Đổi mới tư duy quy hoạch, tạo đà phát triển đô thị hiệu quả
Cập nhật lúc: 02/12/2022, 20:33
Cập nhật lúc: 02/12/2022, 20:33
Quy hoạch xây dựng đô thị hiện nay
Trong thời gian qua, những chính sách đổi mới, hội nhập cùng với sự phát triển nhanh về các mặt kinh tế - xã hội, hệ thống các đô thị Việt Nam đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, năm 1990 cả nước có 500 đô thị (tỷ lệ đô thị hóa vào khoảng 17 - 18%) và đến tháng 9/2022 có 888 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 41,5%. Nhiều đô thị được đánh giá đạt tiêu chí phân loại đô thị cao hơn các giai đoạn trước.
Có thể thấy rằng, đô thị tại Việt Nam được cải tạo, nâng cấp, phát triển mở rộng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ và hiệu quả; kiến trúc đô thị phát triển theo hướng hiện đại, xanh và bền vững; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (đóng góp hơn 70% GDP của cả nước). Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại 2 đô thị đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.
Cùng với đó, mạng lưới trung tâm đô thị cấp quốc gia và cấp vùng đã được đầu tư phát triển, tăng tính cạnh tranh và khả năng nhận diện thương hiệu đô thị. Có 5 thành phố trực thuộc Trung ương và một số đô thị loại I ở các vùng kinh tế trọng điểm đã đảm nhận chức năng quan trọng của quốc gia (trung tâm hành chính, trung tâm tài chính, trung tâm đô thị cảng, trung tâm đô thị du lịch quốc gia, trung tâm đô thị công nghiệp 4.0, trung tâm đô thị đại học quốc gia và trung tâm đô thị văn hóa di sản cấp quốc gia).
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhận định: “Sau nhiều năm đổi mới, công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, bộ mặt kiến trúc đô thị luôn được đổi mới, hiện đại và giàu bản sắc; hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển; quản lý đô thị đã được quan tâm và nhiều đô thị ở Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ đô thị thế giới như: Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hải Phòng, Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu, Thái Nguyên, Hội An, Đà Lạt, Sa Pa cùng nhiều đô thị khác”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ở góc nhìn địa phương, báo cáo của TP.HCM cho hay, quá trình phát triển đô thị trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Tình trạng kẹt xe, ngập nước; bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành. Các bài toán, giải pháp để triển khai các chương trình về nhà ở (nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân thuê, nhà ở ven kênh rạch, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ…) còn chậm.
Về mục tiêu định hướng, TP.HCM sẽ trở thành đô thị đạt đẳng cấp quốc tế, trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Để thực hiện được điều này, TP.HCM hướng đến giải pháp đổi mới cách tiếp cận quy hoạch đô thị từ mô hình chỉ dựa trên các con số chỉ tiêu quy hoạch hay kế hoạch dài hạn khó đạt trong điều kiện hạn chế về nguồn lực đầu tư, sang quản lý theo mục tiêu phát triển bền vững với chiến lược và giải pháp phân kỳ đầu tư cùng nguồn lực hiện có, đồng thời đảm bảo tính khả thi khi từng bước đạt được những chỉ tiêu dài hạn.
Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị
Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 vừa diễn ra gắn với việc phổ biến triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đô thị trên cả nước.
Theo đó, tư duy quy hoạch xây dựng đô thị sẽ cần đổi mới, đi trước một bước và mang tính chiến lược hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chỉ ra việc Việt Nam sẽ chịu nhiều rủi ro và nguy cơ từ biến đổi khí hậu, nên sẽ tác động tới các vùng châu thổ và đô thị lớn, đặc biệt là đô thị ven biển. Nếu nước biển dâng 100cm, Đồng bằng sông Cửu Long có thể ngập tới trên 47,29% diện tích, trong đó có 17,15% diện tích TP.HCM bị ngập.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, công tác quy hoạch, phát triển đô thị tại Việt Nam cần có những thay đổi căn bản để vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa thích ứng với các tác động tiêu cực của thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn do biến đổi khí hậu, đồng thời thực hiện trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện nghĩa vụ của một bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thoả thuận Paris.
Nhận diện các vấn đề tồn tại và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các thách thức, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương quyết sách, chiến lược mang tầm thời đại để chuyển hóa các thách thức và định hướng cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị tại Việt Nam mà gần đây nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong quan điểm của Nghị quyết 06-NQ/TW, Bộ Chính trị nhấn mạnh: "Đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại" và trong nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 06 cũng đã nêu rõ yêu cầu cần lưu ý trong nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.
KTS. Trần Ngọc Chính cũng phân tích, quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới cần gắn với những đổi mới về hướng tiếp cận quy hoạch và phương pháp triển khai quy hoạch trong thực tiễn, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch và chương trình, dự án phát triển đô thị. Ưu tiên hoàn thiện Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia làm xương sống cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Về phương pháp quy hoạch và định hướng phát triển, cần hướng tới quy hoạch tích hợp - chiến lược, phù hợp bối cảnh địa phương và có sự tham gia xuyên suốt, hiệu quả của các bên trong việc nhận diện, giải quyết các vấn đề đô thị, đặc biệt là các vấn đề xuyên suốt như: Biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở phù hợp khả năng chi trả, phát triển bao trùm và hoà nhập không gian xã hội. Đây nên được coi là nguyên tắc, nền tảng dẫn hướng cho việc soạn thảo, sửa đổi các Luật có liên quan trong giai đoạn sắp tới.
Ông Chính cũng cho rằng, cần có cơ chế chính sách hướng dẫn và hỗ trợ triển khai xây dựng đô thị xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo dựng thương hiệu đô thị Việt Nam. Đồng thời, các ngành phải cập nhật lại một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đã lạc hậu hoặc chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển mới và xây dựng các tiêu chuẩn, quy định để có thể đón đầu hướng dẫn cho các xu hướng phát triển mới như đô thị thông minh, đô thị sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công cụ dữ liệu liên thông GIS nhằm chuyển đổi số trong quy hoạch. GIS giúp nâng cao chất lượng quy hoạch thông qua khả năng phân tích số liệu thống kê, kịch bản phát triển, lựa chọn vị trí xây dựng, kịch bản phát triển gắn với xu hướng tăng trưởng xanh, thông minh… Để đạt được mục tiêu này, cần phải có cơ sở dữ liệu quốc gia liên tục được cập nhật và minh bạch hóa, đồng thời, những yêu cầu này cũng cần thể chế, chính sách hỗ trợ đi kèm.../.
Nguồn: https://reatimes.vn/doi-moi-tu-duy-quy-hoach-tao-da-phat-trien-do-thi-hieu-qua-20201224000016246.html
09:42, 24/09/2022
06:30, 04/08/2022
09:42, 01/08/2022
18:57, 24/07/2022