22/11/2024 | 00:32 GMT+7, Hà Nội

Dubai lắp đặt tháp năng lượng mặt trời cao nhất thế giới

Cập nhật lúc: 04/10/2017, 12:00

Tòa tháp có chiều cao 260 m này sẽ đóng góp đáng kể vào sản lượng điện hàng năm của nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất Dubai.

Hiện nay, Công viên năng lượng mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum gần Dubai, đang sở hữu khoảng 2,3 triệu tấm pin quang điện có lớp chặn. Việc mở rộng quy mô nhà máy năng lượng mặt trời này cũng như bổ sung thêm cột tháp mới cao gần 260 m sẽ góp phần làm tăng sản lượng điện hàng năm ở đây lên đến 700 megawatt (MW).

Công viên năng lượng mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã đi vào hoạt động năm 2013 với công suất 13 MW. Hiện tại, công suất của nhà máy đã đạt 200 MW, sau khi giai đoạn thứ hai của dự án được tiến hành vào tháng Ba năm nay.

Tuy nhiên, Cơ quan phụ trách về các vấn đề điện lực và nước của Dubai (DEWA) cho biết, trong tương lai họ sẽ thực hiện nhiều dự án lớn hơn tại nhà máy này. Dự tính, đến năm 2020, nhà máy sẽ đạt công suất lên đến 1.000 MW, và đến năm 2030, con số này sẽ đạt 5.000 MW.

Gần đây, DEWA đã trao quyền thực hiện giai đoạn thứ tư của dự án công viên năng lượng mặt trời trị giá 3,8 tỉ USD này cho ACWA Power của A-rập Xê-út và Shanghai Electric của Trung Quốc. Hai công ty này đã trúng gói thầu với giá 7,3 xu Mỹ/kWh.

CEO của DEWA – ông Saeed Mohammed Al Tayer – chia sẻ, “Việc chúng tôi tập trung phát triển loại năng lượng có thể tái tạo được này đã giúp làm giảm giá thành trên toàn thế giới cũng như giảm giá thầu tại châu Âu và khu vực Trung Đông. Rõ ràng đối với những dự án sử dụng công nghệ Tập trung năng lượng mặt trời (CSP) như thế này, chúng tôi đã có được mức chi phí thấp nhất thế giới.”

Công nghệ CSP này đã trở nên đắt đỏ hơn so với loại năng lượng mặt trời truyền thống mà con người thường sử dụng trước đây. Mặc dù còn nhiều bất cập như vậy nhưng các dự án CSP vẫn có khả năng tích trữ một phần năng lượng dưới dạng nhiệt năng để phục vụ cho các nhu cầu sau này.

Dự kiến, đến năm 2030, công viên năng lượng mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum sẽ đạt diện tích 215 km2, và giúp giảm lượng khí thải CO2 lên đến 6,5 triệu tấn mỗi năm.