19/01/2025 | 16:11 GMT+7, Hà Nội

Đưa vào khai thác 21 dự án giao thông trọng điểm trong năm 2020

Cập nhật lúc: 25/12/2020, 07:28

Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt trong năm 2020 đã hoàn thành và đưa vào khai thác 21 công trình, dự án giao thông trọng điểm.

Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển mạnh mẽ, nhiều công trình lớn và hiện đại được đưa vào khai thác giúp kết nối các vùng kinh tế

Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, hiện kế hoạch vốn trung hạn của Bộ được giao là 233.211 tỷ đồng, giao chi tiết theo kế hoạch hàng năm tổng số đến nay được 161.000 tỷ đồng (69% kế hoạch trung hạn) và đến nay đã giải ngân được 143.000 tỷ đồng, đạt bình quân 88,8% so với kế hoạch hàng năm được giao.

Trong năm 2020, Bộ GTVT được giao 39.826 tỷ đồng (gồm vốn kéo dài). Tính đến hết tháng 11/2020, kết quả giải ngân ước đạt 32.103 tỷ đồng đạt 80,6%, cao hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước (64,5%).

Căn cứ vào tình hình thực tế, từ nay đến hết thời hạn giải ngân kế hoạch năm 2020, Bộ GTVT phấn đấu giải ngân tối thiểu trên 90% kế hoạch cả năm. Ngành giao thông đã kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới. 

Đảm nhận vai trò chủ yếu trong kết nối vùng miền và quốc tế, trong giai đoạn 2011-2020, Bộ GTVT đã hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 1.074 km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.

Khu vực phía Bắc đã hoàn thành các tuyến hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội, tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khu vực phía Nam đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây nối Đông Nam bộ và phía Bắc, TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương nối với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; đang triển khai 2 tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận. Khu vực miền Trung đã hoàn thành 2 tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt.

Ngoài ra, Quốc lộ 1 đã được nâng cấp, mở rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau và được kéo dài đến Năm Căn, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nối xuống miền Đông Nam Bộ đã được mở rộng. Nhiều quốc lộ trọng yếu được đầu tư, nâng cấp toàn tuyến hoặc một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn, rất nhiều công trình cầu, hầm cấp đặc biệt, cấp I đã được xây dựng.

Trong lĩnh vực đường sắt đã có nhiều nỗ lực, duy trì tình trạng kết cấu hạ tầng để nâng cao an toàn và rút ngắn thời gian chạy tàu. Phân bổ nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt còn hạn chế tuy nhiên bước đầu đã được quan tâm đầu tư, từng bước được cải tạo, nâng cấp. Hiện Bộ GTVT đang triển khai 4 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình đường sắt trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Năng lực kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã được nâng cao nhờ việc tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo một số tuyến tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đưa vào sử dụng một số công trình chỉnh trị cửa sông, kênh, âu tàu lớn, hiện đại và một số cảng đầu mối container kết hợp cảng cạn ở Phía Nam và Phía Bắc. Năm 2020, Bộ đã tiến hành động thổ Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc dự án WB6.

Hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ với năng lực thông qua khoảng 570 triệu T/năm. Hai cảng cửa ng quốc tế Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện đã có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000tấn (DWT) đi thẳng bờ Tây nước Mỹ, Canada và Châu Âu.

Các cảng hành khách tại Phú Quốc, Hạ Long có khả năng tiếp nhận tàu chở khách lớn nhất thế giới, cảng chuyên dùng tiếp nhận được tàu từ 100.000 tấn đến 320.000 tấn. Từng bước phát triển hệ thống cảng cạn hỗ trợ hiệu quả cho việc khai thác cảng biển, phát triển dịch vụ logistics.

Trong lĩnh vực hàng không, các cảng hàng không quan trọng đã được nâng cấp gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và xây dựng mới gồm Phú Quốc, Vân Đồn, nâng tổng công suất mạng cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm. Công nghệ điều hành bay hiện đại đảm bảo an toàn, tăng hiệu quả khai thác hạ tầng cảng hàng không.

Năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đánh giá hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả cao. Bộ mặt KCHTGT của đất nước đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác.

Việc tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hoà các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Công luận

Nguồn: https://congluan.vn/dua-vao-khai-thac-21-du-an-giao-thong-trong-diem-trong-nam-2020-post110445.html