21/11/2024 | 19:38 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp niêm yết vay hàng ngàn tỉ đồng đầu tư điện mặt trời, điện gió

Cập nhật lúc: 29/03/2021, 15:00

Bên cạnh phát triển lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, nhiều doanh nghiệp niêm yết đang đổ xô đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời...

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) cho biết đang nhắm đến phát triển mảng năng lượng tái tạo.

Theo ông Đạt, dù thời gian gần đây trên thị trường có nhiều thông tin tiêu cực xoay quanh mảng mới này nhưng khi nhảy vào, công ty sẽ nỗ lực đảm bảo về mặt pháp lý và lợi nhuận cho các cổ đông. Công ty đặt mục tiêu lãi ròng sau thuế năm 2021 đạt 1.868 tỉ đồng, tăng 53% so với năm 2020.

Năng lượng mặt trời
100% các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện chưa đầu tư hệ thống lưu trữ năng lượng, chỉ phát điện lên lưới khi có nắng - Ảnh: NGỌC HIỂN. 

Trước đó, sau khi thay ông Nguyễn Bá Dương giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD), ông Bolat Duisenov cũng chia sẻ với cán bộ công nhân viên: "Chúng ta hiện có một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực mới EPC (hợp đồng tổng thầu) với chiến lược tập trung ngành năng lượng tái tạo, lĩnh vực hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội phát triển cho Coteccons và xã hội".

Hiện trên sàn chứng khoán cũng có hàng loạt doanh nghiệp đang chen lấn mong kiếm lời từ "vàng xanh" như Tập đoàn Hà Đô (HDG), Tập đoàn Sao Mai (ASM), Licogi 16 (LCG), Bamboo Capital (BCG)...

Mảng năng lượng xanh đòi hỏi vốn lớn, do đó nhiều doanh nghiệp chọn cách vay hàng ngàn tỉ đồng tại các ngân hàng, lấy chính dự án làm tài sản thế chấp.

Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính hợp nhất 2020, Công ty CP Điện Gia Lai (GEG) lãi ròng sau thuế hơn 296 tỉ đồng, tổng tài sản ghi nhận hơn 7.768 tỉ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang gánh khoản nợ hơn 4.298 tỉ đồng, gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu.

Trong đó có khoản nợ 1.312,8 tỉ đồng từ Ngân hàng Vietcombank (chi nhánh Gia Lai) để đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời Krông Pa (Gia Lai), thời hạn cho vay 12 năm, lãi vay năm đầu 7,8%/tháng, các năm tiếp theo lãi cho vay bằng lãi cơ bản + 2,6%/năm.

Công ty này cũng nợ Ngân hàng Vietcombank (chi nhánh TP.HCM) gần 494 tỉ đồng để đầu tư nhà máy điện mặt trời TTC - Đức Huệ (Long An), nợ Ngân hàng Agribank 397 tỉ đồng đầu tư nhà máy điện mặt trời Phong Điền (Huế), nợ Ngân hàng BIDV (chi nhánh Gia Định) gần 192 tỉ đồng đầu tư điện mặt trời áp mái..., và lấy các dự án trên để thế chấp khoản vay.

Trường hợp khác, tính đến cuối năm 2020, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) đạt tổng tài sản gần 14.522 tỉ đồng, lãi ròng sau thuế 1.713 tỉ đồng. Đồng thời chịu khoản nợ 8.318 tỉ đồng, bao gồm gần 5.600 tỉ đồng nợ vay ngắn và dài hạn.

Trong đó, nợ Ngân hàng HSBC Việt Nam 112,6 tỉ đồng, thế chấp bằng toàn bộ máy móc và thiết bị là pin mặt trời, các thiết bị có liên quan đến hệ thống điện mặt trời áp mái từ các công ty con.

HSBC Việt Nam cũng từng cho biết sẽ cung cấp cho 2 công ty con của REE với khoản vay tín dụng xanh dài hạn 660 tỉ đồng và khoản tài trợ thương mại trị giá 150 tỉ đồng phục vụ đầu tư vào dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà.

Bên cạnh đó, REE cũng đặt mục tiêu đưa các dự án điện gió ở Trà Vinh và Ninh Thuận vận hành thương mại (COD) vào tháng 10 năm nay.

VietinBank Securities nhận định tiềm năng khai thác ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn rất lớn, công suất tăng trưởng mạnh trong 25 năm tới, đưa tỉ trọng từ 12% lên 30,8% tổng công suất nguồn phát năm 2045.

Vì vậy giới đầu tư có cơ hội gia nhập thị trường có định giá ước đạt 714 tỉ USD, bao gồm 280 tỉ USD điện mặt trời, 434 tỉ USD điện gió.

Tỉ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) đối với điện mặt trời cao hơn điện gió. Điện áp mái dân dụng có IRR cao nhất với 36%.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, dẫn đến quá tải lưới điện, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời.

 

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/doanh-nghiep-niem-yet-vay-hang-ngan-ti-dong-dau-tu-dien-mat-troi-dien-gio-54049.html?fbclid=IwAR0zRpacnOeIEDnVdmkJVhvFMONbEwhqoDfv2hzGxKF7oljwRwdOlQZvEZo