dung lại bị thay đổi hoàn toàn, chứa đầy những khung cảnh đâm chém, đổ máu, thậm chí hướng dẫn làm các trò nguy hiểm tới tính mạng.

Nhân vật đầu người mình gà nêu trên xuất hiện trong thử thách được cho bắt nguồn từ Anh và có từ cuối tháng 8-2018 nhưng đáng nói là gần đây đã len lỏi, ẩn mình trong các video hoạt hình nổi tiếng cho trẻ em ngay trên kênh YouTube Kids vốn được làm ra vì mục đích cung cấp nội dung an toàn. Kẻ xấu sử dụng hình ảnh này trong một thử thách có thể khiến người xem trầm cảm và nung nấu ý định tự sát. Nhân vật sẽ liên lạc với người chơi qua Messenger hay WhatApps để xúi giục họ làm theo những hành động có thể gây hại cho bản thân. Trong một clip chúng tôi xem được, ở đoạn giữa nội dung phim hoạt hình, hình ảnh kinh dị xuất hiện và yêu cầu chú heo này tự sát. Những cảnh kinh dị này chỉ xuất hiện thoáng qua trong video vì vậy rất khó để các bậc cha mẹ và cả YouTube phát hiện. Nguy hiểm hơn, nhân vật khi xuất hiện trong các video sẽ khuyến khích trẻ em kết bạn với nhân vật này thông qua tài khoản Whatsapp. Sau khi kết bạn, người đứng sau nhân vật sẽ gửi các hình ảnh kinh dị, sau đó đe doạ trẻ em bắt chúng làm hại bản thân, cuối cùng dẫn đến tự sát.

Trong năm 2018, một cô bé ở Anh đã tự tay cắt trụi mái tóc dài của mình sau khi bị cuốn vào một thử thách bệnh hoạn của nhân vật kinh dị, nhân vật này cũng đã xuất hiện trong một video YouTube mà bé đang xem. Cô bé cho biết nhân vật này muốn mọi người bị hói và cười nhạo bé vì có mái tóc dài và đe dọa sẽ làm tổn thương bé nếu không cắt tóc đi.

Người dùng tại Việt Nam, đặc biệt là các bậc cha mẹ nên theo dõi sát sao và cảnh giác khi con trẻ tiếp xúc với nội dung trên mạng xã hội để phòng tránh không chỉ thử thách trên mà cả những mối nguy tiềm ẩn khác. Bởi ngày càng xuất hiện nhiều những video biến tướng, những thử thách kinh dị bệnh hoạn “núp bóng” kênh dành cho trẻ em.

Những video hoạt hình liên quan đến máu me, giết chóc, tự sát từ lâu vẫn luôn tồn tại trên YouTube. Nổi bật trong số đó có loạt phim hoạt hình H.T.P (tên đã được thay đổi -PV) về một số loài động vật dễ thương nhưng liên tục bị hành hạ tra tấn giết chóc. Có video lượt xem cao nhất lên đến 72 triệu và đã tồn tại 11 năm nay. Đặc biệt loạt phim hoạt hình kinh dị này không hề được giới hạn tuổi người xem. Điều này đồng nghĩa việc trẻ em có thể xem video này bằng bất kỳ thiết bị, tài khoản nào.

Được biết, trong ngày 28-2, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ thông tin và truyền thông) đã yêu cầu Google gỡ bỏ các clip hướng dẫn game có nội dung hướng dẫn tự sát xuất hiện trên YouTube.

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, vào sáng ngày 28-2, một số cơ quan báo chí đã phát hiện ra các clip hướng dẫn chơi game tự tử và gửi đường div đến Cục. Sau đó Cục yêu cầu Google gỡ bỏ, đồng thời tăng cường bộ chặn lọc để không cho các clip có nội dung tương tự xuất hiện trên YouTube. Các clip mà một số cơ quan báo chí gửi đến đã được Google gỡ bỏ và không còn tìm thấy trên YouTube.

Tuy nhiên, việc có còn clip mang nội dung độc hại đang và sẽ xuất hiện trên YouTube hay không thì có lẽ ngay chính YouTube cũng không kiểm soát hết được.

Vì thế, các phụ huynh hãy đừng để con mình thoải mái, tự do một mình ngồi xem các bộ phim hoạt hình tưởng như vô hại hàng tiếng đồng hồ.

Để bảo vệ những đứa trẻ, cảnh sát Anh đã đưa ra khuyến cáo các bậc phụ huynh cần:
- Phải đảm bảo biết được trẻ truy cập gì trên Internet.
- Đảm bảo cho trẻ biết được tầm quan trọng của thông tin cá nhân và không trao nó cho bất kỳ ai không quen biết.
- Hãy cho trẻ biết không ai có quyền yêu cầu chúng phải làm những điều mà chúng không muốn.
- Cài đặt và sử dụng các ứng dụng giám sát trẻ em trên smartphone và máy tính để giữ an toàn cho trẻ.

Ngoài ra, nếu trẻ có các dấu hiệu sau đây, cha mẹ cần phải đề cao cảnh giác:
- Trở nên giữ bí mật với cha mẹ, đặc biệt về hành động của trẻ trên mạng xã hội và internet.
- Dành nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội và internet.
- Bất ngờ tắt màn hình máy tính hoặc che giấu smartphone khi cha mẹ bất ngờ xuất hiện.
- Trở nên xa lánh, mất kiểm soát hoặc tức giận sau khi sử dụng internet hoặc mạng xã hội.
- Có nhiều số điện thoại lạ xuất hiện trong danh bạ trên smartphone.

Xuân Thanh