19/01/2025 | 13:24 GMT+7, Hà Nội

Du lịch miền Tây: Thoả mãn và tiếc nuối

Cập nhật lúc: 14/12/2018, 10:30

Miền Tây, khi đến là cảm giác hạnh phúc và thoải mãn. Những cung đường vắng người, những gương mặt thân thiện và bầu không khí trong lành in hằn trong tâm trí mình. Nhưng khi trở về, nhìn lại, những trải nghiệm này có thể sẽ còn hoàn hảo hơn nếu đặt trong mối tương quan với những câu chuyện tưởng chừng vĩ mô về lĩnh vực du lịch.

Một chút tản mạn về chuyến đi của tuổi trẻ

Mình đến miền Tây, à không, thực tế chỉ được 1/4 miền Tây mà thôi, khi vừa tốt nghiệp Đại học. Miền Tây không hề ngược đãi tấm lòng đứa trẻ ham chơi, ham tưởng tượng như mình. Miền Tây đẹp dung dị, hiền hoà như những gì mình trông mong.

Mình chọn Cần Thơ làm điểm đến đầu tiên cho hành trình khám phá của mình. Thưc tế điều này xuất phát từ nhiều yếu tố, đầu tiên là làm thế nào để hạn chế tối đa quãng đường di chuyển giữa các tỉnh mà vẫn đảm bảo sẽ đặt chân đến nhiều tỉnh nhất có thể. Thứ hai là tiền vé máy bay, tại thời điểm mình bay, vé máy bay 1 chiều từ Hà Nội vào Cần Thơ rẻ hơn một ít so với vé từ Hà Nội vào TP.HCM.

Cần Thơ vừa mang nét thơ mộng, hiền hoà, vừa mang cả nét đô hội, nhộn nhịp của một thành phố trực thuộc Trung ương. Cần Thơ có phố thị đông đúc, tiếng còi xe ồn ã, những con phố đêm bán đủ những món hàng tứ xứ. Cần Thơ giàu có hơn mình nghĩ. Nhưng vẫn là Cần Thơ, chạy xa khỏi trung tâm thành phố, những lùm cây cao hơn đầu người, mùi đất mùi trời nhẹ nhàng và thư thái.

Cần Thơ, trong cảm nhận của mình, pha tạp khá nhiều thứ nên không thể mang nổi những đặc trưng miền Tây cho mình thoả lòng. Chợ nổi Cái Răng không như mình nghĩ, tại mình không đến đúng mùa hoa quả hay tại những bức ảnh về chợ nổi Cái Răng trên mạng đã dùng quá nhiều hiệu ứng? Chợ nổi, phía trước là mặt trăng đang tìm đường xuống, phía sau, là mặt trời đang tìm đường lên – đây là điều mình thích nhất khi ngồi trên chiếc tàu đi chợ nổi. Cảnh sắc 2 bên đường khá lộn xộn, những căn nhà đổ, những thuyền, những tàu đã thành phế liệu không được đỗ đặt ngăn nắp, mình không thích những cảnh vật này lắm.

Dòng sông chợ nổi lúc 5 rưỡi sáng

Dòng sông chợ nổi lúc 5 rưỡi sáng

Những chiếc xuồng, ghe chở đầy hoa quả mùa hè

Những chiếc xuồng, ghe chở đầy hoa quả mùa hè

Con người Cần Thơ, mà chủ yếu là từ tuổi trung niên đổ lên, ai ai cũng có làn da nâu đậm, tính cách hồ hởi, nhiệt thành. Mình rất thích cảm giác được nghe những người xứ này nói chuyện. Bởi ở họ, mình tìm thấy một cái gì đó rất thân thuộc và rất gần gũi.

Nơi phố thị trung tâm của miền Tây, mình ở tại một hostel cách bến Ninh Kiều chỉ độ 1km, dịch vụ tại đây khá ổn, nhân viên dễ chịu và phòng ngủ thì rất sạch sẽ. Cũng ở nơi này, mình được bạn dẫn đi ăn món vịt chao, nem nướng. Nem nướng ăn in ít còn được, ăn nhiều thì vị ngọt bám vào tận cổ họng. Mình uống một cốc dâu ép, ngọt ám miệng đến hết chiều, ngọt đến mức giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ. Vịt chao thì nước dùng ổn, ăn với bún rất ngon.

Rời Cần Thơ, men theo một đoạn đường quốc lộ và đường mòn Hồ Chí Minh, mình mới chứng kiến một miền Tây rõ nét. Miền Tây trên đường mòn không có nhà cao tầng, không có cảnh phố xá bon chen, không có bụi bặm của nhà xưởng hay xe cộ. Miền Tây chỉ có rặng dừa xanh, có vườn mía, có quán cafe võng lưu nghỉ. Miền Tây phải như thế chứ, như Nguyễn Ngọc Tư từng tả trong trang sách. Miền Tây thực sự cho người ta cảm giác an bình.

Một dòng kênh ở Sóc Trăng

Một dòng kênh ở Sóc Trăng

Mình lại lan man rồi, rời Cần Thơ, mình chọn Cà Mau làm điểm đến tiếp theo. Giữa Cần Thơ và Cà Mau là Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc liêu. Mình không ở lại Hậu Giang và Sóc Trăng vì bạn đồng hành của mình không có nhiều thời gian, chúng mình chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” và tự hứa sẽ trở lại khám phá nhiều hơn khi sắp xếp được thời gian. Vì thế, khi chạy xe qua những địa phương này, mình đều dừng lại, cảm nhận một tí hương sắc của các tỉnh, chụp một vài bức ảnh và chọn một quán nước để nói chuyện với vài người dân địa phương.

Đến thành phố Cà Mau cỡ 5h chiều. Cũng như Cần Thơ vậy, TP. Cà Mau đẹp đẽ, tiện nghi, nhưng không níu nổi chân mình. Những thành phố cứ hao hao nhau, tìm ra nét riêng giữa các trung tâm văn minh của một tỉnh chẳng phải điều dễ dàng. Mình và bạn nhất quyết đi Đất Mũi khi đồng hồ đã điểm 17h trong khi khoảng cách đến đất Đất Mũi vẫn còn 100km.

Con đường đến Đất Mũi không hề gập ghềnh, khó đi như những chia sẻ trên mạng. Ngược lại, đường rất đẹp. Chạy xe trên con đường hai bên chỉ đước và đước, mặt trăng treo ngay trên đầu, vị mặn của nước biển thấm vào từng thớ da quả thực rất khó diễn tả. Lúc đó, mình mong thời gian ngưng lại một chút, để mình kịp nhớ và kịp lưu lại những rung động hạnh phúc đó trong lòng.

Đến Đất Mũi, mình nghỉ lại tại một homestay do một người trung gian dẫn mối. Không có nhiều dịch vụ ăn nghỉ tiện nghi tại Đất Mũi. Mọi thứ đều khá hoang sơ, dịch vụ tham quan du lịch không quá phát triển.

Ở nơi cực nam của tổ quốc, chẳng có gì để chơi nhưng nó cuốn hút mình một cách lạ lùng. Với mình, Đất Mũi, là nơi đáng đi nhất ở miền Tây. Đến đây, trải nghiệm của mình là ngồi thuyền đi quanh rừng đước, chụp ảnh với cột mốc quốc gia và nằm vắt vẻo uống bò húc trên chiếc võng chỉ với 12 nghìn đồng.

Rời Cà Mau vào giữa trưa, chúng mình đến đặt chân đến Bạc Liêu vào cỡ độ 5h chiều. Sau khi đến đây, chúng mình đến thăm nhà Công tử Bạc Liêu và dạo quanh thành phố 1 vòng và tìm chỗ ngủ qua đêm.

Theo lịch trình, mình và bạn sẽ dậy thật sớm để đến nhà máy điện quạt gió ngắm bình minh nhưng không may, chúng mình ngủ quên do người đã mệt sau hành trình dài. Thành ra, mình đến nhà máy điện quạt gió vào giữa trưa, trời nắng nhất trong những ngày mình ở miền Tây, nhiệt độ ngoài trời chắc phải 37-38 độ. Đổi lại, trời xanh, ánh nắng rực rỡ giúp mình có rất nhiều ảnh đẹp.

Cánh đồng quạt gió ở Bạc Liêu

Cánh đồng quạt gió ở Bạc Liêu

Men theo quốc lộ 1, mình rời Bạc Liêu để trở về Cần Thơ rồi lên Sài Gòn. Đoạn đường khá dài, lại rất nắng, người đã thấm mệt sau những ngày chạy xe liên tiếp. Nhưng dư âm về chuyến đi vẫn còn đâu đó trong từng nhịp thở. Mọi khoảnh khắc đều làm mình hạnh phúc, mọi chặng đường đều khiến mình muỗn lưu giữ vào trí óc, mọi con người đều khiến mình rung cảm và muốn nói chuyện nhiều hơn,…

Trải nghiệm miền Tây từ góc nhìn của một người đã tìm hiểu kỹ càng hơn về du lịch

Miền Tây rất đặc biệt, dễ thương và dễ mến. Có điều, không gì là hoản hào, điều này giống như một chân lý và du lịch miền Tây cũng vậy. Trải nghiệm du lịch bụi như mình, mọi thứ từ đi lại, ăn, nghỉ, lưu trú chủ yếu đều phải tham khảo qua những bài review trên mạng xã hội và những trang web cả chuyên lẫn không chuyên về du lịch. Song không phải chuyến đi nào cũng giống nhau, mục đích, sở thích, mong muốn khám phá và cả “hầu bao” của từng người chi phối rất nhiều đến chuyến đi của họ. Bởi vậy, mọi thông tin đều chỉ mang tính tham khảo.

Đối với cá nhân mình và bạn mình trong chuyến đi lần này, điều khiến chúng mình không hài lòng nhất là dịch vụ lưu trú ở Đất Mũi. Như đã nói ở trên, Đất Mũi không phát triển về du lịch, những dịch vụ ăn, nghỉ, tham quan đều mang tính tự phát nhiều hơn là có quản lý quy củ.

Chúng mình khá chủ quan khi đến Đất Mũi, chỉ tham khảo thông tin về đường đi mà không tìm hiểu trước về chỗ ăn, ở. Ban đầu mình nghĩ Đất Mũi là một điểm tham quan khá nổi tiếng, hẳn sẽ có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn nên không hề mảy may nghĩ đến chuyện đặt phòng từ trước.

Đến Đất Mũi vào khoảng 8h tối, 2 bên đường không có đèn điện, ánh sáng duy nhất là từ trăng rằm và chiếc đèn pha xe máy. Đi cỡ vài, ba cây số mới có một quán nhậu bình dân. Lúc gần đến cột mốc cuối cùng, chúng mình vẫn không hề biết đó chính là điểm cuối của hành trình. Lân la hỏi hướng đi tiếp theo thì một người đàn ông chạy đến và dẫn mỗi cho một homestay ở cách đó độ 2km. Vì không còn sự lựa chọn nào khác nên chúng mình đành để người đàn ông này dẫn đường. Vào đến nơi, người này thu của chúng mình 20 nghìn “kinh phí”.

Tại homestay này, từ chỗ ngủ đến chỗ tắm, vệ sinh đều không “chuyên nghiệp” cho lắm, nói đúng ra là không được đảm bảo về mặt vệ sinh. Tại một chỗ trọ nơi cực nam, không wifi, cả khu lưu trú chỉ có 5-6 phòng ngủ, và chỉ 2 trong số đó có điều hoà. Chúng mình đến muộn nên phải chấp nhận ở phòng không điều hoà và giá ở qua đêm cho mỗi người là 150 nghìn đồng. Tổng cộng, riêng tiền phòng, chúng mình phải trá mức giá 300 nghìn đồng trong khi phòng ngủ chỉ rộng cỡ 12 mét vuông, có 1 quạt, nhà tắm và nhà vệ sinh dùng chung với những người khác.

Về đồ ăn, chủ yếu đồ ăn ở đây đều là hải sản, khá ngon nhưng giá rất cao. Mình không nhớ rõ giá từng món, chỉ nhớ bề bề có giá 2,5triệu đồng/kg. So sánh với mức giá ở những địa phương khác, đồ ăn ở homestay này có giá cao hơn hẳn.

Sáng sớm hôm sau, nhóm mình (gồm 2 người) và một gia đình gồm 4 người khác cùng thuê xuồng đi tham quan rừng ngập mặn. Sau nhiều lần trả giá, đoàn gồm 6 người phải trả 600 nghìn đồng cho 1 tiếng tham quan. Tuy nhiên, thực tế, quãng thời gian tham quan bị rút lại còn độ 40 phút do chủ xuồng bảo có việc bận phải về. Điều này khiến mọi người khá bức xúc.

Trải nghiệm ngồi xuồng đi tham quan rừng ngập mặn

Trải nghiệm ngồi xuồng đi tham quan rừng ngập mặn

Khi thắc mắc về sự thiếu chặt chẽ trong các mức giá ăn nghỉ cũng như dịch vụ, chủ homestay chia sẻ những mức giá này đều đã được thống nhất với “cộng đồng những người kinh doanh homestay” trên địa bàn.

Đó là câu chuyện ở nơi cực Nam của tổ quốc. Sau khi trở về, mình mới lên mạng tìm hiểu thêm thông tin về dịch vụ ở Đất Mũi. Điều này giống như việc “mất bò mới lo làm chuồng” nhưng mình vẫn muốn tìm hiểu thêm để sau này chia sẻ với những người có nhu cầu đi du lịch ở đây.

Cách điểm cực nam độ 10km có một khu du lịch mới nổi. Tại đây, theo bảng giá tham khảo trên trang web, mức phí cho phòng nghỉ khá hợp lý. Mức giá này cao hơn một chút so với chỗ mình đã ở nhưng chất lượng có vẻ thoả đáng hơn. Dù sao, một bảng giá niêm yết về các loại dịch vụ cũng là điều cho người du lịch cảm giác yên tâm và tin tưởng.

Một số người đi Đất Mũi nhưng chọn cách ăn và nghỉ tại thành phố Cà Mau hoặc thị trấn Năm Căn. Theo thông tin mình tìm hiểu, dịch vụ ở đây được đánh giá khá ổn. Đó cũng là một lựa chọn phổ biến cho người du lịch khi các dịch vụ ở Đất Mũi còn rất hạn chế.

Tuy nhiên, ngoại trừ sự thiếu chuyên nghiệp của homestay mình chọn thì việc được thức dậy ở nơi tận cùng của tổ quốc cũng là trải nghiệm đáng thử, ít nhất là đối với mình.

Khi tìm hiểu nhiều hơn về du lịch, mình đồng thuận với nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm du lịch miền Tây chưa thực sự độc đáo. Quả thực vậy, dù mình chưa có điều kiện đi hết các tỉnh miền Tây nhưng với những miền đất mình đặt chân đến, sản phẩm du lịch quanh quẩn chỉ có ngồi xuồng, ngồi thuyền thăm thú kênh rạch, một số địa phương có thêm miệt vườn. Tham khảo trên các trang mạng về những điểm nên đặt chân khi du lịch miền Tây, thú thực, mình không thể tìm thấy điều gì tạo nên nét riêng giữa các tỉnh.

Khi nói chuyện với những người từng chọn miền Tây là điểm đến trong các chuyến du lịch ngắn ngày, một số người thậm chí không phân biệt được các tỉnh, các thành phố đã từng đến. Một số người nói với mình, Bến Tre có nhiều dừa, Cà Mau có cột mốc, Kiên Giang có Phú Quốc, còn lại thì đều hao hao nhau.

Miền Tây Nam Bộ là một trong bảy vùng nằm trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhấn mạnh đến việc liên kết giữa các vùng, miền, địa phương hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Song trong tâm thế của một người du lịch bụi, sự liên kết giữa các tỉnh gần như còn lỏng lẻo và với bản thân những người như mình, gần như chưa nhìn thấy sự “hưởng lợi” nào từ câu chuyện liên kết vùng ở đây.