19/01/2025 | 10:23 GMT+7, Hà Nội

Dự án thành bãi xe và câu hỏi về năng lực quản lý của lãnh đạo quận Long Biên

Cập nhật lúc: 27/10/2020, 08:00

Sai phạm kéo dài tại các khu đất dự án nằm ngay cạnh khu dân cư, tuyến đường giao thông có mật độ phương tiên lưu thông cao và trường học giữa "thanh thiên, bạch nhật" nhưng UBND phường Long Biên không xử lí.

Lời tòa soạn: Theo thống kê, hiện nay, Hà Nội có tới hơn 300 dự án "treo", bỏ hoang, sử dụng sai mục đích ở khắp các địa bàn quận, huyện. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, thất thu Ngân sách Nhà nước mà còn khiến quyền lợi, tiện ích của người dân xung quanh khu vực "đất vàng" bị ảnh hưởng. Dù đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý triệt để được những tồn tại của hàng trăm dự án bỏ hoang lại là câu chuyện mãi chưa có hồi kết.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "ôm đất vàng" rồi bỏ hoang; chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến các sai phạm sử dụng đất, công tác xử lý, giải pháp khắc phục... để thông qua đó "giành" lại quỹ đất cho Thủ đô và đảm bảo quy hoạch, mỹ quan đô thị chung của Thành phố.

Hàng loạt dự án "đắp chiếu" hoạt động kinh doanh trông giữ xe trái phép tại quận Long Biên

Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và siết chặt các chính sách quản lý sử dụng đất đai bởi thực tế những năm qua cho thấy số vụ việc sử dụng đất sai mục đích ngày càng tăng, thậm chí có nhiều trường hợp ngang nhiên xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp mà không bị phát hiện, xử lý.

Pháp luật đất đai quy định chế tài xử phạt hành vi sử dụng đất sai mục đích chủ yếu là xử phạt hành chính và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất. Tuy nhiên nếu không thực hiện có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn là cưỡng chế, thu hồi đất.

Trên khu đất dự án do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tân Nhật Linh thi công tại chân cầu vượt ngã tư đường Đàm Quang Trung-Cổ Linh (đối điện Trung tâm Thương mại Aeon Mall) xuất hiện điểm trông, giữ xe.

Hiện nay việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương được thực hiện theo quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể như Luật xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các điều khoản luật khác có liên quan.

Theo Khoản 1 Điều 64 Luật đất đai số 45/2013/QH13 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Đất được Nhà nước giao; cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất… hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng; thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất; trừ trường hợp do bất khả kháng…

Khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy”.

Cũng tại Nghị định này quy định về Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp vi phạm hành vi hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đến 50.000.000 đồng thuộc Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo điểm b khoản 3 Điều 67.

Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở đã quy định rất rõ phần xây dựng sai phạm trước tháng 10/2013 nếu phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại nhưng chủ đầu tư phải đóng 40% lợi nhuận từ việc xây dựng sai phép mang lại, còn nếu không buộc phải tháo dỡ. Đối với công trình xây dựng sau tháng 10/2013, nếu vi phạm về xây dựng bắt buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ phần xây dựng sai phạm.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhấn mạnh thêm: “Việc các dự án sai phạm, chậm tiến độ, “câu giờ” chờ được hợp thức hóa, chờ “phạt cho tồn tại” gây áp lực chung lên kết cấu hạ tầng, tương lai sẽ phá vỡ tổng thể quy hoạch đô thị. Các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần rà soát và thanh kiểm tra các dự án “có vấn đề”, xử phạt nghiêm các sai phạm, ra quyết định thu hồi dự án nếu cần để không ảnh hưởng đến tiến độ chung trong định hướng phát triển quy hoạch của thành phố".

Bằng cách nào đó, hàng ngàn m2 đất dự án được quây tôn, dựng các khung sắt, lợp tôn, chia ô, kẻ vạch, căng dây làm bãi trông xe. Đáng chú ý là phía trong điểm trông giữ xe này đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, không có hệ thống thu gom rác, xử lý nước thải.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án “treo”, “bỏ hoang” ở các địa bàn quận, huyện trên địa bàn Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất. 

Tuy nhiên, trên khu đất dự án do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tân Nhật Linh thi công tại chân cầu vượt ngã tư đường Đàm Quang Trung - Cổ Linh (đối điện Trung tâm Thương mại Aeon Mall) xuất hiện điểm trông, giữ xe. Được biết khu đất dự án trên đã đắp chiếu nhiều năm và thuộc địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên. 

Theo ghi nhận thực tế của PV, mỗi ngày hàng trăm lượt xe ra vào tại điểm trông, giữ xe của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tân Nhật Linh. Và việc thu phí tại đây đều không có liên vé theo quy định. Anh M.H cư dân cho biết: Lượt xe ra vào khu đất này đã diễn ra từ rất lâu, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm khói bụi. Song người dân có phản ánh, đưa ra kiến nghị đều không được giải quyết. 

Bằng cách nào đó, hàng ngàn m2 đất dự án do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tân Nhật Linh thi công đã được quây tôn, dựng các khung sắt, lợp tôn, chia ô, kẻ vạch, căng dây làm bãi trông xe hoạt động ngày đêm.

Tương tự việc đưa dự án vào hoạt động kinh doanh tại Dự án đầu tư xây dựng khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe. Nhiều năm trôi qua, khu đất “vàng” này tại phường Long Biên, quận Long Biên vẫn bị bỏ hoang và được quây tôn kín mít. Việc để khu đất rộng lớn hoang hóa tại Thủ đô Hà Nội nhiều năm không sử dụng, khiến nhiều người không khỏi xót xa lãng phí.

Được biết, khu đất này mà Công ty Thiên Hà Thủy làm chủ đầu tư có địa chỉ tại số 19 phố Tư Đình (phường Long Biên) thực hiện dự án Khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở. Ngày 6/11/2012, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 8839/UBND-KH&ĐT về việc chấp thuận chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe tại phường Long Biên đối với Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Thiên Hà Thủy (Công ty Thiên Hà Thủy).

Sau đó dự án lại được đề xuất điều chỉnh bổ sung chức năng nhà ở, tại Văn bản số 1623/QHKT-P3 ngày 3/6/2013 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã kiến nghị và đề xuất UBND thành phố Hà Nội: “Cho phép bổ sung chức năng nhà ở vào tên dự án thành “Dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở” (trường hợp giữ nguyên tên dự án và chức năng sử dụng là Khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe thì Chủ đầu tư phải triển khai điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng ô đất nhà ở ký hiệu C2-4/LX1 (khoảng 470m2) sang chức năng đất cây xanh vườn hoa hoặc chức năng bãi đỗ xe, làm cơ sở triển khai nghiên cứu quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị không thuộc diện cấp Giấy phép quy hoạch)”.

Dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở - Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Thiên Hà Thủy. Hiện tại dự án vẫn nằm im lìm chưa triển khai nhưng đã được "hô biến" thành điểm trông giữ xe.

Đến ngày 18/2/2014, UBND thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Thiên Hà Thủy đối với Dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở, tiến độ thực hiện dự án được nới từ quý I/2014/ đến quý I/2016. Tại văn bản số 3935/UBND ngày 1/7/2016 của UBND thành phố Hà Nội lại một lần nữa “nới” chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ quý 4 năm 2016 đến quý 4 năm 2018.

Ngoài ra, đối với dự án này ban đầu được phê duyệt làm bãi đỗ xe, nhưng chỉ bằng công văn thỏa thuận của UBND thành phố Hà Nội, dự án đã có thêm chức năng nhà ở. Trong khi đó, cái mà gọi là nhà ở này thực chất chỉ là “hai nhà vườn song lập cao 3 tầng" với diện tích sàn công trình khoảng 273m2.

Người dân tại địa phương cho biết, từ khi có dự án nơi đây chỉ thay đổi duy nhất là khu đất này được quây tôn và mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe lớn nhỏ ra vào gây tiếng ồn ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập của tập thể giáo viên, học sinh trường THCS Long Biên. Đáng chú ý, dù những bãi xe này nằm sát khu dân cư nhưng công tác phòng cháy chữa cháy lại bị lãng quên một cách khó hiểu.

Theo ghi nhận của PV, tại bãi xe này rất khó để tìm thấy một vật dụng nào có thể phục vụ cho công tác chữa cháy tại chỗ. Nếu không may xảy ra hiện tượng cháy nổ, thì hậu quả sẽ khôn lường. Không những thế, việc rửa xe gây ô nhiễm nặng nề, các loại hóa chất và dầu mỡ sẽ thải xuống hồ nước nằm giữa lô đất, gây ô nhiễm.

Từ trước tới nay, hồ nước tại khu vực này không chỉ tạo điểm nhấn về cảnh quan mà còn có tác dụng điều hòa, tạo bầu không khí thoáng mát cho học sinh, giáo viên Trường THCS Long Biên và người dân sống trên địa bàn. Không hiểu vì lý do gì mà phía uỷ ban quận và phường Long Biên lại đồng ý phê duyệt dự án bãi trông xe gần sát trường học.

Trong khi dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở do Công ty Thiên Hà Thủy vẫn nằm im lìm chưa triển khai, thì hằng ngày vẫn có hàng trăm xe ra vào tiềm ẩn nguy hiểm về an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn. 

Lãnh đạo địa phương chưa thực hiện được đầy đủ vai trò, trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước giao cho?

PV đã liên hệ làm việc với UBND phường Long Biên về những phản ánh của người dân về các điểm trông, giữ xe nằm trên đất dự án. Theo đó ông Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch UBND phường Long Biên đã tiếp nhận thông tin của PV và hẹn lịch làm việc. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, khi PV tới làm việc thì ông Hùng lại né tránh. Đã gần 01 tháng qua, dù đã nhiều lần liên hệ đến ông Nguyễn Đức Hùng, nhưng PV hay người dân chỉ nhận được là một sự im lặng khó hiểu từ vị tân Chủ tịch UBND phường Long Biên.

Dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở do Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Thiên Hà Thủy (Công ty Thiên Hà Thủy) làm chủ đầu tư im lìm nhiều năm được "hô biến" thành điểm trông giữ xe tạm bợ, nhếch nhác kéo theo nhiều hệ luỵ.

Những sai phạm diễn ra hàng ngày, ngay cạnh khu dân cư, tuyến đường giao thông có mật độ phương tiên lưu thông cao và trường học giữa "thanh thiên, bạch nhật" nhưng UBND phường Long Biên không xử lí đã khiến dư luận địa phương đặt nhiều nghi vấn. Liệu nguồn thu từ những điểm trông giữ xe này có được báo cáo và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế là những điều mà dư luận đang vô cùng băn khoăn.

Trong khi đó, cư dân sinh sống trên địa bàn liên tiếp phản ánh, nhưng UBND phường Long Biên, UBND quận Long Biên không thể giải quyết. Phải chăng lãnh đạo địa phương chưa thực hiện được đầy đủ vai trò, trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước giao cho?

Khu đất dự án do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tân Nhật Linh thi công tại chân cầu vượt ngã tư đường Đàm Quang Trung-Cổ Linh (đối điện Trung tâm Thương mại Aeon Mall); Dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở do Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Thiên Hà Thủy (Công ty Thiên Hà Thủy) làm chủ đầu từ đều bị biến tướng mục đích sử dụng, tồn tại nhiều sai phạm.

Về nguyên nhân dẫn đến những vi phạm xây dựng, sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô còn kéo dài thời gian qua, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu quan điểm, một phần là do lực lượng Thanh tra Xây dựng chưa làm hết trách nhiệm. Việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã trong việc kiểm tra, đôn đốc còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao… Từ những nguyên nhân này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị chủ tịch, bí thư ở các địa phương phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm của đội quản lý trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý triệt để sai phạm cũ, không để phát sinh vi phạm mới.

“Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh do thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức, quản lý, xử phạt, kiểm tra thực hiện hoạt động phòng cháy chữa cháy mà để xảy ra cháy thì tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 360 BLHS”.

Hệ luỵ từ việc chậm triển khai dự án sẽ kéo theo tình trạng vỡ quy hoạch đô thị của TP Hà Nội, gây thất thu ngân sách Nhà Nước, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, đời sống người dân. Ngoài ra, với tình trạng hoạt động của bãi xe trên đất dự án không đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy là mối hiểm hoạ cháy nổ, đe doạ trực tiếp đến tính mạng người dân.

Qua thực trạng nhiều dự án tại Hà Nội cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng chưa được chú trọng đúng mức; việc kiểm tra thực hiện quy hoạch chi tiết được duyệt, quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch; cơ quan có thẩm quyền không tiến hành hậu kiểm hoặc hợp thức cho sai phạm, để làm lợi cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến cộng đồng. Từ đó đã dẫn đến quy hoạch bị thêm thắt, bóp méo, dự án bị “biến tướng”, không theo trật tự gây nhiều hậu quả nặng nề cho hạ tầng khiến người dân vô cùng bức xúc.

Để xử lý triệt để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lãng phí đất vàng, dự án bỏ hoang thì các cơ quan chức năng phải thực sự nghiêm minh, không để xảy ra tình trạng "mặc" báo chí phản ánh, "kệ" người dân gửi đơn thư tố cáo". Chính vì vậy, UBND quận Long Biên cần nhanh chóng kiểm tra, chỉ đạo làm rõ những vi phạm tránh để tình trạng “nhờn luật”, gây thất thu ngân sách Nhà nước tại địa phương.