21/01/2025 | 09:24 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp hiến kế cho ngành du lịch

Cập nhật lúc: 15/01/2024, 10:29

Hơn 60 doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh Tiền Giang đã gặp gỡ, chia sẻ giải pháp phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch Tiền Giang nói riêng.

Ngày 11/1, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp mặt doanh nghiệp du lịch với chủ đề “Tiền Giang – Nơi cuối nguồn Mekong”.

Du lịch tăng trưởng mạnh với doanh thu gần 1.000 tỷ

Nằm trải dài trên bờ bắc sông Tiền, tỉnh Tiền Giang có các trục giao thông - kinh tế quan trọng đi qua. Vị trí thuận lợi, tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cư dân miệt vườn Nam bộ mở ra những cơ hội cho Tiền Giang phát triển du lịch, đặc biệt là khả năng kết nối với những thị trường du lịch quốc tế.

Tỉnh có 3 vùng du lịch trọng điểm gồm: vùng trung tâm, phía tây và phía đông. Các doanh nghiệp đang khai thác nhiều tour, tuyến du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, kết hợp tham quan các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Một số địa điểm và hoạt động nổi bật có thể kể đến như: di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Rạch Gầm - Xoài Mút, lăng Hoàng Gia, khu di tích Lăng, mộ và Đền thờ Trương Định, tham quan cù lao Thới Sơn, cù lao Tân Phong, khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, biển Gò Công, chùa Vĩnh Tràng, thiền viện Trúc Lâm và trải nghiệm các ngôi nhà cổ tại làng cổ Đông Hòa Hiệp.

Cơ sở hạ tầng tỉnh Tiền Giang cơ bản đáp ứng được nhu cầu du lịch lữ hành, lưu trú, dịch vụ ăn uống cho du khách trong và ngoài nước với 46 khu, điểm du lịch, 68 doanh nghiệp lữ hành, 328 cơ sở lưu trú, 4.454 phòng đủ điều kiện phục vụ lưu trú du lịch, 560 phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch.

Năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến Tiền Giang đạt 1,4 triệu lượt du khách, vượt 12% kế hoạch đề ra, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, du khách quốc tế 465.000 lượt (vượt 86% kế hoạch) tăng 4,7 lần và doanh thu từ khách du lịch đạt 970 tỷ đồng (đạt 96% kế hoạch) gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.

Du khách tham quan, trải nghiệm điểm du lịch Nhà cổ Ba Đức (làng cổ Đông Hòa Hiệp, Cái Bè). Ảnh: Minh Đảm.

Hiến kế xây dựng ngành du lịch

Trong không gian buổi họp các doanh nghiệp đã thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp phát triển các chương trình tour, tuyến du lịch, sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc trưng, thế mạnh từng địa phương của Tiền Giang.

Ông Vũ Hải Sâm, Phó Giám đốc Khối du lịch nội địa – Công ty TNHH MTV Du lịch lữ hành Saigontourist chia sẻ: Doanh nghiệp đang khai thác 3 tuyến tham quan tại Tiền Giang với các địa điểm chính là các cồn trên sông Tiền, chùa Vĩnh Tràng, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, trại rắn Đồng Tâm. Năm qua, doanh nghiệp có hơn 5.000 lượt khách hàng và mang về doanh thu 9,5 tỷ đồng từ khai thác các tuyến du lịch này.

Ông Sâm nhận định: Hiện tại các điểm tham quan tại Tiền Giang chưa có nhiều điểm mới phát sinh thêm hoặc có nhưng các doanh nghiệp chưa đưa vào khai thác được vì có một số khó khăn như: đường sá, dịch vụ… Cụ thể ở các địa điểm khu vực Tân Phước, đặc biệt là khu bảo tồn sinh thái Tân Phước chưa được khai thác nhiều.

Du khách trải nghiệm bắt nghêu tại biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông). Ảnh: Minh Đảm.

Để tăng cường kết nối tour, tuyến giữa các điểm đến du lịch, các doanh nghiệp du lịch Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh ông Sâm kiến nghị địa phương nên tổ chức nhiều thêm các buổi giới thiệu các sản phẩm mới đồng thời, tổ chức Famtrip nhằm giới thiệu, kết nối giao lưu các doanh nghiệp du lịch hai địa phương.

Ông Lê Thành Trọng, Giám đốc Công ty Du lịch Non Sông Việt (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) cho rằng: Nhiều điểm du lịch còn thiếu sự liên kết, trùng lắp sản phẩm. Để du lịch Tiền Giang hấp dẫn hơn, cần khai thác dựa trên thế mạnh, đặc sắc của địa phương. Ông lấy ví dụ như trại rắn Đồng Tâm là điểm du lịch mang màu sắc riêng của Tiền Giang. Hiện nay, sản phẩm du lịch của đơn vị này được công nhận OCOP 4 sao và đề xuất 5 sao, tuy nhiên cần được đẩy mạnh quảng bá hơn nữa. Mặc dù chuyên về những tour đường dài nhưng doanh nghiệp này cho biết mong muốn phát triển những tour nội địa để quảng bá hình ảnh của Tiền Giang đến với du khách phương xa.

“Để du lịch thu hút hơn nữa cần có những sản phẩm mang lại giá thực để cho du khách thấy được giá trị của tour. Du khách bây giờ thông minh lắm, họ cảm nhận được đâu là giá trị thật, đâu là thương mại hóa, giá trị thực sẽ là cái lâu dài nhất, lan truyền nhất để phát triển du lịch một địa phương”, Giám đốc doanh nghiệp du lịch Non Sông Việt chia sẻ.

Kêu gọi đầu tư nhiều dự án du lịch

Về định hướng phát triển du lịch Tiền Giang trong thời gian tới, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết 82 của Chính phủ về phát triển du lịch nhanh, bền vững và phục hồi sau dịch Covid-19, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể kết hợp với quy hoạch tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, có hợp phần về du lịch đã đưa ra các định hướng về không gian phát triển du lịch, tập trung mời gọi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm đặc trưng gắn với loại hình du lịch sinh thái, tự nhiên gắn với văn hóa nhằm khai thác hiệu quả các tài nguyên du lịch, đặc biệt là di tích lịch sử, lễ hội.

Ông Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Hiện nay, tỉnh đang kêu gọi đầu tư mở rộng thêm các dự án du lịch như: khu du lịch - nhà hàng - khách sạn Mekong Paradise, khu du lịch sinh thái Hòa Hưng, khu du lịch sinh thái Cồn Ngang, khu nghỉ dưỡng - du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn, khu giải trí - dịch vụ Tân Long, khu du lịch sinh thái biển Tân Thành và khu du lịch Long Bình.

Theo ông Nguyễn Thành Diệu, đến nay gần 100 đơn vị lữ hành, du lịch tổ chức các tour tuyến trên địa bàn tỉnh đều hoạt động có hiệu quả và ngày càng mở rộng, gắn bó lâu dài. Buổi họp mặt hôm nay là sự kiện quan trọng cho phát triển du lịch của tỉnh. Đây cũng là cơ hội kết nối các tour tuyến du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ.

“Tiền Giang cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn luôn hoạt động hiệu quả và thành công. Tỉnh gửi thông điệp mạnh mẽ là “Tiền Giang - Nơi cuối nguồn MeKong”, một điểm đến định vị bạn bè trong nước và quốc tế. Tỉnh mong rằng với một định vị, thông điệp này, các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành, du lịch xem đây như dấu ấn, dấu mốc, sản phẩm quan trọng để thu hút khách trong và ngoài nước.

Trong chương trình họp mặt cũng diễn ra phần ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch của tỉnh Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc ký kết này sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Tiền Giang nói riêng và các tỉnh, thành ĐBSCL nói chung ngày càng phát triển hơn trong thời gian tới.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/doanh-nghiep-hien-ke-cho-nganh-du-lich-d373901.html