18/01/2025 | 20:16 GMT+7, Hà Nội

Đổi giọt mồ hôi cho mùa xuân rực rỡ

Cập nhật lúc: 26/01/2019, 16:00

Tôi về Chợ Lách, Bến Tre vào một ngày cuối năm đầy nắng và gió. Những ngày này ở thủ phủ hoa Tết miền tây những con đường dường như cũng nhỏ lại. Từng hàng chậu cây cảnh các loại chất sát tận mép đường như cũng muốn theo chân người lên xe về thành phố.

“Lá vàng theo gió chao nghiêng

Thoảng nghe hương cúc nở hiên thềm nhà”

Khi những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa vừa dứt hạt, những cơn gió hanh hao đầu mùa chao nghiêng tán lá, từng giọt nắng nhảy múa trên cành cây cũng là lúc hương cúc non thoảng đưa trong gió. Những liếp cúc Hà Lan mơn mởn như con gái độ xuân thì bắt đầu vươn cành kết nụ, từng phiến lá như bàn tay non rung rinh đón dòng nước mát từ bàn tay người nông dân, như đang hùa nhịp hoan ca chờ lúc bung hoa khoe sắc đúng dịp xuân về. Đâu đó trong góc vườn, hàng ngàn chậu nhỏ chia liếp thẳng tắp, mùi đất trộn phân tro ngai ngái thoảng trong không khí, từng vạt cúc vạn thọ non cũng sắp sửa được tách bầu để vào chậu. Nhịp đời cây vừa mới bắt đầu.

Khó tính nhất lại là nàng cúc mâm xôi. Tôi mê đắm vẻ đẹp của loài hoa này đến độ Tết nào cũng phải dành vài chậu mang về nhà chưng. Những bông cúc vàng rực, bông chỉ to hơn hạt nút áo, ôm lấy nhau, vun tròn đầy đặn đúng như mâm xôi bà nội trợ vén khéo, nhìn dịu dàng mà vẫn đài các kiêu sa. Bao lâu nay tôi vẫn thầm ngưỡng mộ nghệ nhân trồng hoa sao khéo thế, ghép hàng trăm gốc hoa vào một chậu mà ra hoa đều tăm tắp, hóa ra tôi đã nhầm. Để có được một chậu hoa cúc cả ngàn bông như thế, nhà vườn đã phải trải qua từ 4 đến 5 lượt cơi cây. Cây hoa cúc trồng được 20 ngày sẽ được cơi lần đầu tiên, tức là ngắt ngọn để cây nảy thêm nhiều mầm mới. Ngọn đầu tiên ngắt đi sẽ cho ra từ 5 đến 10 mầm mới, chăm sóc cho cứng cáp tầm 20 ngày sẽ lại cơi, ít nhất 4 lần cơi như thế thì từ gốc chủ cây mẹ sẽ ra cả ngàn nhánh, ken đặc vun tròn đúng như hình một đĩa xôi. Cơi 5 lần chậu hoa sẽ rất to rất đẹp nhưng đòi hỏi kỹ thuật và công chăm sóc rất cao vì khi đó thời gian dài hơn nếu không chăm kỹ thì khi hoa nở cũng là lúc lá úa tàn sẽ không đẹp.

Đổi giọt mồ hôi cho mùa xuân rực rỡ

Những bông cúc vàng rực, bông chỉ to hơn hạt nút áo, ôm lấy nhau, vun tròn đầy đặn

Ông Đinh Văn Hiếu, một người chuyên trồng cúc ở ấp An Hòa, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre kể: “Xã này gần như nhà nào cũng trồng hoa Tết. Nhà nào ít thì vài ngàn chậu, nhà nhiều cũng hàng chục ngàn chậu hoa các loại. Nghề nông bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chẳng sợ vất vả cực khổ mà sợ nhất lại là ông trời không thuận. Từ cuối tháng 11 âm lịch trở đi, người làm hoa sợ nhất là trời mưa. Mưa trái mùa cây cho hoa sớm, đến Tết hoa tàn là coi như nhà nông mất Tết. Nhưng nếu hoa nở đúng vụ, đến được với từng gia đình đúng dịp Tết đến xuân về là chúng tôi mừng lắm!”.

Từ Long Thới ngược lên một chút là Vĩnh Thành, nổi tiếng bởi các vườn mai, tắc và cây kiểng. Hàng ngàn cây mai đang vào vụ tỉa đọt uốn cành lần cuối trước khi xuống lá chờ hoa. Mai vốn là một loài hoa đài các nên cũng cần nhiều công đoạn chăm sóc hơn. Khi còn nhỏ, cây mai phải trồng dưới đất ít nhất 5 năm cho cây cứng cáp. Cũng thời gian này, nghệ nhân phải nhìn thế mai mà tạo dáng, sau 5 năm bắt đầu lên chậu, chăm đến 2-3 năm là có thể bán. Làng đông người trồng mai, người chuyên mai nhỏ, chỉ vài ba năm là bán được, người lại chuyên mai cội, ít cũng chục năm, nhiều có khi vài chục năm, gốc to xù xì như bắp chân người nông dân. Mai được ví như người quân tử bởi tự thân nó chẳng cần uốn nắn gì thì đã toát lên sự vững chãi mạnh mẽ. Từng nhánh cây vươn dài cân đối, cánh hoa tuy mỏng manh mà mưa gió chẳng dễ dập vùi, màu vàng rực rỡ, tinh khiết thanh tao, loài hoa đem lại vượng khí an yên nên gia đình nào cũng muốn có trong nhà trong dịp Tết đến xuân về.

Đổi giọt mồ hôi cho mùa xuân rực rỡ

Ông Đinh Văn Hiếu, một người chuyên trồng cúc ở ấp An Hòa, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

Nghệ nhân Út Long, người có thâm niên trồng mai ở ấp Phú hội vừa lúi húi chăm cây vừa chia sẻ với tôi về nghề trồng mai: “Cây cũng như con người cô ạ, đều có tâm hồn trong đó. Để một cái cây cho thế đẹp hoa đẹp thì người trồng phải nâng niu chăm bón. Trồng cây như nuôi trẻ con vậy, tùy từng giai đoạn mà chăm sóc uốn nắn khác nhau. Để mai kịp nở hoa đúng ngày, người làm hoa vừa phải đoán nết cây, vừa phải ngó trời ngó đất để kịp xuống lá kích cho cây đơm nụ, cây trồng dưới đất còn dễ, cây lên chậu rồi sơ sảy một chút là hỏng hết. Vườn nhà tôi cả ngàn gốc mai đang kỳ vào vụ, mỗi cây một nết, tôi thuộc bệnh quen thế của từng dáng cây, đến lúc xuất vườn giao cho người ta là ngẩn ngơ hết mấy ngày. Tết đến nhìn vườn cây trống huơ mà tôi như người tương tư, được cái an ủi là mình góp phần đem lại niềm vui và may mắn cho hàng ngàn gia đình nên lại thấy hân hoan trở lại. Qua năm lại một vòng đời cây mới”.

Lại một mùa xuân nữa đang về. Lại một mùa hoa mới đang vào vụ. Mỗi năm chỉ một dịp thôi khắp các ngả làng thôn xóm nhộn nhịp. Người làm hoa vắt mình cho đất cho cây đổi lấy niềm vui ngày Tết của mọi nhà. Thương lắm những tấm lưng trần ướt đẫm giọt mồ hôi. Thương lắm những thân gầy hôm mai sớm để đổi lấy một mùa xuân rực rỡ những màu hoa.