19/04/2024 | 20:40 GMT+7, Hà Nội

Đột phá từ dịch vụ công trực tuyến

Cập nhật lúc: 19/06/2020, 16:17

Với 1.501/1.659 thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, thành phố Hà Nội đã tạo ra sự đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử, mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân...

Với 1.501/1.659 thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, thành phố Hà Nội đã tạo ra sự đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử, mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề để Hà Nội tiếp tục hiện đại hóa hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng đến các “công dân điện tử”.

Nhiều chuyển biến tích cực

Trong thời gian qua, kết quả công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội đã được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội năm 2019 tiếp tục xếp hạng rất cao, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Người dân được hướng dẫn làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố (SIPAS) đạt trên 80%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, trong thời gian có dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành công việc theo chỉ đạo của UBND thành phố và Trung ương, bảo đảm việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính, việc tiếp công dân và các nhiệm vụ chuyên môn thực hiện liên tục, không bị gián đoạn.

Tính riêng trong thời gian này, tổng số hồ sơ dịch vụ công mức độ 4 đạt 23,6%. Việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến các cấp trên thành phố thực hiện tập trung tại Hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế).

Để có được kết quả này, Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của thành phố, nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn được đề ra trong Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ. Thành phố cũng thực hiện tốt công tác chuẩn hóa thủ tục hành chính, kiểm soát việc công bố thủ tục hành chính.

Từ đầu năm đến nay, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn hóa thủ tục hành chính, kiểm soát việc công bố thủ tục hành chính. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã ban hành 18 quyết định công bố. 100% các thủ tục hành chính của thành phố đều được thực hiện tại bộ phận một cửa. 100% các quyết định công bố thủ tục hành chính sau khi ban hành đã được công khai theo quy định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, tại nơi tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính và các hình thức khác theo quy định.

Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.501/1.659 thủ tục hành chính, đạt 91% kế hoạch của cả giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó có 1.113 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 388 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên cổng dịch vụ công thành phố đạt hơn 930 nghìn hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 91%. Đáng chú ý, thông qua việc thực hiện việc rà soát, thành phố đã đơn giản hóa 481 thủ tục hành chính với số chi phí tiết giảm thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân khoảng trên 91 tỷ đồng/năm; rút ngắn thời gian xử lý công việc, bảo đảm tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn.

Hiện đại hóa hành chính

Về hiện đại hóa hành chính, thành phố tập trung triển khai 4/6 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi về dân cư, quản lý doanh nghiệp, quản lý bảo hiểm và tài chính. Tính đến ngày 24/5/2020, có 88 dịch vụ công đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 34%. Từ ngày 26/10/2018 đến ngày 24/5/2020, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố là 3.458.474 hồ sơ, trong đó có 691.694 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, đạt 20%.

Nhằm rút ngắn thời gian xử lý công việc, bảo đảm tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn, thành phố Hà Nội đã tích hợp ứng dụng biên lai điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống. Việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến các cấp của thành phố thực hiện tập trung tại hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế).

Thành phố đã xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành. Rút ngắn từ 30 - 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử. 90% các cuộc họp của UBND thành phố diện rộng đến sở, ban, ngành, quận, huyện và cấp xã thực hiện trực tuyến; 80% các cuộc họp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã diện rộng đến cấp xã thực hiện trực tuyến.

Đặc biệt, trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 đã khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống họp trực tuyến để triển khai các cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đến cấp xã.

Về triển khai ứng dụng cổng thông tin thành phố (Hà Nội SmartCity), đến nay, thành phố đã cập nhật lưu trữ dữ liệu của 22.790 người thuộc diện quản lý, giám sát liên quan đến dịch Covid-19. Tính đến ngày 24/5/2020, đã có 15.810.379 lượt truy cập xem bản đồ dịch trên ứng dụng; 57.370 tài khoản được đăng ký sử dụng trên hệ thống; 696.347 lượt tải ứng dụng trên 2 nền tảng di động iOS và Android; tiếp nhận, xử lý 2.632 phản ánh, kiến nghị của người dân về các lĩnh vực như: y tế (dịch Covid-19), giao thông, an ninh, môi trường...

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công tại một số tổ dân phố, mô hình khu dân cư điện tử, đồng thời bố trí công chức và cộng tác viên giới thiệu, hướng dẫn tư vấn miễn phí cho tổ chức và công dân về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đặc biệt, Hà Nội cũng thực hiện việc hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho học sinh khối trung học cơ sở, thông qua các em thực hiện tuyên truyền tới gia đình và cộng đồng dân cư, tạo tiền đề xây dựng “thành phố thông minh”, “công dân điện tử”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần tiếp tục tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: Phát triển chính quyền số gắn với đô thị thông minh, phát triển kinh tế số và xã hội số. Thực tế, đây cũng là những lĩnh vực Hà Nội đang triển khai nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo đột phá cho kinh tế Thủ đô bằng công nghệ và đổi mới sáng tạo.