19/01/2025 | 09:37 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp dệt may xin miễn thuế nhập khẩu

Cập nhật lúc: 13/12/2018, 13:01

Hiệp hội Dệt may Việt Nam mới đây đã kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan sửa đổi nghị định 134 theo hướng tiếp tục cho phép doanh nghiệp hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với hoạt động sản xuất xuất khẩu tại chỗ.

 

 Hiệp hội Dệt may cho biết, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đang hoạt động theo hình thức nhập nguyên phụ liệu để sản xuất xuất khẩu (Ảnh TL)
 

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, Hiệp hội đã nhận được ý kiến phản ánh của Công ty TNHH Dệt và Nhuộm Hưng Yên, Công ty TNHH may Tinh Lợi cùng nhiều doanh nghiệp hội viên về quy định không được miễn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ theo Nghị định 134 ngày 1/9/2016 của Chính phủ và công văn 5826 ngày 5/10/2018 của Tổng cục Hải quan.

Theo đó, hình thức xuất khẩu tại chỗ không được miễn thuế nhập khẩu và trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang đó bán sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài nhưng thương nhân nước ngoài chỉ định giao hàng cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam (xuất khẩu sản phẩm theo loại hình xuất khẩu tại chỗ) thì không được miễn thuế theo quy định.

Hiệp hội Dệt may cho biết, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đang hoạt động theo hình thức nhập nguyên phụ liệu để sản xuất xuất khẩu. Khi xuất khẩu, thương nhân nước ngoài chỉ định giao hàng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam theo loại hình xuất khẩu tại chỗ.

"Nếu thương nhân nước ngoài chỉ định giao hàng đến một nước khác ngoài Việt Nam, phần nguyên phụ liệu đã nhập khẩu để sản xuất sản phẩm này sẽ được miễn thuế, nhưng nếu được chỉ định giao hàng cho một doanh nghiệp khác tại Việt Nam dưới hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ thì lại không được miễn thuế.

Có thể thấy, việc xuất nhập khẩu tại chỗ như trên giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí vận tải, xếp dỡ, thời gian lưu thông và thời gian làm thủ tục thông quan. Hơn nữa, cũng khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang làm hàng FOB (thay vì chỉ gia công đơn thuần) làm tăng giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp", văn bản của Hiệp hội này phân tích.

Do đó Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan sửa đổi nghị định 134 theo hướng tiếp tục cho phép doanh nghiệp hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với hoạt động sản xuất xuất khẩu tại chỗ.

Bên cạnh đó, không truy thu tiền thuế nhập khẩu và tiền phạt đối với doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu thực hiện xuất khẩu tại chỗ từ thời điểm 1/9/2016 đến nay.

 Đức Minh